Phụ huynh, học sinh tìm hiểu thông tin ngành nghề, chương trình học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2018 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết mặc dù thời gian qua có những khó khăn nhất định nhưng báo Tuổi Trẻ vẫn tiếp tục theo đuổi tất cả những giá trị cốt lõi mà báo đã theo trong nhiều năm qua.
"Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là một trong những chương trình thực hiện mục tiêu hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho cộng đồng trong tương lai, chăm lo cho nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.
Đây là chương trình phi lợi nhuận, xuất phát từ trách nhiệm xã hội của những người làm báo Tuổi Trẻ TP.HCM trong suốt 16 năm qua" - ông Chữ nhấn mạnh.
Năm 2018, ở giai đoạn 1, báo Tuổi Trẻ đã thực hiện 15 chương trình tư vấn và 3 ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp; giai đoạn 2 tổ chức 2 ngày hội tư vấn xét tuyển.
Đánh giá kết quả chương trình năm 2018, ông Bùi Thanh, ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, nhận xét: "Chương trình có thêm sự đồng hành của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) với mục tiêu mang thêm thông tin tuyển sinh của các trường nghề, trường CĐ, định hướng học nghề cho học sinh. Nhu cầu tham gia các ngày hội của các trường ĐH, CĐ nước ngoài là khá lớn...".
ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cũng đánh giá chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 được tổ chức rất thành công.
"Việc bố trí gian tư vấn của các trường tại chương trình tư vấn ở các tỉnh vừa đáp ứng được nhu cầu quảng bá thông tin tuyển sinh của các trường, đồng thời thêm hình thức tư vấn cho thí sinh, thu hút sự quan tâm rất lớn của thí sinh" - ông Tuấn nói.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết ông đánh giá cao việc báo Tuổi Trẻ luôn đổi mới cả nội dung và hình thức tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp hằng năm.
"Chương trình không ngừng được mở rộng quy mô ra nhiều địa phương khác nhau, có sức lan tỏa sâu rộng nhờ tính thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt, báo còn tổ chức đưa đón học sinh ở vùng sâu vùng xa về dự tư vấn mang ý nghĩa nhân văn rất lớn" - ông Hùng đánh giá.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, với chương trình này, báo Tuổi Trẻ cần làm rõ nét hơn việc phân luồng học sinh sau THCS - THPT, giúp xã hội nhận thức ĐH không phải con đường duy nhất vào đời.
Hiện nay đang có rất nhiều trường nghề, trường trung cấp, CĐ và nhiều doanh nghiệp đang thiếu nguồn lao động có tay nghề. Ông Nhựt còn đánh giá cao chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp bởi chất lượng đội ngũ tư vấn.
"Khi ngồi vào ghế tư vấn, các chuyên gia "quên" quyền lợi của trường mình để mang thông tin đầy đủ nhất cho học sinh, sẵn sàng tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của học trò trong câu chuyện tuyển sinh và hướng nghiệp" - ông Nhựt nói.
Ông Nhựt đề nghị báo tăng cường tổ chức thêm nhiều hơn nữa chương trình tư vấn ở vùng sâu vùng xa, nơi học sinh còn thiếu thốn thông tin.
Ông Bùi Thanh cho biết năm 2019, chương trình sẽ được tiếp tục tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước, bắt đầu từ đầu tháng 1 đến tháng 7-2019.
Chương trình sẽ có 2 giai đoạn (trước và sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2019): tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp và tư vấn xét tuyển. Dự kiến có 15 chương trình tư vấn ở các tỉnh, thành trên khắp cả nước và 5 ngày hội lớn ở TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ.
"Năm 2019, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tiếp tục tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Đồng thời, chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý đào tạo và tuyển sinh Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, các trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ cùng các trường ĐH, CĐ, sở GD-ĐT, tỉnh thành đoàn các địa phương để tổ chức tốt nhất chương trình năm 2019" - ông Thanh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận