05/09/2009 05:01 GMT+7

Quanh cái chết thương tâm vì rò điện: Tại sao? Và tại sao?

LÊ HÀ THANH(lehathanh@...)
LÊ HÀ THANH(lehathanh@...)

TT - LTS: Sau cái chết do rò điện của em Cồ Quốc Duy, hàng trăm bạn đọc đã gửi thư phản ảnh nỗi bức xúc trước tai nạn thương tâm này. Tòa soạn xin trích đăng một số ý kiến đáng chú ý.

jAxmgef9.jpgPhóng to
Người dân “tự cứu” bằng cách quấn giấy, cột dây nhựa để tránh bị điện giật (ảnh chụp tại trụ đèn số 31 trước nhà số 32 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM sáng 4-9) - Ảnh: N.C.T.

Sao không có thiết kế chống rò, chống giật?

Gia đình nạn nhân bị điện giật chết khởi kiệnCoi chừng trụ đèn chiếu sáng!Sau vụ rò điện làm một HS thiệt mạng: Tai nạn vẫn còn có thể xảy raTrụ đèn rò rỉ điện, một học sinh thiệt mạngÔng trời luôn có lỗi???

*Theo tôi được biết, các hệ thống điện đều có thiết kế chống rò, chống giật, đặc biệt là các hệ thống điện công cộng. Không hiểu tại sao hệ thống này lại không có hoặc không hoạt động trong trường hợp xảy ra tai nạn. Tôi tự hỏi thiết kế thế nào mà để dây điện rò rỉ, đoản mạch mà hệ thống vẫn không tự ngắt? Như vậy nếu sự cố xảy ra ở nhiều nơi cùng lúc trong điều kiện mưa bão kéo dài, ngập lụt khắp nơi như hiện nay thì hệ thống điện công cộng trở thành những cái bẫy chết người sao?

Trong vụ rò rỉ điện gây ra cái chết cho một học sinh lớp 8 phải làm rõ xem lỗi do lý thuyết an toàn điện, do thiết kế không đúng, do thiết bị không đảm bảo chất lượng, do thiếu thiết bị bảo vệ mạch điện hay do nguyên nhân nào khác. Những câu hỏi này cơ quan chức năng cần làm rõ và trả lời minh bạch cho người dân biết.

Tại sao điện không ngắt?

* Tôi không hiểu tại sao nạn nhân bị điện giật hơn 30 phút mà điện vẫn không ngắt. Sau vụ việc này, tôi đề nghị các sở, ngành phải quan tâm rà soát hệ thống của mình, chứ không chờ ngành nào “đụng chuyện” rồi mới rà soát. Tôi không muốn sống trong tâm trạng đi ra đường thì sợ dây điện, cây rớt trúng, đụng vào đâu cũng sợ bị điện giật, đạp lên nắp cống thì bị sụp, nếu lỡ có xảy ra chuyện thì ngay cả nhân viên chức trách cứu người cũng không biết làm gì để cứu người.

Đề nghị khởi tố vụ án

Ngày 4-9, luật sư Cồ Lê Huy, đại diện gia đình nạn nhân Cồ Quốc Duy, cho biết gia đình đã làm đơn gửi Viện KSND Q.5 và Cơ quan điều tra Công an Q.5, TP.HCM đề nghị khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ điện giật.

Theo đơn, gia đình nạn nhân đề nghị khởi tố các cán bộ trực tiếp quản lý, giám sát thi công, sửa chữa trụ đèn chiếu sáng công cộng nơi xảy ra tai nạn về tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng cũng phải bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, gia đình nạn nhân cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của nhân viên trực đường dây nóng tại Điện lực Chợ Lớn vì hôm xảy ra tai nạn ngành điện đã không cắt điện kịp thời, làm cản trở việc cấp cứu cho em Cồ Quốc Duy.

* Theo tôi được biết, thiết bị chống rò rỉ điện (ELCB) hiện nay khoảng 180.000 đồng/cái, mua số lượng nhiều có thể còn rẻ hơn. Mỗi cột đèn có thể lắp một cái, hoặc năm cột đèn lắp một cái cũng được. Tôi đề nghị phải lắp đặt ngay thiết bị chống rò rỉ điện trên hệ thống điện công cộng để không còn những cái chết thương tâm xảy ra.

* Đa số thiết bị điện của VN hiện nay đang áp dụng tiêu chuẩn thấp, rẻ tiền. Tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi vấn đề này. Có ai thống kê xem có bao nhiêu trường học, bệnh viện có thiết kế hệ thống tiếp đất bảo vệ hoặc lắp đặt CB hay rơle chống giật? Hiện nay một CB chống giật 20A dòng rò 30mmA cho gia đình giá chỉ 15.000 đồng. Giá một CB như vậy không phải quá cao, nhưng không phải ai cũng biết để mà dùng.

* Tôi thấy ngành điện TP dùng loại nhựa PE để làm cách điện cho phần chịu lực từ mối nối của điện kế vào nhà dân. Chỉ sau khoảng một năm nhựa PE bị lão hóa và bị vỡ, các mối nối phải chịu lực trực tiếp rất dễ bị tuột, gây chập điện. Điện bị rò rỉ có thể dính lên mái nhà, cột điện... Ai chạm vào có thể bị giật chết. Không hiểu tại sao một chi tiết quan trọng như vậy lại được làm bằng vật liệu không chịu được mưa nắng? Tôi đề nghị ngành điện phải thay ngay chi tiết này để bớt đi một hiểm họa từ điện.

Sao không cứu hộ kịp thời?

* Một vấn đề rất cần đặt ra trong vụ tai nạn đau lòng này là việc cứu hộ. Tại sao trong khi tai nạn diễn ra mọi người chỉ biết đứng nhìn và... chờ đơn vị quản lý lưới điện và chiếu sáng khu vực cắt điện?

TP chúng ta có đội cứu hộ chuyên nghiệp cho những trường hợp tương tự không? Hãy nói cho người dân biết trong trường hợp như vậy bà con sẽ làm gì, gọi cho ai?

* Từ vụ tai nạn vừa qua, tôi nghĩ cần có một địa chỉ kêu cứu chung cho tất cả các trường hợp với số điện thoại dễ nhớ (kiểu 113). Nơi này phải tổ chức trực 24/24g và đảm trách việc tiếp nhận, xử lý kịp thời các yêu cầu kêu cứu bất kể dạng nào. Ngoài ra, nơi này phải có trách nhiệm lưu giữ các cuộc gọi để làm cơ sở pháp lý sau này. Đây là cơ quan chuyên trách, hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Triển khai biện pháp ngừa rò điện

Trước tình hình tai nạn điện xảy ra liên tục, ngày 4-9 Sở Công thương TP.HCM có văn bản kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị khẩn trương kiểm tra hệ thống điện. Sở Công thương kiến nghị UBND TP chỉ đạo Công ty Chiếu sáng công cộng TP và các đơn vị quản lý lưới điện kiểm tra, bảo trì, rà soát tất cả các thiết bị đóng cắt, hệ thống nối đất và các điểm có nguy cơ rò điện.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết đã phối hợp với Công ty Chiếu sáng công cộng rà soát các trụ đèn trên những tuyến đường thường bị ngập nước để lắp đặt CB chống rò và bơm các loại keo đặc biệt vào các mối nối.

Ông Trần Dũng, trưởng phòng kỹ thuật an toàn bảo hộ lao động thuộc Công ty Điện lực TP, cho biết mỗi đơn vị điện lực đều có đội vận hành lưới điện (số điện thoại nóng in trên hóa đơn tiền điện). Đội này giải quyết tất cả sự cố liên quan đến điện khi nhận được thông tin phản ảnh. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ảnh gọi vào số đường dây nóng của các điện lực thì tín hiệu thường bận liên tục. T

rả lời vấn đề này, ông Dũng cho rằng mỗi đơn vị điện lực quản lý hàng trăm ngàn khách hàng nên khi có nhiều cuộc gọi cùng lúc thì máy báo bận. Theo quy trình trước đây, khi nhận được tin báo, nhân viên điện lực đến hiện trường kiểm tra rồi mới tiến hành cắt điện. Hướng giải quyết trong thời gian tới, theo ông Dũng, các đơn vị đã thống nhất khi có khách hàng gọi điện báo có tai nạn liên quan đến điện thì điện lực sẽ gọi trực tiếp lại cho khách hàng xác minh để cắt điện. Trường hợp nhận được liên tiếp từ hai cuộc gọi trở lên, điện lực sẽ tiến hành cắt điện sau đó mới cử nhân viên đến hiện trường kiểm tra. Tất cả cuộc gọi của khách hàng báo tai nạn sẽ được ghi âm lại để làm bằng chứng nếu có phát sinh các vấn đề liên quan.

Hãy gọi 114!

Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM không chỉ biết chữa cháy! Sở này có hẳn một lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp trực chiến 24/24g, sẵn sàng ứng cứu các sự cố, tai nạn thường gặp.

NCTHnLog.jpgPhóng to
Lực lượng cứu hộ cứu nạn Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM từng cứu hộ thành công một công nhân bị điện giật treo lơ lửng trên cao ở P.11, Q.3 - Ảnh: Sở Cảnh sát PCCC

Câu chuyện về cái chết thương tâm của em học sinh lớp 8 Cồ Quốc Duy trong đêm 31-8 đã khiến nhiều cán bộ và chiến sĩ Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM thở dài tiếc nuối. Tiếc là không ai gọi số 114, dù Sở Cảnh sát PCCC với một lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp nằm trên cùng một con đường và cách hiện trường chưa đầy 1km.

“Chúng tôi đã kiểm tra lại nhật ký trực ban, trong đêm 31-8 không nhận được cuộc gọi nào báo tin về em học sinh bị nạn do rò rỉ điện” - thượng tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, cho biết. Nếu Sở Cảnh sát PCCC được báo tin, liệu em Duy đã được cứu? Ông Nhật nói: “Chuyện đã rồi nên rất khó nói, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ có mặt kịp thời để triển khai cứu nạn, không phải để mọi người bất lực đứng nhìn như thế”.

Ông Nhật còn nói giữa Sở Cảnh sát PCCC và ngành điện có quy chế phối hợp về xử lý tình huống trong chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Khi nhận được tin báo, Sở Cảnh sát PCCC sẽ yêu cầu ngành điện cô lập nguồn điện khu vực sự cố và trong trường hợp khẩn cấp, chỉ huy lực lượng chữa cháy và cứu hộ cứu nạn được phép chủ động dùng phương tiện chuyên dụng để ngắt điện, cứu người.

Theo thượng tá Nguyễn Quang Nhật, hiện lực lượng cứu hộ của Sở Cảnh sát PCCC đã được trang bị nhiều thiết bị chuyên dụng đủ sức giải quyết các sự cố, tai nạn thường gặp để cứu người. Ngoài ra lực lượng cứu hộ cũng có hẳn phương án cứu người bị kẹt trong đống đổ nát của các công trình xây dựng hoặc các vụ tai nạn giao thông.

Thiếu tướng Trần Triều Dương, giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, cho biết ngoài đội cứu hộ trực thuộc sở, các phòng cảnh sát PCCC cấp quận huyện và phòng cảnh sát PCCC trên sông đều có tổ cứu hộ cứu nạn trực 24/24g, sẵn sàng ứng cứu các sự cố, tai nạn khi nhận được tin báo. Do đó, khi có những sự cố như sập nhà, điện giật, đụng xe, cháy nổ, đắm tàu... (trừ cấp cứu y tế), bên cạnh các cơ quan chuyên ngành, người dân đừng quên gọi lực lượng cứu hộ của Sở Cảnh sát PCCC qua số điện thoại quen thuộc: 114!

LÊ HÀ THANH(lehathanh@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên