27/03/2019 22:12 GMT+7

265 giáo viên có nguy cơ mất việc vì 'vướng chính sách'

VĨNH HÀ - THÂN HOÀNG
VĨNH HÀ - THÂN HOÀNG

TTO - 265 giáo viên đang dạy hợp đồng cho các trường tiểu học, THCS tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã ký đơn tập thể, kêu cứu trước kỳ thi tuyển giáo viên của thành phố, vì lo ngại mất việc khi không thể vượt qua kỳ thi tuyển.

265 giáo viên có nguy cơ mất việc vì vướng chính sách - Ảnh 1.

Các cô giáo ở Sóc Sơn trao đổi với phóng viên - Ảnh: NGỌC QUANG

Chiều 27-3, ông Lê Hữu Mạnh, phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về câu chuyện đau đầu này.

Sóc Sơn thiếu 685 giáo viên, sẽ phải tuyển dụng qua thi tuyển trong đợt sắp tới. Những giáo viên hợp đồng đang làm việc trong các trường tiểu học, THCS, nếu không đăng ký thi, hoặc thi trượt, sẽ buộc phải cắt hợp đồng.

Đây là điều khiến 265 giáo viên như ngồi trên lửa. Trong số họ, có những người đã có 23-27 năm công tác. Việc buộc phải trải qua một kỳ thi tuyển với các quy định mới, trong đó có quy định về tin học, ngoại ngữ… là thách thức.

Nhiều giáo viên từng "thi trượt" cho biết, họ không tin tưởng vào sự khách quan của kỳ thi tuyển này. Đặc biệt là ở phần thi thực hành, các giáo viên cho biết họ chỉ thi cho ban giám khảo chấm mà không có ghi âm, ghi hình, không có bằng chứng để phúc khảo. Họ cho rằng, các tiêu chí chấm thi không cụ thể. Số điểm phân định việc đỗ, trượt có khi chỉ 0,25 điểm, nhưng việc cho điểm lại do chủ quan của người chấm.

Trong số 265 giáo viên, 26 người có thâm niên công tác trên 20 năm, nhiều nhất là 28 năm. Phần lớn đều có thời gian công tác trên dưới 10 năm.

Theo ông Lê Hữu Mạnh, có giáo viên ký hợp đồng với trường, còn phần đông giáo viên ký hợp đồng với huyện, một số khác được ký hợp đồng theo quyết định của Ban Tổ chức chính quyền thành phố (nay thuộc Sở Nội vụ). Việc ký hợp đồng với giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở những thời điểm khác nhau.

Trong hàng chục năm, huyện Sóc Sơn không rà soát thường xuyên để giải quyết dứt điểm, hoặc chấm dứt hợp đồng theo thời vụ mà kéo dài quá lâu. Có giáo viên đã trải qua cả thời thanh xuân trong sự chờ đợi, nhưng không có đợt thi tuyển dụng.

Theo ông Lê Hữu Mạnh, trong số 265 giáo viên, có khoảng 60 giáo viên môn ngữ văn. Đây là số giáo viên phải chờ hai thập kỉ không có chỉ tiêu để thi tuyển dụng.

265 giáo viên có nguy cơ mất việc vì vướng chính sách - Ảnh 2.

Ồng Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trao đổi với phóng viên chiều 27-3 - Ảnh: THÂN HOÀNG

Trao đổi về những vướng mắc trong chính sách dẫn tới tình trạng này, ông Lê Hữu Mạnh cho biết những năm 2013-2014 huyện đã rà soát và đề xuất xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng bậc mầm non.

Những giáo viên mầm non có thâm niên 3 năm trở nên được đặc cách tuyển dụng. Những giáo viên hợp đồng ở các bậc tiểu học, THCS thì chưa giải quyết được, vì thành phố không còn chủ trương xét đặc cách nữa.

Ông Mạnh cho biết, để đảm bảo cho giáo viên hợp đồng ở huyện yên tâm công tác, trong các năm qua, huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ để giáo viên hợp đồng có các chế độ như giáo viên biên chế (chỉ không có phụ cấp thâm niên)

"Chúng tôi không thể cắt hợp đồng với những giáo viên có cống hiến lâu năm, nên những năm qua đã chọn giải pháp tình thế để giải quyết dần số giáo viên hợp đồng trên bằng cách không xin hết chỉ tiêu tuyển đủ số giáo viên thiếu, mà cân đối để dành chỗ cho giáo viên hợp đồng đang làm việc. Ví dụ cần 10 giáo viên thì chỉ xin chỉ tiêu tuyển dụng 5, còn 5 thì để giáo viên hợp đồng. Hi vọng với cách đó, những giáo viên tới tuổi nghỉ hưu sẽ giải quyết dần" - ông Mạnh chia sẻ.

Ông cho rằng đã cố gắng hết mức để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng theo hướng nhân văn, nhưng theo quy định hiện nay không làm được như thế nữa.

Trong khi ngành giáo dục phải thực hiện yêu cầu giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách Nhà nước, Hà Nội vẫn thiếu 10.000 giáo viên và còn thiếu nhiều hơn khi số học sinh gia tăng.

Trong bối cảnh đó, theo ông Mạnh, yêu cầu của thành phố trong đợt tuyển dụng giáo viên sắp tới là các quận, huyện phải rà soát, thiếu bao nhiêu giáo viên phải thông báo để tuyển dụng thông qua thi tuyển, không được "trừ chỉ tiêu" để dành chỗ cho giáo viên hợp đồng như trước.

Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc có hướng nào giải quyết để hàng trăm giáo viên không bị gạt ra ngoài trường học, nơi họ gắn bó, cống hiến hàng chục năm, ông Lê Hữu Mạnh cho biết phải chờ sau đợt tuyển dụng, sẽ xem xét còn vị trí nào thiếu sẽ nhận giáo viên hợp đồng quay lại dạy, nếu họ còn nguyện vọng.

Nhưng trường hợp đó xảy ra, việc ký hợp đồng sẽ theo mức mới, không tiếp nối hợp đồng cũ và đương nhiên không duy trì được mức lương mà giáo viên đang nhận.

Hà Nội từng đã bối rối với trên 600 giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai nguy cơ mất việc, nay lại đến gần 300 giáo viên ở Sóc Sơn. Vấn đề bất cập lớn nhất vẫn là việc để tồn đọng kéo dài, việc giải quyết bài toán nhân sự cho ngành giáo dục không triệt để.

Việc làm cho lao động lớn tuổi mất việc Việc làm cho lao động lớn tuổi mất việc

Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu bổ sung thêm chính sách mới hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp (DN) để tạo việc làm cho lao động lớn tuổi.

VĨNH HÀ - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên