24/05/2016 22:15 GMT+7

50 nghệ sĩ viết tâm thư việc bán rẻ Hãng phim truyện

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TTO - Chiều 24-5, PV Tuổi Trẻ gặp NSƯT Lân Bích để nghe người nghệ sĩ 83 tuổi này chia sẻ về lý do ông viết bức thư thỉnh cầu mà NSND Trà Giang mang ra HN gửi Bộ trưởng Bộ VH - TT - DL.

NSƯT Lân Bích, một trong những người gắn bó với Hãng phim truyện VN từ thuở sơ khai... (Ảnh trong phim Nghe trà)
NSƯT Lân Bích, một trong những người gắn bó với Hãng phim truyện VN từ thuở sơ khai. Ông là chồng của NSƯT Minh Đức (bà Đại - Em là bà nội của anh). Ảnh: NSƯT Lân Bích  trong phim Nghe trà

NSƯT Lân Bích tỏ ra khá mệt mỏi vì sức khỏe dạo này không tốt. "Nhiều người thuộc thế hệ tôi đã đi rồi, tôi còn lại, tôi không thể im lặng, không thể nói những lời tâm huyết, đó là lý do tôi viết bức thư thỉnh cầu gửi cho ông Bộ trưởng. 

Trong cuộc trò chuyện, người nghệ sĩ già không ít lần rưng rưng lệ, ông nghẹn ngào khi nhắc đến Hãng phim truyện VN:

"Tôi lo cho một đội ngũ nghệ sĩ còn tâm huyết và năng lực giờ bị gạt ra bên lề. Hãng phim truyện VN là một giá trị lịch sử, tại sao lại có thể giao cho bất kỳ ai? Quyết định vừa rồi với tôi là một sự đứt gãy với những giá trị lịch sử ấy". 

NSƯT Lân Bích và lá thư tâm huyết thỉnh cầu gửi Bộ trưởng Bộ VH - TT - DL về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện VN. Ảnh: Gia Tiến
NSƯT Lân Bích và lá thư tâm huyết thỉnh cầu gửi Bộ trưởng Bộ VH - TT - DL về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện VN. Ảnh: Gia Tiến

NSƯT Lân Bích gắn bó với Hãng phim truyện VN từ năm 1956, ông là diễn viên kiêm phó Trưởng đoàn kịch Điện ảnh Hãng phim truyện VN. Hơn 40 năm làm nghề (kể cả sau khi nghỉ hưu), ông đã có gần 30 vai diễn lớn nhỏ trong các phim truyện điện ảnh cùng khoảng 50 vai diễn ở phim truyền hình. Đó là những tên phim khá quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả phim Việt trước đây như Cô gái công trường, Lửa trung tuyến, Hai bà mẹ, Trên vĩ tuyến 17, Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm, Hy vọng cuối cùng, Hạ sĩ quan, Mùa lá rụng trong vườn, Cao nguyên không yên tĩnh, Xóm nước đen..

Toàn văn bức thư thỉnh cầu như sau: 

"Kính gửi ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch

Chúng tôi là những nghệ sĩ điện ảnh lão thành của Hãng phim truyện VN. Mặc dù tuổi đã cao, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc và sinh sống tại TP.HCM. Trước đó thông tin về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện VN, chúng tôi xin được bày tỏ ý kiến như sau: 

Là lớp nghệ sĩ đầu tiên được chứng kiến sự ra đời và đồng hành suốt cuộc đời cùng Hãng phim truyện VN, chúng tôi nhận thức rõ được sự đánh giá và quan tâm xây dựng nền điện ảnh cách mạng của Bác Hồ, và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng ta.

Hình ảnh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lặn lội trong đêm gió rét, đồng cam cộng khổ với các nghệ sĩ khi thực hiện bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng: Chung một dòng sông là dấu son không phai mờ trong tâm trí các nghệ sĩ chúng tôi. 

Dưới sự quan tâm, chăm sóc đầy ưu ái và rất cụ thể của Đảng, Nhà nước, nên mặc dù trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn, sự nghiệp của Hãng phim VN với sự lao động, sáng tạo không mệt mỏi của các nghệ sĩ đã tạo nên hàng loạt các tác phẩm điện ảnh để đời. Một số nghệ sĩ sáng chói như những nhân chứng lịch sử vẫn đang hiện diện quanh chúng tôi đây: 

Một chị Tư Hậu với NSND Trà Giang, một chị Vân, một trung úy Phương với NSƯT Thụy Vân và NSND Thế Anh trong Nổi gió, một cô Thoan với NSƯT Minh Đức trong Người chiến sĩ trẻ, một anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám với NSND Đoàn Dũng trong phim cùng tên... Và còn hàng loạt các nhân vật được các nghệ sĩ thể hiện nhằm tôn vinh khí phách anh hùng, với tâm hồn cao cả của nhân dân ta...

Bao giờ cho đến tháng 10
Đến hẹn lại lên - một bộ phim được nhiều thế hệ khán giả yêu thích - Ảnh tư liệu

 

Đây chỉ là mới điểm qua vài nhân vật lẫy lừng quanh chúng tôi hiện đang sống ở phía Nam này. Nếu kể cả phía Bắc thì e rằng không kể xiết. Đây là những tượng đài gây tiếng vang rộng lớn trong tâm hồn nhân dân ta và bạn bè trên thế giới. Tất cả những giá trị trường tồn đó làm sao có thể quy ra bằng số tiền rẻ mạt gọi là "cổ phần hóa".

Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN như cách thức hiện nay là coi thường lịch sử, truyền thống, xóa bỏ những thành tựu xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đã tạo nên một thương hiệu uy tín đó là Hãng phim truyện VN. 

Chúng tôi hiểu việc cổ phần hóa các xí nghiệp nhà nước đang là yêu cầu cấp thiết. Nhưng cổ phần hóa như thế nào với một công ty mang tính đặc thù như Hãng phim truyện VN là điều cần cân nhắc, tính toán kỹ. Việc làm không thấu tình đạt lý như hiện nay sẽ gây hậu quả rất xấu, là tổn thất không thể bù đắp nổi.

Chúng tôi tha thiết mong mỏi các cấp lãnh đạo hãng sáng suốt bình tĩnh cùng các nghệ sĩ bàn bạc, tìm ra cách làm tốt nhất, vừa giữ được những giá trị truyền thống, không làm tổn hại đau đớn đến các nghệ sĩ đầy tâm huyến mà vẫn đạt được yêu cầu, mục đích của chúng ta...".

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên