01/09/2012 06:00 GMT+7

25 năm bán báo dạo

NGỌC HẬU - V.TR.
NGỌC HẬU - V.TR.

TT - Nhiều người dân thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) đã khá quen thuộc người đàn ông dáng nhỏ bé chạy chiếc xe gắn máy 50 phân khối màu xanh mỗi sáng đi giao báo từ khu chợ đông người đến các con hẻm. Họ thường gọi ông một cách thân mật là chú Lê Mai.

3KEb29D7.jpgPhóng to

Ông Lê Mai trên đường giao báo cho khách hàng - Ảnh: NGỌC HẬU

Thật ra đó là bút danh ông sử dụng khi viết cho báo Ấp Bắc mấy chục năm qua. Còn tên thật của ông là Lê Thiện Ngữ, ở ấp 1, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho.

Yêu nghề “lượm bạc cắc”

Ông làm nghề bán báo dạo từ 25 năm trước, là một trong số ít người bán báo dạo kiên trì và nổi tiếng tại thành phố có hơn 330 năm tuổi này. Ông bảo sở dĩ gắn bó với nghề “lượm bạc cắc” này lâu như vậy là vì ông yêu nó hơn bất cứ công việc nào khác. “Sáng sớm, dù gió mưa, bão bùng tui vẫn đội mưa mang tờ báo nóng hổi đến tận nhà bạn đọc. Nhìn họ vui mừng nhận tờ báo, tui thấy ấm áp vô cùng” - ông Lê Mai tâm sự.

Ở Mỹ Tho có rất nhiều sạp bán báo, ra đường là mua được báo nhưng có hơn 200 khách hàng thích nhận báo từ tay ông mỗi sáng, dù có trễ một chút. “Ông Lê Mai giao báo rất vui vẻ, lại nắm thông tin chắc nên có thể đứng lại bàn chuyện thời sự dăm ba phút cũng vui”-bà Lan, một người đặt báo Tuổi Trẻ dài hạn ở phường 1, nói. Cũng chính vì có nụ cười thường trực trên môi nên càng ngày khách hàng của ông càng nhiều, chủ yếu do người này giới thiệu cho người khác.

Nhiều khách hàng của ông Lê Mai chúng tôi gặp đều nói ông bán cao hơn giá bìa 200-300 đồng/tờ báo nhưng hoàn toàn xứng đáng. Đó là tiền xăng, tiền công ông mang báo đến tận nhà. Chưa hết, khi nhận báo từ đại lý cấp 1 hoặc bưu điện về, ông còn bỏ công sắp xếp rồi bấm lại ngay ngắn, các trang nội dung và quảng cáo nằm riêng biệt dễ theo dõi. Mặc dù bán báo dạo, không có sạp, không có cửa hàng nhưng ông vẫn vui vẻ giao báo hằng ngày, rồi đến cuối tuần, cuối tháng mới nhận tiền thanh toán từ khách hàng.

Nhiều người không thể ngờ nhiều năm qua ông già giao báo này vẫn đều đặn đến sân vận động Tiền Giang cuối tuần để theo dõi các trận thi đấu của đội tuyển Tiền Giang và viết tin, bài cho báo Ấp Bắc, báo SGGP, báo Thể Thao... Có lẽ ông Lê Mai là một trong số ít người am tường những bước thăng trầm của đội bóng đá Tiền Giang mấy chục năm qua. Ông cũng từng rơi nước mắt khi đội nhà rớt xuống hạng nhì cách đây vài năm. Buồn, nhưng ông vẫn gắn bó, theo dõi, ủng hộ, viết tin bài như một sự động viên đội bóng và thỏa ước mơ viết báo của mình.

Bán báo đến khi hết chạy nổi

Trong 25 năm bán báo dạo, ông Lê Mai đã gặp không biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười. Có những chuyện in sâu vào tiềm thức ông đến mức mỗi lần chạy xe giao báo qua khu vực đó là tự nhiên nó hiển hiện. Thế là ông bật cười một mình. Ông kể: có lần người chồng đặt báo nhưng khi ông giao báo thì lại gặp bà vợ. Bà này cương quyết không chịu nhận báo nên ông phải đem về. Trưa, ông chồng gọi điện phàn nàn bảo ông không uy tín, đặt báo rồi mà không giao. Thế là ông phải giải thích và bàn bạc với ông chồng biện pháp để có báo đọc mỗi sáng mà bà vợ không làm khó nữa. “Cũng có nhiều khách hàng mua báo Tuổi Trẻ và móc ra tờ giấy bạc 200.000 đồng bảo phải thối lại. Mới sáng bán có mấy tờ báo tui không có tiền thối, thế là họ bảo tui bán thiếu cho họ, hôm khác trả. Gặp trường hợp này, tui xử lý rất nhanh là đồng ý bán thiếu vì nếu không sẽ mất khách hàng” - ông nói.

Nhắc chuyện nghề bán báo dạo, ông Lê Mai bảo đây cũng là nghề làm dâu trăm họ, không khéo léo ăn nói, không chiều chuộng khách hàng thì khó mà giữ chân họ được. Nhiều khách hàng khó tính, bắt ông đứng hàng giờ chờ để “quyết toán” tiền báo cuối năm, ông vẫn kiên nhẫn chờ dù chỉ thu vài chục ngàn đồng. “Bán báo dạo hay ở chỗ là không lời bao nhiêu tiền nhưng hầu như khách hàng đều thanh toán đầy đủ, mình không lo mất mát, thâm hụt mà cũng không cần hóa đơn xanh, hóa đơn đỏ. Khách hàng của tui nhiều thành phần, làm nhiều nghề trong xã hội, nhưng có điểm chung là thích đọc báo giấy cho dù bây giờ Internet đã đến tận nông thôn” - ông Lê Mai tâm sự.

Ông Lê Mai nói trước đây ông làm cán bộ ở sở y tế, sau đó chuyển qua sở thể dục thể thao (cũ), rồi viết báo Tiền Giang, báo Ấp Bắc, cộng tác với một số tờ báo ở TP.HCM. Nhớ lại ngày quyết định bỏ nghề viết lách để sống bằng nghề bán báo dạo từ tháng 9-1987, ông tâm sự: “Bà xã ái ngại chuyện sĩ diện cho tui vì phải chạy rong quanh thành phố bán từng tờ báo kiếm sống cho gia đình. Tui cũng không khỏi chạnh lòng khi nghỉ việc để đi bán báo dạo. Nhưng nếu tiếp tục làm phóng viên của tờ báo tỉnh với đồng lương không đủ sống làm sao có thể đủ sức nuôi ba đứa con ăn học tới nơi tới chốn. Tui tự an ủi mình phải hi sinh đời cha, cứu đời con vậy. Nhưng sau đó tui lại đam mê cái nghề bán báo dạo này, bỏ không được”.

Đã trải qua 25 năm dài đeo đuổi nghề bán báo dạo nhưng ông Lê Mai vẫn chưa chịu nghỉ ngơi dù đã bước qua tuổi 64 - cái tuổi mà nhiều người đã nghỉ ngơi hưởng thụ cuộc sống từ lâu rồi. Hỏi vì sao, ông cười khà khà: “Với tui, hưởng thụ cuộc sống là đem báo đến tận tay người đọc, nhìn thấy họ cười vui vẻ khi đón nhận thông tin nóng hổi, được bàn chuyện thời sự với họ khi cầm tờ báo trên tay. Tui làm cho tới khi nào hết chạy xe nổi thì thôi. Nhưng lúc đó con tui sẽ nối nghiệp lượm bạc cắc của tui chứ không bỏ bạn đọc”.

NGỌC HẬU - V.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên