11/11/2023 21:57 GMT+7

3 con chuột túi ở Cao Bằng được xử lý thế nào?

Ba con chuột túi ở Cao Bằng được chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai) để chăm sóc trong thời gian chờ quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

Chuột túi xuất hiện ở Cao Bằng được người dân chụp ảnh lại - Ảnh: HOÀNG BẢO

Chuột túi xuất hiện ở Cao Bằng được người dân chụp ảnh lại - Ảnh: HOÀNG BẢO

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 11-11, ông Nguyễn Hữu Thiện - phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Thạch An tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định đối với ba con chuột túi được phát hiện ở xã Đức Long (huyện Thạch An).

Đối với ba cá thể chuột túi sau khi bắt giữ, ông Thiện cho biết hiện nay Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc không có đủ điều kiện chăm sóc.

Mặt khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng không có cơ sở cứu hộ động vật, không có cơ sở nuôi nhốt có đủ điều kiện để thực hiện chăm sóc các cá thể động vật đang tạm giữ.

Căn cứ thông tư 29-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng nhất trí cho Hạt kiểm lâm huyện Thạch An chuyển giao ba cá thể động vật (giống loài chuột túi) đang bị tạm giữ cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên, trực thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai, để chăm sóc trong thời gian chờ quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

"Sau khi bàn giao, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên có trách nhiệm cứu hộ, chăm sóc theo đúng quy trình và thông tin về tình trạng sức khỏe của các cá thể chuột túi sau tiếp nhận tới Hạt kiểm lâm huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng và các đơn vị liên quan theo đúng quy định về quản lý, bảo tồn động vật hoang dã" - ông Thiện nói.

Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm cũng khẳng định Việt Nam không có loài này, không có phân bố ở Cao Bằng nên có thể nhận định đây là loài ngoại lai.

Tuy nhiên để xác định ba cá thể này là loài gì, có phải là loài ngoại lai xâm hại hay không thì phải chờ kết quả giám định của cơ quan khoa học. Sau khi có kết quả, sẽ xử lý theo đúng quy định.

Theo Luật Đa dạng sinh học, loài ngoại lai là loài sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng.

Loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.

Tuy nhiên, không phải loài ngoại lai nào cũng được xác định là loài ngoại lai xâm hại.

Theo thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định tiêu chí xác định và danh mục loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại thì chuột túi không nằm trong hai danh mục này.

Xử lý nghiêm việc nhập khẩu, phát tán trái phép loài ngoại lai xâm hạiXử lý nghiêm việc nhập khẩu, phát tán trái phép loài ngoại lai xâm hại

TTO - Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu, phát tán, nuôi trồng và kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên