20/07/2011 08:19 GMT+7

Dấu chân tình nguyện về vùng núi cao

QUẾ CHI (ĐHQG TP.HCM)
QUẾ CHI (ĐHQG TP.HCM)

AT - Bỏ lại Sài Gòn đô thị tấp nập, nhộn nhịp và hiện đại.

YjBbD0DS.jpgPhóng to
Minh họa: la NGUYỄN QUỐC VINH

Bỏ lại những ngày Tết cổ truyền sum họp, đầm ấm bên gia đình và những người thân yêu sau những năm tháng học tập xa nhà dưới giảng đường đại học.

Chiếc xe 25 chỗ ngồi đón chúng tôi tại cổng ký túc xá, hành trang đem theo là những tập sách vở, đồ dùng học tập, những bộ quần áo cũ và tiền đã quyên góp để ủng hộ các trường học vùng cao, nơi còn thiếu thốn về cả vật chất và tinh thần, góp phần chia sẻ phần nào khó khăn để các bạn học sinh vùng cao vững bước tới trường. Trên vai các tình nguyện viên với màu áo xanh tình nguyện và chiếc mũ tai bèo sẵn sàng “vượt thác băng rừng” để đến với vùng cao xa xôi, hẻo lánh. Chiếc xe chuyển bánh trên mọi nẻo đường, bắt đầu hành trình tình nguyện về với vùng núi cao.

Vượt suối, băng rừng, những đoạn đường lởm chởm đá núi để đến với bản làng người M’nông, thuộc huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Suốt đoạn đường dài, để động viên tinh thần tài xế và giữ nhiệt huyết của mỗi thành viên, mọi người đã cùng nhau hát vang những lời ca trong bài Dấu chân tình nguyện của nhạc sĩ Vũ Hoàng: “Lên rừng, xuống biển, dưới cờ Đoàn quang vinh ta tiến vào kỷ nguyên mới, không ngại gian khổ, những dấu chân tình nguyện chinh phục những đỉnh cao, những dấu chân tình nguyện đẹp những ước mơ xa”.

Những lời ca ngân vang khắp núi rừng, biến không gian tĩnh mịch ấy trở nên rộn ràng, xua đi cảm giác lạ lùng, bỡ ngỡ trong lòng những cô cậu sinh viên lần đầu đặt chân đến vùng núi cao.

Sau một đêm vượt núi, băng rừng, chúng tôi đã tới được mảnh đất xa xôi ấy, để về với bản làng người M’nông thuộc huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Nơi cả đội đóng quân là trường học của các em học sinh trong xã. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là một ngôi trường cũ nát, vài phòng học đơn sơ, hoang tàn.

Trong thoáng suy nghĩ tôi hiểu rằng hơn 20 người chúng tôi sẽ không thể xây được ngôi trường lớn hơn, khang trang hơn, nhưng chắc chắn sẽ làm cho mái trường của các em tươi sáng hơn, sạch đẹp hơn. Bởi tình yêu và lòng nhiệt huyết của chúng tôi sẽ gửi gắm vào đó dẫu chỉ là nhỏ bé.

Mỗi giờ lên lớp, cùng những học sinh thân yêu, bé bỏng, cảm giác vui sướng và hồi hộp khi được phân công chủ nhiệm lớp 1A, tôi đã thức cả đêm không ngủ để hình dung khung cảnh lớp học trong buổi gặp mặt đầu tiên, sẽ là vui hay buồn? Sẽ là đông hay thưa thớt? Rồi đến cảm xúc của một “cô giáo” lần đầu đứng trên bục giảng.

Buổi gặp mặt đầu tiên ấy thật vui và đáng nhớ, không chút ngượng ngùng, rụt rè mà rất tự nhiên, thân thiện, không biết vì màu áo xanh tình nguyện đang mặc hay vì nụ cười ấm áp của các em nhỏ vùng cao mà tôi thấy tự tin hơn. Nghe tiếng một em cất lên: “Anh chị thật lạ, áo xanh, mũ tai bèo chẳng giống cô giáo của em”.

Một lớp học miền cao không đông lắm nhưng thật đặc biệt, có em thập thò ngoài cửa lớp, bi bô đánh vần chữ ghi trên bảng “Sinh viên tình nguyện”. Em hồn nhiên nói: “Em muốn có cái chữ để bố mẹ đỡ khổ, để đọc truyện cho bà nghe và để được học lịch sử Việt Nam”. Em muốn được làm chim tự do bay giữa trời, được đi mọi miền đất nước!”. Ước mơ giản dị nhưng đã làm bừng sáng lên giữa núi rừng ấm áp ân tình ấy.

Ngày lên lớp vui là thế, những buổi ở nhà thấy sao nhớ ghê, nhớ bé Lan hay cười, nhớ bé Mai luôn đến lớp sớm trực nhật sạch sẽ. Kỷ niệm về vùng núi xa xôi sẽ không bao giờ quên đối với mỗi sinh viên tình nguyện.

Dù mai này chẳng thể làm cô giáo, tôi vẫn mong ước một ngày sẽ lại được đứng trên bục giảng, để dạy lũ học trò của tôi cách làm toán, cách viết đúng chính tả, cách hát một bài hát thật hay về đất nước mình. Sau chuyến đi ấy tôi đã học được nhiều điều trong cuộc sống, sự cảm thông, chia sẻ, học được cách yêu thương và quan trọng là học được cách cống hiến mà không hề đong đếm.

QUẾ CHI (ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên