11/04/2008 06:42 GMT+7

Văn hóa đọc sách của sinh viên: Câu chuyện dài...

CÔNG DŨNG
CÔNG DŨNG

AT - Sinh viên chính là đối tượng cụ thể, một bộ phận hướng đến của hội thảo "Người Việt có mê đọc sách?" do SachHay.com tổ chức vừa diễn ra tại Hội sách TP.HCM lần 5-2008.

Fvl2dNGd.jpgPhóng to

Sinh viên đến gian hàng sách giảm giá của Công ty văn hóa Phương Nam trong Hội sách TP.HCM lần 5-2008

Bỏ rơi

Có khá nhiều ý kiến nhận định thực trạng lười đọc sách trong sinh viên hiện nay. Chuyện phần lớn sinh viên, kể cả sinh viên khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, quay lưng với sách, việc họ đến thư viện chỉ để tham khảo tư liệu do yêu cầu môn học bắt buộc không còn xa lạ với giảng viên Phạm Xuân Thạch (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội).

Tương tự, TS Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) cho biết chỉ sau một học kỳ chuyển sang tín chỉ, Trường ĐH Hoa Sen phải quyết định cung cấp sách tham khảo chủ yếu cho mỗi sinh viên trong từng môn học, vì mặc dù thư viện đã chuẩn bị đầy đủ sách tham khảo theo đề cương môn học do giảng viên bộ môn biên soạn nhưng phần lớn sinh viên chưa có thói quen tự tìm tài liệu. "Chúng tôi phải cưỡng chế sinh viên đọc sách" - bà Phượng nói.

Bạn Nguyễn Thanh Vân (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương) thừa nhận những phàn nàn của mọi người về bệnh lười đọc sách ở sinh viên không phải là không có căn cứ. Bởi thực tế qua các cuộc thi trên truyền hình, sinh viên thường bị khớp trước những câu hỏi về văn hóa, lịch sử, địa lý... hoặc đôi khi là những câu hỏi cơ bản về thường thức đời sống, những kiến thức phần lớn được tích lũy từ sách.

Nhiều năm gắn bó trực tiếp với công việc giảng dạy đại học và sau đại học, PGS.TS Trần Hữu Tá (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đưa ra một thực tế buồn: hằng năm ông thường làm việc với mấy lớp văn học chuyên ngành ngữ văn, học viên đã có bằng cử nhân, có người đang đứng trên bục giảng hoặc làm công tác văn hóa. Tuy vậy có rất ít người tỏ ra tự tin, vững vàng trả lời khi được hỏi ai đã đọc toàn văn Truyện Kiều, ai đã đọc đủ tứ đại kỳ thư của Trung Quốc...

Nhiều sinh viên đang bỏ rơi sách, nhưng chính họ cũng đang bị bỏ rơi trong việc định hướng nên đọc sách gì giữa một rừng sách đầy phức tạp và bát nháo hiện nay. "Muốn đọc sách thì trước hết phải chọn sách để đọc, sinh viên chúng tôi đang rất lúng túng ở khâu này thì lấy gì đòi hỏi niềm đam mê đọc sách ở chúng tôi" - Lê Nguyệt Hải, sinh viên Trường ĐH Bách khoa, phân trần.

Giảng viên Phạm Xuân Thạch lên tiếng báo động về tình trạng "bệnh hoạn" ở một số sách về văn học hiện nay: "Có những cuốn sách nằm xếp xó trong thư viện trường đại học, may mà sinh viên không đọc chứ đọc thì chết". Đồng thời dẫn chứng một số sách kém chất lượng được ra đời từ những nhà xuất bản tên tuổi trong nước.

Đến hẹn, bao giờ...

Theo nhà thơ Thanh Thảo, thật khó trả lời cho câu hỏi "Người Việt có mê đọc sách?", trong đó gồm có đông đảo học sinh, sinh viên trong tình hình hiện nay. Để giải được bài toán khó này, PGS.TS Trần Hữu Tá cho rằng phải giải đáp liên hoàn các câu hỏi cụ thể đồng thời chính là những giải pháp ông đề xuất, trong đó đề cập loại sách cần đọc và đối tượng được ưu tiên chủ yếu để đột phá - người học các cấp từ bậc mầm non đến sau đại học.

Tại sao có một số cuốn sách tạo nên sức hút rầm rộ với sinh viên trong thời gian qua như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Rừng Na Uy của Haruki Murakami... hay loạt sách của "cha đẻ marketing hiện đại" Philip Kotler, đến những cuốn sách thuộc loại không dễ đọc của học giả Nguyễn Hiến Lê?

Những cuốn sách này có điểm chung quan trọng là gần gũi với cuộc sống của những người trẻ và được PR một cách nghiêm túc, rộng rãi. "Không ít người trong chúng ta cứ mãi ta thán về thực trạng đọc của sinh viên mà quên mất điều quan trọng là tìm hiểu xem sinh viên đang đọc sách gì và vì sao họ lại chọn những cuốn sách đó” -Việt Hải, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng văn hóa đọc yếu kém của sinh viên hiện nay, trong đó có những nguyên nhân mang tính lịch sử và hệ thống, đồng thời là những quan ngại trước sự xâm nhập mạnh mẽ của các phương tiện kỹ thuật số. Bên cạnh đó, lý do giá sách quá cao là một trong những lực cản ngăn sinh viên đến với sách. "Xét về tâm lý người đi mua sách, nếu thấy cuốn sách giá 10.000-20.000 đồng, họ sẵn sàng mua. Nhưng nếu giá lên đến 50.000-100.000 đồng, họ bắt đầu ngại, nhất là sinh viên" - dịch giả Đinh Bá Anh (Viện Goethe Hà Nội) phân tích một dẫn chứng.

Đây là một thực tế buồn không thể không nói đến khi chúng tôi chứng kiến ngay tại hội sách, nhiều bạn trẻ thích thú cầm lên cuốn Thơ Trần Dần, Những kẻ thiện tâm... rồi tiếc nuối bỏ lại kệ vì theo họ, "giá mắc quá”. Từ đây, ông Đinh Bá Anh kêu gọi cần phải làm một cuộc đột phá về giá sách, lập ra "Tủ sách sinh viên" siêu rẻ để xóa đói tri thức trong tất cả các lĩnh vực, tất cả được in theo lối giản tiện nhất: bìa đen, giấy xấu, chữ nhỏ, miễn là biên tập tốt và đóng gáy chắc, mỗi cuốn giá trung bình 10.000-15.000 đồng.

Câu chuyện về văn hóa đọc sách của người Việt, trong đó có đông đảo học sinh, sinh viên, cứ mãi loay hoay với những thực trạng buồn được nêu lên và nhiều giải pháp được đưa ra. Vấn đề là mỗi chúng ta phải bắt tay góp nhặt những viên gạch thiết thực để xây dựng niềm đam mê lớn lao đó, như cách mà SachHay.com đang khởi đầu. Và biết đâu một ngày gần đây, người Việt trẻ không chỉ mê đọc sách mà còn hướng tới mê viết sách, như mong ước của nhà doanh nghiệp trẻ - TS Lý Quí Trung.

7CchHc1B.jpgPhóng to

Áo Trắng số 21 (ra ngày 1-04-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

CÔNG DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên