19/10/2018 09:47 GMT+7

1km bờ bao sông Sài Gòn, 5 điểm sạt lở đe dọa

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Người dân sống ở khu vực bên trong bờ bao sông Sài Gòn, đoạn qua xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn (TP.HCM) luôn thấy bất an khi đoạn bờ bao tại đây xuất hiện nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào bờ.

1km bờ bao sông Sài Gòn, 5 điểm sạt lở đe dọa - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng đóng cừ tràm gia cố một đoạn bờ bao bị sạt lở nguy hiểm tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) - Ảnh: LÊ PHAN

Theo ghi nhận, đoạn bờ bao dài khoảng 1km nhưng có đến 5 điểm sạt lở lớn nhỏ, nhiều đoạn ăn sâu vào bờ hơn 1m khiến đoạn đường có bề ngang khoảng 3m chỉ còn một nửa.

Ông Thành, người dân trong khu vực, bày tỏ sự bất an khi hơn 700 hộ dân bên trong bờ bao cùng tài sản có thể bị cuốn trôi nếu xảy ra sự cố vỡ bờ bao.

"Đang mùa mưa bão nên sự lo lắng của chúng tôi càng lớn. Nếu đoạn đê trên bị vỡ thì cả triệu khối nước ập vào, người dân sẽ trở tay không kịp. Lo nhất là đoạn đê này chưa được sửa chữa, nâng cấp", ông nói.

Theo ông Khưu Thành Khiêm - phó giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình (thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP), đoạn bờ bao qua địa bàn xã Nhị Bình thuộc dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ sông Vàm Thuật đến rạch Tra).

Dự án này đảm bảo an toàn cho 3.600ha đất đai, nhà cửa dọc bờ sông Sài Gòn thuộc hai quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn.

Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao lại cho đơn vị khai thác hay địa phương nên việc hư hỏng, xuống cấp phía ban vẫn đảm nhận sửa chữa.

Ban đầu, dự án chia thành các gói thầu nhỏ giao cho các nhà thầu xây dựng, khi có sự cố thì các nhà thầu có trách nhiệm bảo hành sửa chữa.

Thời gian đầu, khi có sự cố thì các nhà thầu còn sửa chữa, nhưng đến năm 2015 thì họ tránh né dần hoặc làm cho có.

Ngoài ra, một số nhà thầu đã giải tán nên việc huy động sửa chữa, gia cố đoạn đê bao gặp khó khăn. Do đó, ban đã kiến nghị bàn giao hiện trạng lại cho phía địa phương hoặc phía Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP để các đơn vị này xử lý kịp thời khi có sự cố.

Hiện tại, việc đo đạc, ghi nhận hiện trạng đã hoàn thành và đang chờ TP chủ trì cuộc họp với các đơn vị khai thác để bàn giao.

Nguyên nhân gây ra sạt lở là do thiết kế ban đầu của bờ bao chỉ dành cho người dân lưu thông và xe tải trọng dưới 1 tấn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông kéo theo các xe tải nhẹ, xe công nông chở vật liệu xây dựng qua lại khiến đường bị xuống cấp…

Trước mắt chỉ đóng cừ tràm gia cố

Theo ông Khưu Thành Khiêm, trong khi đợi bàn giao, phía đơn vị sẽ phối hợp với địa phương và các bên liên quan xử lý tạm, đóng cừ tràm gia cố các điểm sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

Về lâu dài, từ đầu năm nay ban đã trình lên Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP kế hoạch nâng cấp giai đoạn 2 cho toàn bộ dự án.

Theo đó, toàn bộ cửa cống sẽ được làm mới bằng thép không gỉ, mặt đê bao được nâng cấp trải nhựa, phía bờ sông sẽ được gia cố bằng cừ ứng lực.

Dự kiến dự án hoàn thành trong 2 năm nếu được phê duyệt.

Đưa dân khỏi vùng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long Đưa dân khỏi vùng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long Năm 2018 TP.HCM còn 35 điểm sạt lở nguy hiểm Năm 2018 TP.HCM còn 35 điểm sạt lở nguy hiểm Vướng đền bù, nhiều kè chống sạt lở thi công dang dở Vướng đền bù, nhiều kè chống sạt lở thi công dang dở
LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên