GS Trịnh Hồng Sơn (phải) vừa rời khỏi máy bay mang theo thùng chứa tạng vừa nhận của người hiến tặng - Ảnh: H. HOA
GS.TS Trịnh Hồng Sơn (phó giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, kiêm giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia) đã có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực ghép tạng.
Theo ông, hơn 10 năm trước VN mới chỉ ghép được thận rồi ghép được gan, tim, và gần đây ghép được phổi, tiến tới có thể ghép tay, chân, ghép mặt, ruột, tử cung...
Những tiến bộ trong lĩnh vực này của y học Việt Nam đã mở ra một cánh cửa rộng trước mắt những người bệnh cần ghép tạng và các bộ phận khác của cơ thể...
Trả lời báo Tuổi Trẻ, GS Trịnh Hồng Sơn nói: Các bác sĩ Việt Nam học nhanh lắm, về kỹ thuật tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể ghép được nhiều loại mô tạng, cái khó nhất là mô tạng hiến thì năm năm trước đây không có ai đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời, còn giờ đây đã có hơn 13.000 người đăng ký.
26 năm thực hiện ghép tạng, so với chính bản thân mình thì Việt Nam đã có tiến bộ rõ rệt, nhưng so với quốc tế còn phải cố gắng nhiều. Vì thế giới có những trung tâm ghép đến hàng ngàn ca gan mỗi năm nhưng chúng ta chỉ đếm ở con số hàng chục.
Nhưng nếu so ở khu vực cũng chưa nhiều nước ghép được tim, gan, thận thường quy như ta. Điều đó cho thấy được nỗ lực của bác sĩ Việt Nam.
Ghép tạng là kỹ thuật mang lại nhiều cảm xúc, vừa đớn đau lại vừa hạnh phúc bởi có một người được cứu sống thì một người khác phải qua đời
GS TRỊNH HỒNG SƠN
* Điều cản trở lớn nhất khi các ông muốn tiến nhanh như thế giới trong phát triển kỹ thuật ghép tạng là gì, thưa ông?
- Cản trở lớn nhất là chưa có nhiều người sẵn sàng hiến tặng mô tạng sau khi chết não. Nếu có nguồn hiến tặng phong phú, số người được cứu sống càng nhiều vì ngày nào cũng có người cần ghép tạng được ghép và được sống.
Ghép tạng là kỹ thuật mang lại nhiều cảm xúc, vừa đớn đau lại vừa hạnh phúc bởi có một người được cứu sống thì một người khác phải qua đời. Nhưng như tôi đã nói thì chưa có nhiều người sẵn sàng thực hiện sự hi sinh quý giá ấy.
Nếu luật cho phép khi có người không may chết não, bệnh viện báo cho trung tâm điều phối để vận động thì sẽ có thêm những người được cứu từ sự ra đi này.
Khi gặp những người được cứu sống, tôi nhận thấy sự hân hoan, niềm hạnh phúc của họ, nhận thấy giá trị nhân văn của việc hiến ghép mô tạng.
Hiện đã có rất nhiều người nổi tiếng đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não.
* Các ông đang điều phối việc hiến ghép mô tạng ra sao?
- Hiện nay nhiều người bị bệnh gan, tim, thận, phổi... có chỉ định ghép tạng đã được đưa vào danh sách chờ ghép quốc gia. Khi có người hiến tặng mô tạng phù hợp các chỉ số với người chờ ghép, trung tâm sẽ kết nối để hiến và ghép mô tạng.
Đã có nhiều người được cứu sống, nhiều người bệnh đã khỏe lại nhờ tạng hiến, nhiều người được nhìn thấy nhờ giác mạc của người vừa ra đi. Và sự ra đi đó của họ đã không uổng phí.
* Khi tham gia ghép tạng và điều phối mô tạng, điều ông mong muốn nhất là gì?
- Tôi mong sẽ có thêm nhiều người được cứu, người dân không còn e ngại việc đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời.
26 năm qua, nhiều thế hệ thầy thuốc đã nối tiếp nhau hoàn thiện kỹ thuật ghép mô tạng ở VN, từ những ngày đầu tiên ghép thận, rồi năm 2004 ghép gan, 2010 ghép tim, 2017 ghép phổi từ người cho còn sống và vừa rồi là ghép phổi từ người cho chết não.
Trong tương lai gần, VN có thể còn ghép được chi thể, ruột, mặt, tử cung...
Hiện đã có những ca ghép gân, ghép ngón tay, ngón chân nên tôi đánh giá ghép chi thể không phải quá lo ngại về kỹ thuật, mà chúng ta chọn ghép trước tim, gan, thận vì nếu những cơ quan đó bị ảnh hưởng thì tính mạng người bệnh bị đe dọa.
Nhưng tới đây VN sẽ tiến hành thực nghiệm và ghép những cơ quan mà thế giới cũng đang làm, đem lại không chỉ tính mạng mà còn là thẩm mỹ, chất lượng sống cho bệnh nhân. Sự nhân văn của hiến, ghép mô tạng còn ở chỗ đó nữa.
* Ở thời điểm này ông thấy VN đang đứng ở đâu trong lĩnh vực ghép mô tạng?
- VN đi sau các nước phát triển nhiều năm về ghép mô tạng. Như GS người Đài Loan Chue Shue Lee đã nói khi đến hỗ trợ VN thực hiện những ca ghép thận đầu tiên, năm 1968 cuộc sống ở Đài Bắc còn rất khó khăn, họ cũng đã thực hiện ghép tạng.
Nhưng VN cũng đang tiếp cận dần và ở một số lĩnh vực chúng ta không thua kém quá xa. Ví dụ như VN đã thực hiện ghép tim thường quy nhưng Thái Lan chưa làm được.
Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho 18 cơ sở y tế thực hiện ghép tạng, trong số này có những trung tâm rất mạnh ở Hà Nội, Huế, TP.HCM với các bác sĩ giỏi chuyên môn và đang tận tâm cống hiến trong một lĩnh vực khó khăn, thách thức nhưng nhân văn.
Tôi rất có niềm tin vào các đồng nghiệp trẻ ấy.
* Điều gì làm ông thấy có ý nghĩa nhất trong những năm điều phối hiến ghép mô tạng?
- Đó chính là những người được cứu sống nhờ kỹ thuật này, nhiều người lắm, cũng như rất nhiều câu chuyện đẹp đẽ, cao thượng từ những người hiến tặng và người được ghép mô tạng.
Tôi thấy báo có dùng từ "quà tặng trái tim" rất hay - mang cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Hãy thử nghĩ xem vì sao người ta lại tặng nhau cả trái tim? Đó là tặng sự sống, tặng hạnh phúc và cả sự hi sinh.
Tôi thấy công việc điều phối hiến ghép mô tạng đáng quý hơn vì những giây phút đó...
Màn hình này báo hiệu trái tim của người hiến sống ở Thái Bình vừa đập trở lại trong lồng ngực một bệnh nhân tại Huế - Ảnh: TTHGMT cung cấp
Những chặng đường ghép tạng
Sau 26 năm tiến hành chương trình ghép mô tạng, VN đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép tim, gan, thận, ghép van tim, giác mạc, phổi và đang chuẩn bị tiến hành ghép ruột, chi, tử cung.
"VN đã khởi đầu chậm hơn các nước nhưng thời gian chuyển từ ghép thận sang ghép tim, phổi cũng mất 26 năm như nhiều nước phát triển" - ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng, cho biết.
Số người được ghép tạng trong những năm qua như sau: giai đoạn từ 1992-2012: 934 người, riêng năm 2013 có 232 người được ghép, 2014 có 282 người, 2015 là 296 người, 2016 là 448 người, 2017 là xấp xỉ 400 người.
Hiện đã có hàng chục bệnh viện lớn ở VN thực hiện được kỹ thuật ghép tạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận