24/02/2015 08:48 GMT+7

​30% bệnh nhân sỏi túi mật có chỉ định phẫu thuật

THÙY DƯƠNG GHI
THÙY DƯƠNG GHI

TT - Năm nay tôi 33 tuổi. Cách nay khoảng hai tháng tôi đi khám tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM) thì phát hiện bị sỏi túi mật (kết luận ghi trong phiếu siêu âm là: Túi mật có sỏi tụ thành đám KT # 8 x 14).

Bác sĩ ở khoa tiêu hóa của bệnh viện này đã tư vấn và đưa ra hai sự lựa chọn:

1. Không phẫu thuật. Theo bác sĩ, bệnh sỏi túi mật hiện tại tây y không có thuốc đặc trị nên không cho thuốc uống. Nếu bệnh nhân chấp nhận sống chung với bệnh thì có thể gặp nguy hiểm khi sỏi đi vào ống dẫn mật gây ra viêm và có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh nhân chung sống cả đời với bệnh mà không gặp vấn đề gì.

2. Phẫu thuật. Do nguy hiểm có thể gặp phải như trên, bác sĩ cho lời khuyên tốt nhất là nên phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Vị bác sĩ này giải thích mật không thật sự quan trọng với người đã trưởng thành, mật chỉ có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa mỡ nên khi cắt túi mật, hạn chế ăn thức ăn có nhiều mỡ thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Qua tìm hiểu trên mạng và báo chí, tôi thấy có đăng bài thuốc của một lương y về việc dùng quả sung chữa được bệnh sỏi túi mật.

Hiện tại tôi rất lo lắng về bệnh tình của mình nên thông qua báo Tuổi Trẻ nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi một số vấn đề sau:

- Tôi có thể sống chung với bệnh này được không?

- Có biện pháp nào điều trị bệnh hiệu quả mà không cần phẫu thuật không?

- Nếu phải phẫu thuật thì có những ảnh hưởng gì đến sức khỏe của tôi sau này không? Hiện tại ở TP.HCM bệnh viện nào có chuyên khoa điều trị bênh này?

- Tác dụng của trái sung có thể chữa được bệnh này không? Hay có thuốc nào khác để chữa bệnh này?

V.V.Đ. (TP Biên Hòa, Đồng Nai)

* Bác sĩ HOÀNG DANH TẤN (phó trưởng khoa ngoại tiêu hóa gan mật Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) trả lời:

- Dịch mật giúp tiêu hóa, hấp thu mỡ và các vitamin tan trong mỡ. Dịch mật được bài tiết từ gan, theo ống dẫn mật chính đổ vào tá tràng. Túi mật nằm bên cạnh ống dẫn mật chính và kết nối với ống này bằng ống túi mật.

Túi mật có chức năng chứa đựng và cô đặc dịch mật nên dễ tạo sỏi. Khi cắt bỏ túi mật sẽ không ảnh hưởng đến đường dẫn mật từ gan xuống tá tràng. Chỉ 30% bệnh nhân sỏi túi mật có triệu chứng đau (có chỉ định phẫu thuật), 70% còn lại hoàn toàn không đau (chưa có chỉ định phẫu thuật). Theo dõi các bệnh nhân không đau, số chuyển sang đau sau năm năm là 10%, sau 15 năm là 18%.

Như vậy, không nhất thiết cắt túi mật phòng ngừa ở người sỏi túi mật không triệu chứng, trừ khi người bệnh có kèm bệnh tim mạch hay đái tháo đường (dễ có biến chứng nặng khi viêm túi mật). Sỏi túi mật gây đau (phải do bác sĩ xác định do dễ nhầm với đau dạ dày) thì nên chữa trị sớm để tránh các biến chứng như viêm túi mật cấp, hoại tử túi mật...

Điều trị sỏi túi mật có hai mục tiêu là hết sỏi và tránh tái phát. Muốn thế cần loại bỏ nơi tạo sỏi, tức phải cắt bỏ túi mật. Nếu để lại túi mật (uống thuốc tan sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể hay thậm chí mổ lấy sỏi), sỏi sẽ tái phát sau một thời gian.

Như vậy nếu chưa có triệu chứng đau và không có bệnh đái tháo đường hay tim mạch thì nên tiếp tục theo dõi. Khi sỏi túi mật có triệu chứng đau thì nên phẫu thuật cắt bỏ túi mật, sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Không nên dùng các loại thuốc tan sỏi đông y hay tây y do hiệu quả hết sỏi chưa được kiểm chứng và không ngăn ngừa được tái phát.

Hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật được thực hiện thường quy với mức độ an toàn cao ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM như: Bệnh viện Đại học Y dược, Bình Dân, Nhân Dân Gia Định, Chợ Rẫy, Trưng Vương, Nhân Dân 115...

THÙY DƯƠNG GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên