30/08/2009 07:13 GMT+7

Năm 69 (*)

BẢO NINH (nhà văn)
BẢO NINH (nhà văn)

TT - Khi nhớ lại năm 1969, tâm trí tôi luôn thấy hiện lên một màn mưa trắng trời, một triền sông ngầu đỏ, mênh mông cuộn xiết, nặng nề lao chảy như sắp cuốn phăng đi cả đôi bờ.

Một mùa thu cùng một Hà Nội chưa từng thấy bao giờ trước đó và không bao giờ còn thấy lại nữa, mà bốn chục năm qua rồi không phai mờ trong ký ức.

O7zAHir6.jpgPhóng to
Các cháu thiếu nhi Hà Nội vào viếng Bác Hồ tại hội trường Ba Đình - Ảnh: HỮU CẤY

1. Mùa thu gian nan, triền miên mưa bão. Năm nào cũng thế, nhưng chừng như càng vào sâu trong cuộc chiến thì lũ sông Hồng càng năm càng lớn thêm lên. Trước rằm tháng bảy đã rất nguy cấp, sau rằm còn nguy cấp hơn. Đến giữa tháng 8 thì thanh niên nam nữ cả phố tôi tất tật không trừ ai được tổng huy động đi hộ đê. Thật ra là toàn bộ thành phố. Đàn ông trai tráng trên mặt đê. Phụ nữ tham gia vận chuyển đất đá lên đê.

Tới ngày Quốc khánh mực nước đã xuống nhiều nhưng chúng tôi vẫn dốc sức tiếp tục tôn cao và đắp dày thêm đoạn đê xung yếu. Đến tảng sáng mồng bốn, đang ngủ thì tôi bị lay dậy để lên xe về nhà...

2. Lúc đó khoảng bảy giờ sáng, xe chúng tôi đang trên cầu Long Biên. Cả hai chiều của cây cầu độc đạo qua sông Hồng đều đông nghịt, chen chúc người và xe, chuyển động chầm chậm từng bước chân, từng vòng bánh. Không tiếng còi xe hơi, không tiếng chuông xe đạp, không một tiếng nói tiếng cười, không cả những tiếng chân bước mặc dù dòng người vẫn đang không ngừng chuyển động.

Mặt ướt nước mưa và đang mắt nhắm mắt mở nhưng chỉ trong chốc lát tôi đã nhận ra mọi người, tất cả, hàng ngàn con người, trên suốt dọc chiều dài gần hai cây số của cây cầu ngang qua luồng nước xiết đều đang vừa đi vừa khóc, đúng hơn là lặng khóc, khóc không thành tiếng.

Bởi vì im ắng vô cùng. Người đi bộ dọc hai bên lan can cầu, đi tay không hoặc đang gồng gánh, người đang đạp xe, người đang dắt xe, những người đang đứng trên các thùng xe tải, người ngồi trong các xe chở khách. Những anh bộ đội. Những người dân phố. Những người dân quê. Bước đi và khóc, trong mưa.

Tám đứa chúng tôi trên thùng xe và cả anh tài xế trong cabin đều là những kẻ từ trên trời rơi xuống. Cả tuần liền bám trụ đê, lội bùn đội đất, ngơi tay là lăn ra ngủ, chúng tôi bị mưa lũ cô lập với thế gian. Vậy nhưng chỉ giây lát thôi, nhìn nỗi thương đau nhất loạt cùng lúc của cả một dòng người đông nghịt đang nghẹn ngào bước đi trong mưa, chúng tôi hiểu ngay ra sự thể.

“Bác Hồ...”. Một ai đó trong chúng tôi thảng thốt thì thào, ngập ngừng. Không dám chắc chắn điều mình nghĩ, nhưng chúng tôi đều đã cảm nhận chắc chắn điều đó. Bởi vì đối với chúng tôi, ngay cả trong thời kỳ rất nhiều đau thương ấy thì một nỗi đau lớn lao, nặng nề, sâu thẳm và muôn người như một đến nhường ấy chỉ có thể là do một duyên cớ duy nhất ở trên đời mà thôi.

Đúng lúc đó, một đầu tàu xe lửa không kéo theo toa, một mình chạy không tải qua cầu, từ Hà Nội sang Gia Lâm, khi ngang qua chỗ chúng tôi đã bất thần rúc còi. Có thể nói đầu tàu ấy cất tiếng than. Không phải về sau mường tượng lại mà tôi nói thế, mà thật sự là như thế, đấy là tiếng kêu, như của con người. Lập tức, một chiếc tàu kéo neo đậu đâu đó ở mạn Phà Đen cũng cất lên tiếng còi. Rồi từ phía ga Gia Lâm, nhiều đầu xe lửa khác đồng loạt cất tiếng. Những tiếng còi tàu đớn đau khản đặc vang vọng trong màn mưa.

Phía dưới, bên chiếc xe chở chúng tôi, một phụ nữ đang dắt xe đạp bỗng bật khóc thành tiếng. Cả ngàn người không thể cầm lòng đã không cầm được nước mắt. Tiếng nức nở truyền dọc đoàn người, lan đi trên cầu, ngang qua triền sông...

3. Năm tháng trôi qua, giờ đây nhìn về thời điểm ấy, qua những bức ảnh và thước phim tư liệu, người ta thường thấy một Hà Nội nước mắt. Nhưng những ai từng thật sự trải qua những ngày đó khi nhớ lại đều sẽ nhớ đến một Hà Nội trầm lắng, cương nghị. Cả một thành phố cắn chặt răng lại chịu đựng để trụ vững, vượt qua nỗi đau tột cùng.

Hồ Chủ tịch qua đời, mất mát lớn lao đó đã khiến toàn dân sát cánh bên nhau hơn bao giờ hết, biến nỗi đau thương thành sức mạnh. Nghe những lời đó, ngày nay người ta có thể thấy là văn vẻ và đại ngôn. Song với những ai đã sống trong lòng Hà Nội vào mùa thu năm 1969 thì khi nghe nhắc lại những lời tưởng như là khẩu hiệu ấy sẽ nhìn thấy lại rõ ràng tâm trạng, ý chí, nghị lực, bản lĩnh của chính bản thân mình, gia đình mình, bạn bè, hàng xóm của mình ngày đó.

Với những người ở lứa tuổi chúng tôi, sinh ra trong những năm 1950, 1951, 1952, nhập ngũ từ khoảng năm 1968 trở về sau, nếu được hỏi năm nào là năm ác liệt nhất trong đời bộ đội đều nói là năm 1972, tuy nhiên gian khổ nhất, nguy nan nhất thì hầu hết xác định là năm 1969, 1970. Đấy là thời sau Mậu Thân, mà cũng nhiều người gọi là “thời kỳ đầu sau ngày Bác mất “.

Làm thế nào, nhờ vào đâu nhỉ mà đồng đội mình và chính bản thân mình có thể chịu đựng được, trụ vững được trong những ngày tháng vượt quá xa sức chịu đựng của con người như vậy để rồi vượt qua, gồng mình gượng dậy, vươn dậy; để rồi cuối cùng tiến được tới ngày toàn thắng?

Tháng 9-1969, ngày tập trung tân binh của khu đội Ba Đình lẽ ra là mồng bảy, đã phải lùi tới ngày 15. Một là vì nguyện vọng của anh em chúng tôi muốn được lưu lại Hà Nội trong tuần quốc tang để được xếp hàng cùng mọi người vào hội trường Ba Đình viếng Bác, hai là vì số lượng thanh niên tình nguyện nhập ngũ nhiều lên vô kể trong những ngày ấy. Tình nguyện một cách quyết liệt, mong mỏi được lên đường ngay, không chấp nhận nán chờ đến đợt sau. Tất nhiên không riêng khu Ba Đình, không riêng Hà Nội mà cả nước, địa phương nào cũng thế.

Đợt tân binh mùa thu năm ấy, được gọi là đợt 969, đoàn 969, là một đợt mà trong đó rất nhiều người là con trai cuối cùng hoặc là con trai độc nhất của các bà mẹ, nghĩa là những người vốn không thuộc vào diện được gọi tòng quân nhưng vẫn nhất định dứt áo ra đi lên đường chiến đấu.

Trong tiểu đoàn tân binh chúng tôi hồi đó có cả một số bạn học đã có giấy gọi vào đại học trong nước và cả nước ngoài. Có người đã trên tàu liên vận tới biên giới Việt - Trung rồi, nghe tin Bác mất thì xuống tàu, quay trở về Hà Nội nhập ngũ...

4. Ngày 30-4-1975, khắp cả nước đâu đâu cũng vang dậy bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Khi đó đang ở Sài Gòn, lần đầu tiên nghe thấy bài hát ấy, trước mắt những lính 969 chúng tôi, tất nhiên, một cách không thể nào khác được, hiện lên cảnh tượng Hà Nội mùa thu năm 1969. Mà với riêng tôi thì cụ thể là khoảnh khắc đó, trên cầu Long Biên, ngang qua giữa sông Hồng sóng xô cuồn cuộn, khoảnh khắc thoạt tiên và bất thần, choáng váng biết tin Hồ Chủ tịch đã qua đời.

Biết tin Bác mất nhưng không phải là do nghe thông báo qua đài phát thanh, mà là nhìn thấy tin đó ở thần sắc và tâm khảm của tất cả mọi người, cảm thấy tin đó từ trong không gian đất trời.

(*) Trích đăng từ báo Văn Nghệ Trẻ.

_________________________

Chúng tôi khóc trong rừng miền Đông

40 năm rồi mà ký ức về những ngày tháng “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” vẫn làm trái tim 82 tuổi của nhà văn Sơn Tùng run lên vì xúc động. Ông kể với Tuổi Trẻ về một lễ tang đặc biệt nhất trong cuộc đời mình - lễ tang Bác Hồ trong chiến khu miền Đông Nam bộ tháng 9-1969.

Chúng tôi đóng quân tại trảng Tà Nốt, thượng nguồn sông Vàm Cỏ, sát Tân Biên, Tây Ninh. Ngày ấy tôi là người phụ trách kiêm phóng viên của báo Thanh Niên Giải Phóng. Lãnh đạo cơ quan có anh Đoàn Hồng Đoàn - bí thư trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, anh Lê Thiết - phó chủ tịch Hội LHTN Giải phóng (chủ tịch là anh Trần Bạch Đằng lúc đó đang vào nội thành), anh Phan Minh Tánh, anh Mười Thu, nhân viên văn phòng có Hai Trung, Út Nhì, Năm Nhanh, Hồ Hữu Nhật, trạm xá có bác sĩ Bích Nga, phóng viên có Phạm Hậu, Tâm Tâm (Tiền Phong)...

Tôi nhớ từng người như vậy vì chúng tôi đã ngồi quanh chiếc đài để nghe tin tức chiến sự và các hoạt động mừng ngày 2-9. Tối hôm đó, chúng tôi còn tổ chức mừng Quốc khánh bằng một “bữa tiệc” với lạc rang, rượu đế và nước trà. Không có ly chén, chỉ có hai chén, một rót rượu, một rót trà, chúng tôi quay vòng, chuyền tay nhau. Và chờ đợi.

Nhưng suốt cả ngày rồi đến đêm, chiếc đài vẫn nói và Bác vẫn không xuất hiện. Anh em tôi ngồi trong những căn nhà - hầm bán âm bán dương để tránh pháo bầy và bom B52, không khí nặng nề. Hôm sau dường như cũng không chịu nổi, anh Thép Mới ở bên báo Giải Phóng cũng chạy sang, bần thần: “Sơn Phong (bút danh của tôi thời ở chiến khu) ạ, tao vừa sang nhờ bên kỹ thuật điện ra Bắc hỏi sao không thấy Bác, anh em băn khoăn lắm”. Chúng tôi lại chờ đợi. Chúng tôi không ngủ suốt đêm đó.

5g hôm sau, ngày 4-9-1969, giọng nghẹn ngào của phát thanh viên Tuyết Mai từ Đài Tiếng nói VN, vừa mới nghe được nửa câu đầu: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nước VNDCCH...” cả căn hầm đã bật khóc, tiếng khóc nghẹn ngào rồi òa lên nức nở. Cả cơ quan khóc ròng.

Tôi nhớ người đầu tiên chạy đến ôm lấy tôi nấc lên từng đợt là giáo sư Lê Thiết - người bạn thân thiết của luật sư Nguyễn Hữu Thọ và KTS Huỳnh Tấn Phát - bỏ thành lên chiến khu, ngày đêm mong ước hòa bình được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Ông nghẹn giọng: “Tùng ơi, thế là không khi nào mình còn được gặp Bác Hồ nữa rồi”.

Cả cơ quan u ám. Cơm đã dọn ra nhưng không ai ăn, bữa sáng, rồi bữa trưa, bữa tối cũng vậy. Chỉ những ai có việc phải đi công tác thì đi, vừa đi vừa khóc.

Chúng tôi quyết định tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay trong rừng. Bàn thờ Bác được kết băng hoa, chị em đi về hằng ngày luôn thay hoa mới. Chúng tôi đeo những chiếc băng tang nửa đỏ nửa đen. Sáng ra, đều đặn những bát cơm được đặt lên bàn thờ - như ở nhà chúng tôi cúng cha mẹ mình.

Tôi nhớ nhất trong những ngày ấy, có một tờ báo từ Sài Gòn đưa lên có bài của giáo sư Lý Chánh Trung viết về Bác. Trên tờ Đối Diện, từ giữa Sài Gòn, ông viết về Bác Hồ cực kỳ trân trọng và cảm động. Có những câu tôi thuộc lòng đến tận hôm nay.

Cũng chính từ lúc đó, tôi bắt đầu ghi chép những chi tiết về tang lễ và tình cảm của đồng bào, đồng chí với Bác để viết tập Nhớ nguồn: trí thức, sinh viên nội thành, chiến khu, đồng bào trong ấp chiến lược... nhớ Bác, anh em trinh sát ở Tháp Mười còn để tang Bác trong mùa nước nổi không một tấc đất nào nhoi nổi trên mặt nước.

BẢO NINH (nhà văn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên