Toàn bộ nhà ở và trang trại cá nước lạnh của gia đình anh Dương Hải Long ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bị lũ cuốn trôi - Ảnh : CHÍ TUỆ
Ngày 26-6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thiệt hại sau mưa lũ và các biện pháp khẩn cấp cần triển khai để khắc phục hậu quả.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết đến sáng 26-6, đã có 15 người chết, trong đó có 12 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi ở Hà Giang và 3 người chết do sập nhà ở Lai Châu.
Hiện vẫn còn 11 người ở Lai Châu mất tích do lũ cuốn trôi.
Những ngày qua, các tỉnh miền núi phía Bắc phải hứng chịu những đợt mưa vô cùng lớn. Chỉ tính riêng từ 19h ngày 24-6 đến 19h ngày 25-6, khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa tại một số trạm đo được ở Lai Châu như Mường Tè 262mm, Sìn Hồ 165mm, Nà Hừ 175mm, còn ở Hà Giang cũng mưa tới 171mm.
Về tình hình lũ trên các sông, theo Ban chỉ đạo, hiện tại, mực nước lũ trên các sông đang xuống dần.
Tại sông Lô ở Hà Giang, mực nước đang xuống nhanh, còn mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đã đạt đỉnh ở mức 30,66m, dưới báo động 2 là 034m, và đang xuống chậm.
Tương tự, trên sông Đà, lưu lượng nước đến hồ Lai Châu đã đạt đỉnh ở mức 9.360m3/s và đang giảm.
Cơ quan chức năng dự báo mực nước trên sông Lô tại Hà Giang tiếp tục xuống. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái cũng đang xuống. Lưu lượng nước đến hồ Lai Châu đã giảm nhưng lưu lượng nước đến hồ Sơn La còn duy trì ở mức cao.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng báo cáo, trước tình hình mưa lũ, lượng nước về các hồ rất lớn, nhà máy thủy điện Lai Châu đã mở các cửa xả từ 14h ngày 25-6 và hiện nay nhà máy này vẫn duy trì 5 cửa xả mặt, đã đóng 1 cửa xả sâu lúc 5h ngày 26-6.
Tuy nhiên, đáng lo nhất, theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đó là nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét sau những trận mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ban chỉ đạo tiếp tục cảnh báo nguy cơ cao về xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở rất nhiều tỉnh vùng núi phía bắc, đặc biệt tại các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.
Không chỉ có mưa lớn ở các tỉnh vùng núi, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 26-6 qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu vẫn tiếp tục hình thành và phát triển mạnh trên khu vực Đông Bắc, tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang.
Tại những tỉnh thành này đã có mưa to, lượng mưa đo được trong 6 giờ qua (từ 1h30 đến 7h30 ngày 26-6) ở Quảng Hà (Hải Phòng) đã mưa tới 123mm, Tiên Yên (Quảng Ninh) mưa 91,3mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) mưa 52mm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh cáo trong những giờ tiếp theo, sạt lở đất, lũ quét có nguy cơ xảy ra ở các huyện Tiên Yên, Bình Liêu (Quảng Ninh); Mẫu Sơn, Lục Bình, Đình Lập (Lạng Sơn); và ngập úng tại thành phố Hải Phòng.
Trước tình hình mưa lũ, sạt lở đất, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu UBND các tỉnh, bộ ngành liên quan khẩn trương chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt hại, hỗ trợ lương thực, bố trí chỗ ở, không để người dân đói, khát.
Yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Công ty thủy điện trên lưu vực sông Hồng tăng cường quan trắc, theo dõi diễn biến mực nước, lưu lượng phía thượng nguồn để chủ động điều tiết vận hành đảm bảo theo quy trình được phê duyệt.
Mưa lũ làm thiệt hại 141 tỉ đồng
Cho đến ngày 26-6, theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất đã làm đổ, cuốn trôi 83 ngôi nhà ở Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Điện Biên.
Hiện số nhà còn bị ngập nước vẫn rất lớn, tới 962 nhà, trong đó tại Hà Giang có 897 nhà, Lào Cai 18 nhà, Điện Biên 62 nhà.
Mưa lũ cũng gây thiệt hại năng về nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, đã làm 1.207ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, trong đó Hà Giang là tỉnh có diện tích bị thiệt hại lớn nhất 620ha, Lai Châu 440ha, Lào Cai 108ha. Ước tính thiệt hại ban đầu tại các tỉnh đã lên tới 141 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận