06/09/2012 06:37 GMT+7

Tôi là tân sinh viên thông minh

Ths NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU(Giảng viên khoa tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Ths NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU(Giảng viên khoa tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

AT - Nhận được giấy báo trúng tuyển CĐ-ĐH là điều không đơn giản, nhưng để trở thành một sinh viên đúng nghĩa càng khó khăn hơn. Môi trường học tập ở đại học hoàn toàn khác với các cấp học dưới nên các tân sinh viên phải học cách thích nghi, nếu không, bạn sẽ vẫn mãi là một tân sinh viên... giậm chân tại chỗ.

NtpJRAZa.jpgPhóng to
Các tân sinh viên năm 2012 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm thủ tục nhập học

Bẫy của bầu trời tự do

Bước vào giảng đường, bạn sẽ thấy vui sướng vô cùng vì những điều mới mẻ: thầy cô không khảo bài đầu giờ, không có bài kiểm tra 15 phút cũng như kiểm tra một tiết liên miên. Bạn được “buông thả” từ chuyện học bài cho đến nội quy ở đại học cũng dễ thở hơn. Thêm vào đó, niềm vui sướng khi mình đã là sinh viên, lại không có sự quản lý của gia đình sẽ dễ đẩy bạn rơi vào cái bẫy thường gặp nhất của tân sinh viên: buông thả thói quen học tập. Do đó, bạn phải giữ được phong độ chăm chỉ của mình, cần chuẩn bị bài trước khi đến lớp, tham dự lớp học đầy đủ, làm bài tập thường xuyên, ôn bài ngay sau khi học. Tuyệt đối đừng để đến đêm trước kỳ thi rồi mới ngấu nghiến bài vở với tinh thần “hi sinh tất cả vì buổi thi sáng mai”.

Đại học là tự học

Là sinh viên, bạn phải luôn nhớ một điều: bạn học cho chính mình, bằng cách của mình, bằng sức của mình. Thầy cô chỉ là người hướng dẫn, bạn phải thể hiện sự chủ động tối đa thông qua việc:

- Tự mình đặt ra mục tiêu học tập: từ mục tiêu xa (bạn muốn đạt được điều gì sau bốn năm, về điểm số, về kỹ năng nghề nghiệp, về kỹ năng mềm?) cho đến mục tiêu gần của từng năm học, từng học kỳ. Nếu thiếu mục tiêu, học đại học chỉ còn là “học đại”, học mù quáng, học “được chăng hay chớ”.

- Từ mục tiêu đã có, bạn phải tự mình lên kế hoạch học tập tầm xa cho cả bốn năm, quản lý bằng kế hoạch học tập từng ngày, từng tuần. Nếu thiếu kế hoạch, mục tiêu của bạn xem như bỏ đi, bạn sẽ khó làm chủ được đường đi của mình.

- Kế tiếp, ở mỗi môn học, hãy chọn phương pháp học phù hợp với mình nhất. Mỗi chuyên ngành có một đặc thù, mỗi môn có một đặc điểm, học tập có phương pháp sẽ giúp bạn tiết kiệm công sức mà hiệu quả cao gấp bội. Phương pháp học bao gồm:

+ Phương pháp chuẩn bị bài trước khi đến lớp (những sinh viên nào biết tìm hiểu trước vấn đề sẽ học sẽ tăng hiệu quả tiếp thu vượt trội so với những sinh viên đến lớp mới biết mình học về cái gì).

+ Phương pháp tiếp thu trên giảng đường (không phải cứ chép bài đầy đủ là học giỏi, quan trọng là bạn biết lắng nghe và tự phản biện những gì đang nghe, biết đặt câu hỏi để khai thác kinh nghiệm của giảng viên, biết hợp tác nhóm để chia sẻ ý tưởng, biết tự tư duy để khám phá tri thức).

+ Phương pháp ghi nhớ và ôn tập (sẽ không có ai đọc bài cho bạn chép, vì vậy bạn phải tự tổ chức kiến thức của mình. Sơ đồ tư duy là một phương pháp hay để tổ chức trí nhớ và ôn tập).

+ Phương pháp tự học. Đây là yếu tố cốt lõi mang tính quyết định một sinh viên giỏi hay sinh viên dở. Những gì thầy cô đã giảng giải trên lớp chỉ chiếm 30-40% những điều bạn cần biết. Ngoài ra, bạn còn rất nhiều kênh khác để mở mang trí tuệ như:

* Sách: kiến thức trọng tâm nằm trong giáo trình, kiến thức chuyên sâu nằm trong sách chuyên khảo, kiến thức mở rộng nằm trong sách tham khảo. Bạn phải dành nhiều thời gian đến thư viện, không chỉ thư viện trường mình mà còn là thư viện tổng hợp, thư viện khoa học chuyên ngành, thư viện liên kết.

* Internet: các kho dữ liệu điện tử bằng tiếng Việt và tiếng Anh sẽ là một kho vô tận các nguồn thông tin của sinh viên. Tuy nhiên bạn cần có kỹ năng đánh giá thông tin để làm một chiếc “màng lọc” ra những thông tin bạn cần trong cái kho vô tận đó.

* Thực tế: một số công việc làm thêm gần gũi với chuyên ngành có thể là cách để bạn thực tập từng mảng nhỏ trong chuyên ngành đang học. Kiến thức trên giảng đường, trong sách vở chỉ mang tính lý thuyết, đây là kênh để bạn cân bằng với kiến thức trong nhà trường, vừa giúp bạn làm quen với thực tiễn nghề nghiệp.

Đường đi nằm ở trên môi

Những việc trên có vẻ như khá lạ lẫm với bạn phải không? Nếu chưa biết cách thực hiện thế nào, hãy hỏi các anh chị sinh viên các năm trên. Họ là người đã trải qua “thời kỳ va vấp” ban đầu và ít nhiều có kinh nghiệm học tập, họ là người hiểu biết khá rõ về đặc điểm của các môn học và đặc điểm của các giảng viên. Thậm chí, họ có thể chỉ dẫn thêm cho bạn vài kinh nghiệm ôn tập, thi cử hay việc làm thêm phù hợp để tự rèn luyện.

Song song đó, người am hiểu về các môn học và phương pháp học sâu sắc nhất chính là giảng viên bộ môn và cố vấn học tập (vai trò giống như giáo viên chủ nhiệm ở phổ thông). Họ là những chuyên gia có những thông tin cực kỳ quý giá để hướng dẫn cho bạn nhưng sinh viên thường ít hỏi vì ngần ngại.

Giai đoạn lập nghiệp không phải bắt đầu từ lúc bạn ra trường, mà thực chất đã bắt đầu khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Nếu chỉ đơn thuần ngồi trên ghế giảng đường mà đầu óc trống rỗng không có định hướng, không có phương pháp học tập hiệu quả thì bạn đang đi lùi trên dòng nước ngược. Hãy là một tân sinh viên thông minh!

“Bí kíp” tìm phòng trọ thời bão giá

Năm học mới cũng là thời gian tân sinh viên đổ xô tìm phòng trọ. Những “bí kíp” sau giúp tân sinh viên dễ dàng tìm cho mình “chốn ở” phù hợp.

Nắm bắt nhu cầu chỗ ở của sinh viên, nhiều dãy trọ mọc lên khắp nơi trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, các bạn sinh viên nên tìm các phòng trọ gần trường để tiện cho việc di chuyển: vừa tiết kiệm thời gian, vừa có thể nghỉ lấy sức cho những buổi học cả ngày. Nhà trọ gần trường đôi khi giúp bạn giải quyết kịp thời một số tình huống: dậy muộn, quên dụng cụ học tập, quên thẻ sinh viên… Sau khi tìm được địa điểm ưng ý, an ninh là điều tối quan trọng mà bạn phải xem xét kỹ lưỡng.

Khi đã “vừa bụng” những vấn đề đặt ra, bạn cần trao đổi kỹ với chủ nhà về giá phòng, điện, nước, đặc biệt là các điều khoản trong hợp đồng (nếu có). Và đừng quên hỏi về “cam kết” để được nhận lại tiền đặt cọc.

Tân sinh viên cần cẩn trọng trước những thủ đoạn lừa đảo: đó có thể là các số điện thoại của “cò”. Khi bạn yêu cầu xem phòng, họ yêu cầu đóng phí. Với tình huống này, sinh viên cần thỏa thuận thuê được phòng thì mới chi tiền.

Các bạn cũng nên quan sát, hỏi thăm kỹ khu vực thuê có giải tỏa hay không để từ đó cân nhắc về khoản hợp đồng chủ nhà đề xuất. Tránh trường hợp chủ nhà ký hợp đồng thời hạn lâu rồi đi mất với lý do giải tỏa.

“An cư lạc nghiệp” - một chỗ ở “ưng cái bụng” cũng góp phần không nhỏ cho sinh viên an tâm học hành, nghỉ ngơi lấy sức chiến đấu cho bốn năm ở giảng đường đại học.

HDtF3xgZ.jpgPhóng to

Áo Trắng số 16 ra ngày 01/09/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Ths NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU(Giảng viên khoa tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên