12/09/2023 17:42 GMT+7

3 tháng liên tiếp giảm truy cập, ChatGPT đã hết 'hot'?

Công ty Similarweb thống kê ChatGPT giảm 3,2% xuống 1,43 tỉ lượt trong tháng 8. Còn hai tháng trước đó, ChatGPT cũng giảm 10% lượng truy cập mỗi tháng.

Tiến sĩ Lương Minh Thắng chia sẻ với sinh viên Trường đại học Fulbright về trí tuệ nhân tạo và ChatGPT - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tiến sĩ Lương Minh Thắng chia sẻ với sinh viên Trường đại học Fulbright về trí tuệ nhân tạo và ChatGPT - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngày 12-9, khán giả tham dự tọa đàm với 2 tên tuổi trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam - gồm tiến sĩ Vũ Duy Thức, đồng sáng lập start-up OhmniLabs tại Thung lũng Silicon, và tiến sĩ Lương Minh Thắng, nhà khoa học hiện đang nghiên cứu cho Google Brain - đã dẫn chứng những số liệu và đặt câu hỏi phải chăng ChatGPT đã hết "hot" và cơn sốt trí tuệ nhân tạo chỉ duy trì được trong thời gian đầu?

Buổi tọa đàm được tổ chức tại Trường đại học Fulbright Việt Nam.

ChatGPT: Giảm người dùng nhưng tăng giá trị

Tiến sĩ Vũ Duy Thức nhận định số lượng truy cập ChatGPT giảm là một sự tất yếu. Ông giải thích với sự xuất hiện bất ngờ với những tính năng vượt trội của ChatGPT đã tạo sức hút rất lớn trong thời gian đầu.

Tuy nhiên, nhiều người ban đầu sử dụng ChatGPT vì tò mò, muốn trải nghiệm hoặc đơn giản chỉ để giải trí. Sau một thời gian, số người dùng ChatGPT với những mục đích như trên đã giảm.

Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Duy Thức nhận thấy ở cả Mỹ và Việt Nam, ngày càng có nhiều công ty ứng dụng ChatGPT hay công nghệ API trong các hoạt động của mình. Một số công ty ứng dụng công nghệ này cho khảo sát khách hàng, nghiên cứu dữ liệu để đưa ra những dịch vụ tối ưu.

Vì vậy, theo ông Thức, dù số lượng truy cập ChatGPT giảm nhưng trên thực tế các ứng dụng có ý nghĩa ngày càng nhiều hơn. Các giá trị thực sự khi ứng dụng ChatGPT cũng tăng theo.

Tiến sĩ Vũ Duy Thức là một trong những chuyên gia công nghệ thông tin người Việt nổi tiếng tại Thung lũng Silicon - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tiến sĩ Vũ Duy Thức là một trong những chuyên gia công nghệ thông tin người Việt nổi tiếng tại Thung lũng Silicon - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trong khi đó, tiến sĩ Lương Minh Thắng cho rằng xu hướng của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT, vẫn đang được cải tiến để giải quyết nhiều bài toán phức tạp hơn. Với những chatbot như ChatGPT, người ta không chỉ "dạy" chúng có thể trả lời nhiều câu hỏi mà còn sẽ giúp chúng biết trả lời như thế nào là phù hợp nhất.

Chẳng hạn, nếu hỏi chatbot "Làm thế nào để tôi hack WiFi của nhà hàng xóm?". Một chatbot thông minh không hẳn sẽ chỉ ra ngay cách để hack mật khẩu WiFi, mà chúng cần biết trả lời hack WiFi là sai luật hoặc đang xâm phạm quyền riêng tư.

Theo tiến sĩ Lương Minh Thắng, các chatbot AI đang được dạy thêm về nhiều nguyên tắc pháp luật, đạo đức như thế. Bước tiếp theo của các nền tảng AI như ChatGPT là sẽ biết cách kiểm tra, đối chiếu với những nguyên tắc như trên trước khi trả câu trả lời kết quả cuối cùng về cho người dùng.

Đại học sử dụng AI thế nào?

Tiến sĩ Scott Fritzen, chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, nói đây là một bài toán khó mà nhiều trường đại học trên thế giới đang "đau đầu" tìm hướng đi, trong đó ứng dụng kịp thời và hài hòa được những công nghệ mới trong dạy và học.

Tuy nhiên, theo ông, một hướng đi là không xem AI là một môn học, và trường học ứng dụng AI chỉ là dạy môn học AI là xong. Thay vào đó, AI có thể được áp dụng rộng rãi trong môi trường đại học ấy, vượt ra ngoài khuôn khổ của một môn học.

Chẳng hạn, trường học có thể ứng dụng một nền tảng AI để sinh viên tương tác, cho sinh viên tìm kiếm thông tin, phân tích các tài liệu trong nghiên cứu. Một sinh viên học về chính sách công sẽ dùng nền tảng này để tra cứu và phân tích các khung chính sách. Từ đó, sinh viên sẽ biết cách dùng AI bất kể theo học chuyên ngành gì.

Tiến sĩ Scott Fritzen - chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tiến sĩ Scott Fritzen - chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tiến sĩ Vũ Duy Thức cho rằng các ứng dụng AI hiện không chỉ giúp ích những bạn học về công nghệ thông tin hay lập trình, mà có thể ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp tăng hiệu suất công việc đến gợi mở thêm những ý tưởng mới.

Vì thế theo ông, thông qua những nội dung AI được lồng ghép trong các chương trình học, sinh viên sẽ có được nhiều kỹ năng quan trọng như giải quyết vấn đề, kỹ năng thu thập thông tin, xử lý thông tin… Đây đều là những kỹ năng quan trọng được đòi hỏi ở nhiều lĩnh vực công việc hiện nay.

Kết nối cho sinh viên Việt và chuyên gia Thung lũng Silicon

Tiến sĩ Vũ Duy Thức và tiến sĩ Lương Minh Thắng là đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận VietAI - một tổ chức phi lợi nhuận tổ chức nhiều chương trình học trực tuyến về AI cho bạn trẻ Việt Nam. VietAI liên kết với nhiều cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM, để hỗ trợ đào tạo các tài năng Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Không chỉ đào tạo, tiến sĩ Vũ Duy Thức cho biết nhóm các anh trong thời gian tới sẽ triển khai nền tảng hỗ trợ những sinh viên có ý định nghiên cứu sâu về AI. Sinh viên có thể được hỗ trợ về các mô hình, các điều kiện hạ tầng cần thiết để các bạn theo đuổi những nghiên cứu sâu về AI trong các lĩnh vực như robotics, y sinh đến khoa học sức khỏe.

Đặc biệt, sinh viên có thể được kết nối với các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang làm việc tại Thung lũng Silicon để được tham gia chia sẻ kinh nghiệm và được cố vấn (mentor).

Chủ tịch Đại học Fulbright: Cứ ‘flex’ vì bạn là duy nhấtChủ tịch Đại học Fulbright: Cứ ‘flex’ vì bạn là duy nhất

‘Flex không phải để thể hiện bạn giỏi hơn bất kỳ ai khác, mà là việc bạn hiểu được những giá trị của mỗi người’.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên