30/03/2012 10:50 GMT+7

Người đàn bà có mùi nhân sâm…

NƯỚC(TP.HCM)
NƯỚC(TP.HCM)

AT - Trong lờ mờ những giấc mơ dài và choàng tỉnh nhễ nhại mồ hôi, tôi nhận ra mùi hương của người đàn bà đó, người đàn bà có mùi nhân sâm, đăng đắng, chan chát…

bdjXVmHe.jpgPhóng to

Minh họa: Nguyễn Thanh

Tôi lớn lên trong sự chở che của cha. Ông cao lớn, cánh tay to khỏe dang rộng và ôm chặt lấy tôi mỗi lần tôi đứng trước biển. Bởi tôi sợ biển vô cùng. Quá rộng lớn và dường như có điều gì đó làm tôi hãi hùng khi những làn sóng biển mát rượi chạy vào chân tôi. Cảm giác rất chao đảo và chóng mặt. Hệt như thể làn nước vô tội đó sẽ dìm mất hơi thở và sự sống của tôi…

Hai điều đó ám ảnh tôi nhiều năm, người đàn bà trong giấc mơ và ác cảm với biển.

Mẹ

Cha chẳng bao giờ kể tôi nghe về lý do mẹ ra đi mãi mãi. Cũng thật lạ là sau trận sốt năm lên sáu, chưa một lần tôi hỏi cha về mẹ. Tôi chỉ nhớ bà cười rất hiền và luôn trang điểm kỹ. Thỉnh thoảng khi đi làm về mệt nhoài, cha ngả lưng và ngủ thiếp đi trên sofa, ông nói thầm trong giấc mơ cầu xin mẹ đừng bỏ ông ở lại một mình. Mồ hôi vã ra ướt đẫm gương mặt cha, đôi mắt cha buồn lắm. Mỗi lúc như vậy, tôi chỉ biết lấy cho ông một cốc nước mát. Rồi cả hai chúng tôi chìm vào tĩnh lặng của đêm.

Mẹ trong tôi là những nét phác thảo mờ nhạt như thế. Có lẽ bà chưa bao giờ ở cạnh tôi đủ nhiều để những kỷ niệm ấy khắc sâu trong tôi?

Con đường bụi bay, um tùm cỏ cây: quê ngoại

Đây là lần đầu tiên cha cho tôi về quê thăm bà ngoại. Trước đây ngoại thường mang bánh tét cho hai cha con tôi dịp tết và chỉ ở lại nhà vài ba ngày, nên hai bà cháu cũng không nói chuyện với nhau quá nhiều.

Mười chín tuổi, lần đầu tiên tôi rời khỏi sự bao bọc của cha và một mình về một miền quê yên ả. Tôi hay bị say xe, nên uống thuốc chống say xong lên xe tôi sẽ nghe nhạc và cố gắng ngủ để không cảm thấy chóng mặt. Người ta nói những người say xe hãy chọn chỗ ngồi gần đầu xe và nên cố gắng tập trung nhìn thẳng về phía trước - đừng nhìn hai bên hoặc quay đầu lại để nói chuyện với những người phía sau.

Thành phố với những tòa nhà cao khuất dần sau đám cây cao lớn xanh um tùm. Những đoạn đường gập ghềnh làm tôi giật mình. Quê ngoại đầy cỏ hai bên đường, cỏ lau đung đưa rất đẹp, ngay cả những bụi cỏ dại và hoa tim tím bé xíu cũng vô cùng đáng yêu. Không phải lần đầu về quê, vì trước đây cha vẫn chở tôi xuống nhà bạn của ông chơi. Nhưng đi một mình như thế này cảm thấy vô cùng… tự do.

Những ngày đầu năm êm ả nhất

Tất cả người bà, người ông trên thế giới này đều đáng được tôn kính. Đó có lẽ là vì bàn tay đầy chai sạn, đôi mắt thấu đời và họ đều mang lại cảm giác vô cùng an toàn cho con cháu.

Tôi thích cảm giác vòng tay ôm chặt lấy ngoại. Mùi cỏ cây, mùi khói củi, ngay cả mùi trầu cau của ngoại cũng làm tôi cảm giác ấm lòng. Cũng có thể vì tôi lớn lên cùng một người đàn ông quá mạnh mẽ, quá ưa thích sự yên lặng đến lạnh lùng nên bất kỳ bàn tay của người phụ nữ nào cũng sưởi ấm được tôi.

Những ngày tết ở với ngoại, tôi cách ly hoàn toàn với thế giới điện tử. Không email, không chat, không Facebook… Chỉ thỉnh thoảng gọi điện cho cha và nhắn tin nói chuyện với mấy đứa bạn thân. Lạ thật, miền quê bình yên quá đỗi này lại giữ chặt chân tôi. Buổi sáng cùng ngoại ra vườn chăm cây trái, buổi trưa cùng ngoại ăn những bữa cơm canh giản dị, còn chiều mát chạy dọc ra bờ sông ngắm những con phà cập bến rồi lại rời bến… Quê ngoại không nghèo, không quá gần thành phố, nó hài hòa và làm người ta cảm giác thoải mái như được thỏa sức chạy hết mình trong rừng hoa oải hương vậy.

- Con hỏi về mẹ có được không ngoại?

- Cha con… dặn ngoại…

- Con biết ngay mà, ngoại không cần nói nhiều, chỉ cần có hoặc không thôi là được. Hay ngoại đừng nói, gật hay lắc đầu cũng được nữa? - tôi nháy mắt tinh nghịch với ngoại. Vì tôi biết cha không bao giờ muốn tôi hỏi về mẹ. Có thể vì cha sẽ nhớ mẹ, hoặc cũng có thể vì mẹ đã làm điều gì đó khiến cha đau lòng đến nỗi chỉ nhắc về bà thôi cũng làm tim cha tan nát? Tôi không biết và dường như bản chất của con người là như vậy, vô cùng tò mò với những gì được che đậy kỹ.

Ngoại kéo ra từ trong cạp quần cài kim băng cẩn thận một cái bọc đựng tiền và một mảnh giấy cũ kỹ. Vuốt phẳng phiu tờ giấy, ngoại đưa lại gần cho tôi…

Đó không phải là một tờ giấy cũ, đó là hình của nụ cười ám ảnh tôi nhiều năm trời.

- Lúc chụp tấm ảnh này nó bằng tuổi con bây giờ, xinh đẹp và hạnh phúc. Ông ngoại con khi ấy cấm nó yêu cha con. Nó đã bỏ nhà ra đi. Nó sinh con rồi… ông bà đã mất nó hoàn toàn.

Mắt ngoại đầy nước, bàn tay ngoại run rẩy…

Tôi chỉ biết ghì ôm ngoại thật chặt. Chẳng ai đủ nhẫn tâm cứa thêm vài nhát sâu hoắm vào vết thương cũ kỹ nhưng chẳng lành của người đàn bà tội nghiệp đang đứng trước mặt tôi lúc này. Hôm ấy là sinh nhật của tôi, tôi chỉ muốn mình bước vào một tuổi mới với ít ỏi ký ức về mẹ. Nghe thì thừa thãi vì chuyện về những đứa trẻ lớn lên không chút cảm giác về mẹ đầy rẫy khắp nơi, nhưng phải là một trong số đó người ta mới hiểu nỗi thèm khát được cảm giác nhớ mẹ là như thế nào…

“Chúc mừng sinh nhật con gái, cha tự hào vì con” - là tin nhắn cha gửi cho tôi. Chẳng dễ dàng gì để nhắn những điều này với một khúc gỗ như cha.

“Cảm ơn cha, nhớ để dành cho con một cái ôm thật ấm khi con về nhà cha nhé, con nhớ cha” - tôi đã soạn những dòng tin nhắn dài lê thê, nhưng cuối cùng chỉ nhắn lại như vậy.

Biển cả và người đàn bà mãi mãi không bao giờ trở về…

Tôi xin ngoại tấm ảnh của mẹ và trở về thành phố. Đêm Sài Gòn những ngày tết đặc sệt sự tẻ nhạt, càng tô đậm nét trong dòng người qua lại những kẻ cô độc, một thân một mình lủi thủi đi về. Đêm Sài Gòn của cha con tôi yên bình hơn vì cái ôm cha đã để dành cho tôi.

- Con muốn nhận quà gì, con gái?

- Con muốn nhận… ký ức về mẹ.

Cha vò đầu. Gương mặt ông tái nhợt. Ông chưa bao giờ nổi giận với tôi. Ngay cả lúc này, khi tôi ép ông nói ra điều làm ông quặn lòng, ông vẫn cố gắng điềm tĩnh:

- Mẹ con rất xinh đẹp.

- Con biết, con đã nhìn thấy gương mặt ấy - tôi đưa cha tấm ảnh ngoại đã đưa cho mình.

- Cha và mẹ con rất yêu nhau. Cha là thằng hèn. Cha đã để mất mẹ con...

...Người đàn bà ấy ôm chặt lấy tôi, bước từng bước xuống lòng đại dương thăm thẳm. Bà ghì mặt tôi vào má bà, để những giọt nước mặn đắng nóng hổi chảy trên gò má tôi. Đến khi những con sóng ập vào chân lạnh toát, tôi bắt đầu sợ hãi và khóc ré lên. Mẹ vẫn tiến sâu hơn. Cho đến khi nước biển tràn qua đầu, tôi mất hoàn toàn cảm giác, không còn nghe tiếng sụt sùi của mẹ, ngay cả tiếng gào thét hãi hùng của chính tôi cũng im bặt…

Mùi nhân sâm ấy là loại kem dưỡng da mà mẹ yêu thích nhất. Mẹ lúc còn sống rất thích trang điểm và ăn mặc đẹp. Bà ngại nhất là để cha nhìn thấy gương mặt mộc không chút son phấn của mình, vì thế mà lúc nào gương mặt của bà cũng có mùi kem dưỡng da nhân sâm.

Hình ảnh mờ nhạt hiện ra rồi vụt mất trong ký ức tôi hơn mười năm dài. Cha đến nơi khi tim mẹ đã ngừng đập, còn tôi may mắn sống sót sau một trận sốt li bì. Mọi thứ xáo trộn, những mảnh vỡ của quá khứ tan tành trong đầu óc một đứa bé sáu tuổi. Cái tuổi mà bọn trẻ chỉ biết ăn biết chơi, biết bắt chước hành động của người lớn, tôi lại lớn lên trong mùi cồn sống. Họ - những người mặc áo blouse trắng cổ đeo ống nghe - nói với cha rằng sức đề kháng của tôi rất yếu.

Cha ngước thẳng mặt lên trời

- Cha xin lỗi con vì đã giấu con, và… vì tất cả.

Cố dùng hai bàn tay gạt nước mắt trên mặt mình, tôi lắc đầu, ôm chặt ông: “Cha à, chúng ta cùng thắp cho mẹ một nén nhang, nói với mẹ rằng chúng ta luôn luôn và mãi mãi yêu mẹ, yêu rất nhiều, cha nhé!”.

Như đoạn kết của một bộ phim nào đó tôi từng xem, “khi nỗi đau trở nên nhỏ bé trước nỗi sợ” - đó là khi yêu thương một ai đó và sợ làm họ tổn thương mà ta ghim chặt nỗi đau vào lòng. Họ nói rằng hạnh phúc có cánh còn nỗi đau thì không nên chúng thường ở lại lâu hơn, sâu đậm hơn trong lòng người. Nên trách cha vì lý do nào đây? Vì đã giấu nhẹm những vết thương đã tạm ngủ quên để con gái không bao giờ phải vật lộn với chúng? Hay vì cái vẻ lạnh lùng bên trong một người đàn ông đáng thương đến nỗi ngay cả khóc cũng không đủ dũng khí?

Cha ôm con vào lòng,tắt ngọn đèn điCho con giấc ngủ yên lành mỗi đêmNhững cô bé lớn khôn bằng những điều dịu dàng như thếĐánh răng, chải tóc và đưa con đến bất cứ nơi đâuCha luôn ở đó, khi con nhìn lại về phía sau”

(Butterfly fly away - Miley Cyrus ft. Billy Ray Cyrus)

Cứ như thế, bản nhạc ru tôi vào giấc ngủ êm... Người đàn bà ấy không còn là một vài đường nét xa lạ nữa. Và rất đặc biệt, có lẽ mẹ truyền hơi ấm của bà cho cha nên vòng tay của cha vô cùng ấm áp.

Mẹ vẫn luôn ở bên cha con tôi như thế…

lqmMo0Sf.jpgPhóng to

Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NƯỚC(TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên