07/09/2009 08:15 GMT+7

Dân sinh chính là sự sống của người dân

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Cái chết không đáng chết của cậu bé Cồ Quốc Duy cần được nhìn ở một góc độ khác: dân sinh là gì? Thật đơn giản: dân sinh là sự sống của người dân. Sự sống của người dân phải như thế nào, xin nhắc lại ý sau ở hội nghị thượng đỉnh Trái đất Johannesburg năm 2002:

“Các nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo vệ quyền được sống và làm việc trong những điều kiện vệ sinh và an ninh tốt, quyền có được một môi trường lành mạnh và an toàn, quyền được chăm sóc và chi trả các thiệt hại gặp phải, quyền được thông tin và tiếp cận công lý. Các quốc gia phải đảm bảo việc công ty tôn trọng các quyền này”.

Từ định nghĩa nhân bản ấy, có thể nhìn lại trách nhiệm sau cái chết của công dân Cồ Quốc Duy. Trả lời của Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM về trách nhiệm của mình trước cái chết này đúng hay sai tòa án sẽ phán quyết. Trong khi chờ đợi, xin nêu vài vụ việc tương tự đã xảy ra tại vài nước.

Ngày 12-3-1999, tòa thượng thẩm Narbonne đã tuyên án ngộ sát (vô ý giết người) hai thể nhân và hai pháp nhân gây ra cái chết của một bé gái 4 tuổi, do chạm tay vào một cột đèn chiếu sáng ở khu vực chung cư bé gái ở khi trời đang mưa. Pháp nhân bị tuyên án là cơ quan cho thuê nhà chung cư và chính quyền xã nơi xảy ra tai nạn. Thể nhân bị tuyên án là xã trưởng và giám đốc công ty cho thuê chung cư ấy.

Ngày 11-6-2003, tòa thượng thẩm hình sự Montpellier tuyên án thị trưởng về tội ngộ sát trong một tai nạn khiến một thanh niên bị chết và hai thanh niên khác bị thương vì điện giật. Ba thanh niên nọ bị điện giật khi một dụng cụ giải trí bị chạm điện trong một buổi khiêu vũ ngoài trời do thị trấn tổ chức. Thị trưởng bị tuyên án ngộ sát do không kiểm tra các quy định an toàn đã ký kết với công ty tổ chức buổi khiêu vũ. Tòa còn đặc biệt quy trách nhiệm thị trưởng nghiêm trọng do lẽ quy mô của xã quá nhỏ để có thể lơ là.

Các án lệ như trên không khó kiếm tại các xã hội mà tinh thần trách nhiệm và tính giải trình là chuẩn mực cầm quyền. Ngược lại ở những xã hội khác, các tai nạn chết người tương tự là “chuyện hằng ngày ở huyện”, như có thể thấy trên website của nhật báo El Watan của một nước châu Phi. Ở đó, chủ yếu điện giật là từ các đường dây điện cao thế và trung thế. Trong khi đó ở TP.HCM, tai nạn chết người chủ yếu từ các cột đèn, dây điện hạ thế. Khác biệt này không phải là nhỏ, nguy hiểm đến tận “cơ sở”. Ngoài khác biệt trên, mẫu số chung ở TP.HCM với nước châu Phi kia là điện cứ rò rỉ.

Không chỉ nguy cơ điện giật mà còn đủ thứ nguy cơ khác từ những cột đèn giữa đường hay sắp gãy, những “hố voi” giữa thành phố, những đoạn đường hố ga không nắp, những xe buýt không bao giờ dừng vô lề cho khách xuống..., mà các báo ngày ngày phải chọn lọc lắm mới “đủ đất” để đăng những khiếu nại của bạn đọc. Còn các công ty có trách nhiệm có lên báo mới sửa, không lên báo có lẽ không sửa.

Cột chiếu sáng không được tiếp đất đúng kỹ thuật

* Trong vụ tai nạn điện gây ra cái chết đau lòng của em Cồ Quốc Duy, việc rò rỉ điện từ mối nối dây điện, mà dây này lại nằm bên trong cột chiếu sáng bằng kim loại cho thấy cột chiếu sáng đã không được tiếp đất đúng kỹ thuật. Vì nếu tiếp đất đúng tiêu chuẩn thì dòng điện rò rỉ đã theo dây tiếp đất thoát xuống đất. Theo tôi, Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM cần thực hiện tiếp đất đúng kỹ thuật cho tất cả cột bằng vật liệu dẫn điện (ximăng ướt cũng dẫn điện), đồng thời rà soát các mối nối điện của các cột chiếu sáng ngay, nếu không tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

* Theo tôi, Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM nên luồn thêm một ống PVC khoảng 2-3m ở phía ngoài các trụ đèn chiếu sáng bằng kim loại để tránh trường hợp người dân chạm vào bị điện giật, vì không biết lúc nào và lý do gì trụ đèn bị rò rỉ điện.

______________

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên