21/11/2011 04:33 GMT+7

Học trò không vào lớp

PHONG LỮ (Cà Mau)
PHONG LỮ (Cà Mau)

AT - Con đường chạy dài từ trung tâm xã ra làng cá Hố Gùi như một vòng cung. Ngôi trường cấp hai mới xây và một khu gồm có ba mươi căn nhà nằm trên dây cung ấy. Trường ở đầu xóm, trước mặt xóm là cái ao khá rộng.

YXHz4lnm.jpgPhóng to
Minh họa: DUY NGUYÊN

Từ hồi những đống cát, đá... đầu tiên được tập kết ở đây, người dân xóm “ba mươi căn” đã nôn nao chờ đợi. Người lớn thì khấp khởi vui mừng vì con cái sẽ được đi học gần nhà, vừa thuận tiện vừa đỡ tốn kém. Tụi con nít thì hồ hởi vì sắp được học trường mới, được gặp thầy cô giáo mới.

Kiên không vui cũng không buồn. Cái thời trẻ thơ sướng rân vì từng cái áo, cái quần, cuốn tập, đôi dép mới... đã qua. Kiên lại chưa có con để phải lo chuyện học hành của chúng. Nhưng ngôi trường được xây dựng ở đây cũng khiến Kiên có một công việc để làm dù sau đó phần lớn số tiền công nhận được, Kiên đã cho đi theo những cuộc nhậu cùng đám bạn.

Trường xây xong thì có một cô giáo dọn vào ở. Không chỉ đám con nít mà cả Kiên cũng hơi... thất vọng. Vì cô giáo không trắng trẻo, xinh tươi, mặc áo dài thướt tha... như Kiên và tụi nó tưởng tượng. Cô cũng bình thường như những cô gái vùng ven biển này, nước da hơi ngăm đen, ăn mặc giản dị, lại thêm hai cái “miểng ly” dày cộp!

Theo sự phân công của bí thư xã đoàn, với tư cách là bí thư chi đoàn ấp, là “hàng xóm”, Kiên sang giúp cô giáo làm nhà tắm, gắn mấy cái bóng đèn, sắp xếp nhà cửa... Kiên cứ trầm trồ, cô giáo có khác, toàn sách là sách. Cái “gia tài” ấy của cô có thể đè chết người ta chứ chả chơi!

Cô giáo mới nhận công tác, cái gì cũng bỡ ngỡ nên cái gì cô cũng hỏi. Những thắc mắc của cô đôi khi làm Kiên cứng họng. Cô hỏi vì sao trẻ con ở đây nói chuyện chưa rành mà đã biết chửi thề, vì sao người dân ở đây có việc làm quanh năm suốt tháng, có khi thu nhập lên tới vài chục triệu đồng một tháng mà rất ít người giàu? Sao thanh niên xã mình nhiều như vậy mà chẳng ai học cao, nhiều lắm hết lớp 9 là nghỉ đi làm hay ở nhà nhỏng nhỏng đi chơi? Rồi có những cô gái, chàng trai có chồng, có vợ khi mới 16, 17 tuổi?... Kiên phải ậm ừ: Cô ở lâu rồi sẽ biết!

Cô giáo chẳng cần ở lâu cũng biết. Trẻ con ở đây từ lúc lọt lòng đã nghe ông, bà, cha mẹ, cô, chú... chửi thề. Những tiếng ấy quen thuộc như ăn sâu vào máu, đến nỗi chẳng ai thèm nghĩ đến ý nghĩa thật sự không thể nào chấp nhận được của nó. Dân ở đây tới mùa thì đóng ruốc, đóng mực, cá kèo, cua con... mùa nào trúng một đêm đi biển về có cả chục triệu là chuyện bình thường. Số tiền ấy đi theo những con đề, những trận bài, những cuộc nhậu... nhanh như khi chúng đến. Thanh niên không cần học hành gì nhiều vì đồng tiền quá dễ dàng kiếm được. Hết lớp 9, không có sự hậu thuẫn của gia đình, không có điều kiện học tiếp thì đi làm công nhân, lương tháng cũng mấy triệu. Con gái không đi học thì gả sớm cho rồi, để ở nhà hoài sợ... hư! Con trai phải cưới vợ sớm để chúng nó lo mần ăn, không thì suốt ngày chơi bời lêu lổng.

Kiên biết những điều ấy lâu rồi. Nhưng đến khi nghe cô giáo thắc mắc, đến khi biết lương một giáo viên mới ra trường như cô chưa đầy hai triệu một tháng, Kiên mới thấy dân xứ mình sao mà thô tục, sao mà phung phí quá, sống hôm nay chẳng cần biết đến ngày mai. Rồi Kiên chợt nhận ra, mình cũng vậy thôi. Tốt nghiệp cấp hai, được cha mẹ cho về ông bà nội ở Bạc Liêu để học tiếp cấp ba. Nhưng chưa hết năm lớp 11 Kiên đã chán. Vậy là trốn học, là đi chơi có khi thâu đêm suốt sáng. Ông bà nội la không được, nên bắt cha mẹ phải lên rước Kiên về. Về nhà, thích thì Kiên đi phụ hồ, vác củi... Không thích ở nhà đã có cha mẹ nuôi cơm. Đến mùa Kiên cũng đi kéo te, đóng lưới cá kèo, ruốc... Tiền đưa cha mẹ một phần, phần còn lại Kiên vi vu cùng đám bạn. Ăn nhậu, chơi bời ở đây chán, có khi tụi Kiên còn đi tận hòn Đá Bạc, xuống Khai Long chơi. Kiên chẳng cần quan tâm cuộc sống sau này của mình sẽ như thế nào. Chỉ có hôm bữa thấy thằng Lâm hốt hoảng ẵm đứa con hơn 2 tuổi chạy ra trạm y tế xã vì nửa đêm bé bị sốt cao, Kiên mới thấy có vợ sớm chi cho cực! Mà tự nhiên cô giáo hỏi mấy chuyện đó làm chi để Kiên mất công suy nghĩ vậy không biết!

Từ hồi có cô giáo về làm hàng xóm, Kiên chợt thấy mình có thói quen mới. Đó là sang nhà lục lọi mớ “gia tài” của cô. Sách tham khảo, sách văn học, lại cả truyện tranh... tha hồ để Kiên khám phá. Có khi mắt Kiên chỉ giả vờ nhìn vào quyển sách, còn tai Kiên thì nghe lỏm cô giáo đang nói chuyện với mấy đứa học trò. Cả một thế giới rộng lớn được cô dần dần hé mở làm Kiên và tụi nhóc vừa tò mò vừa thích thú. Niềm đam mê học hỏi những điều mới mẻ của cô như truyền sang tụi nhóc, lây cả sang Kiên. Kiên bắt đầu suy nghĩ về tương lai của mình, về cả trách nhiệm của một bí thư chi đoàn mà trước đây Kiên nghĩ chỉ làm cho vui chứ không hề nghiêm túc. Không biết sao cô không dạy Kiên ngày nào mà Kiên học được rất nhiều điều. Tiếng chửi thề gần như cửa miệng của Kiên, chỉ mấy cái nhíu mày của cô thôi Kiên gần như bỏ hẳn. Tần suất một gói thuốc một ngày của Kiên cũng giảm vì cô giáo ho sặc sụa mỗi khi hít phải khói thuốc. Chỉ một câu hỏi nhẹ nhàng của cô “bắt hết cá, cua con... mai mốt lấy gì mà bắt nữa?” khiến Kiên chợt nhận ra, mỗi năm mọi người phải càng đi xa bờ để đánh bắt. Vậy là Kiên làm cái việc mà cả xóm đều chửi là ngu: mỗi chuyến đánh bắt cá về, Kiên lại dành một phần thả về lại cho biển. Cô giáo khiến Kiên biết trân trọng những gì thiên nhiên ban tặng, và phải biết giữ gìn nguồn tài nguyên ấy cho ngày mai. Cô khiến Kiên tự tin với những việc làm đúng đắn của mình, dù điều đó không giống với mọi người. Và cô cũng khiến Kiên chăm chút đến bản thân mình hơn, dù bị đám bạn trời đất cười thúi mũi.

Từ khi đi họp ở ủy ban nhân dân xã về, nghe cô hiệu trưởng trường cấp hai thông báo sẽ dựng một hàng rào ngăn cách trường học và dãy “ba mươi căn”, Kiên cứ lo lắng bồn chồn. Được giao nhiệm vụ vận động mọi người trong xóm ủng hộ việc này, nhưng Kiên thấy thực sự khó khăn. Vì dựng hàng rào đó lên đồng nghĩa với việc con đường đi của xóm sẽ bị chặn mất một đầu, dù việc đó chỉ khiến mọi người phải đi vòng thêm một chút. Nhưng những thuận tiện người ta được hưởng bấy lâu nay tự nhiên bị lấy mất, họ không dễ gì chấp nhận. Và, một lý do rất riêng tư khiến chính Kiên cũng không ủng hộ việc dựng hàng rào, đó là cái hàng rào ấy sẽ như cái “giậu mồng tơi” ngăn cách Kiên và cô giáo.

Không biết cô có biết điều đó không mà cô dành cả buổi để “đả thông tư tưởng” cho Kiên. Rằng nếu không dựng hàng rào, xe máy cứ chạy ngang mặt trường như vậy, việc học tập, vui chơi của học sinh sẽ hết sức khó khăn, lỡ có tai nạn xảy ra thì phải làm sao? Rằng mỗi người nên hi sinh lợi ích riêng một chút vì sự nghiệp giáo dục của xã nhà. Kiên muốn đập bẹp cái “sự nghiệp giáo dục”... gì đó đi! Nhưng Kiên chỉ dám nghĩ lén trong đầu vậy thôi, chứ Kiên mà nói ra chắc cô giáo không thèm nhìn mặt Kiên luôn. Rồi trước ánh mắt tin tưởng của cô, Kiên phải bóp bụng hứa sẽ vận động bằng được bà con không ngăn cản việc này.

Hứa chắc như đinh đóng cột vậy, chứ Kiên rầu thúi ruột. Với trình độ chỉ vừa biết mặt chữ để ghi hụi, ghi đề, tính toán tiền bạc... họ cần biết quái gì đến cái “sự nghiệp giáo dục” của cô! Họ chỉ biết cái hàng rào dựng lên chắn ngay đường đi của họ là vô duyên hết chỗ nói! Vậy là Kiên bắt đầu công tác “tuyên truyền” của mình chính từ đám chiến hữu. Tụi nó đấm đá Kiên túi bụi vì cái tội “lậm” cô giáo không còn thuốc chữa! Nhưng rồi nhìn cái mặt mếu của Kiên, chúng cũng mủi lòng mà hứa sẽ nói giúp cho một tiếng. Coi như bước đầu đã thành công. Kiên lại bỏ thời gian lân la từng nhà theo kiểu mưa dầm thấm đất. Khi mọi người bắt đầu xuôi xuôi với việc dựng hàng rào, thì việc chú Hai Sanh vì tránh một em học sinh mà lao cả người và xe thẳng xuống ao thì chẳng ai phản đối nữa. Cái hàng rào được thầy cô và thanh niên xã dựng lên nhanh chóng sau đó. Nhìn ánh mắt rạng ngời của cô mà Kiên thấy bực mình vô cớ.

Hè. Kiên ngồi nhìn cô xếp đồ đạc để về nhà mà lòng cứ nghĩ mông lung. Trước cô cũng có không ít giáo viên về đây, rồi phần vì cuộc sống khó khăn, phần vì xa xôi, buồn chán, cũng không ít người đã ra đi. Nhìn cô, tự dưng Kiên nhớ ông nhà thơ nào đó từng viết Đưa người ta không đưa qua sông / Sao có tiếng sóng ở trong lòng... Cô cười, nhìn cái mặt buồn xo của Kiên, hứa rằng vô năm học mới mình nhất định quay lại. Nhờ Kiên đi qua đi lại ngó cái trường một chút, không thôi nó buồn, nó mọc chân bỏ đi thì sang năm cô không có chỗ để dạy! Kiên cười méo xẹo, nói cô cứ yên tâm, cô không nhờ Kiên cũng giữ trường, để năm sau cô còn nhớ cảnh cũ mà quay về.

Trong khi chờ đợi, Kiên sẽ kiếm một công việc ổn định để làm, sẽ sống có trách nhiệm hơn, để khi quay lại, cô sẽ tự hào vì có một “học trò” không vào lớp ngày nào như Kiên!

3S0nGfER.jpgPhóng to

Áo Trắngsố 21 ra ngày 15/11/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHONG LỮ (Cà Mau)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên