03/04/2019 09:38 GMT+7

13 tỉnh Miền Tây loay hoay thoát điểm nghẽn

K.TÂM - B.ĐẤU - K.NAM - C.QUỐC - T.TÚ
K.TÂM - B.ĐẤU - K.NAM - C.QUỐC - T.TÚ

TTO - Các tỉnh thành ĐBSCL thu ngân sách hằng năm khá thấp, phần lớn không đủ chi. Điều đó đặt ra những trăn trở nhằm có những giải pháp kéo miền Tây phát triển hơn.

13 tỉnh Miền Tây loay hoay thoát điểm nghẽn - Ảnh 1.

Đến nay toàn vùng ĐBSCL có chưa tới 60km đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, còn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dở dang - Ảnh: CHÍ QUỐC

Và đã có không ít địa phương bước đầu tìm ra hướng đi cho riêng mình.

"Chạy đầu trên xóm dưới"

Ông Trần Văn Chuyện, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết năm 2018 tỉnh thu ngân sách khoảng 3.700 tỉ đồng, trong khi chi gần 9.800 tỉ đồng, nên khoản "bội chi" do ngân sách trung ương hỗ trợ.

Theo ông Chuyện, mấy năm gần đây tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nhằm tăng nguồn thu nhưng "lực bất tòng tâm".

Ông Chuyện phân tích: tỉnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong khi đó hầu hết khoản phí, thuế liên quan sản xuất nông nghiệp đều được miễn. Ngay cả lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản vốn là thế mạnh của tỉnh cũng được miễn thuế và hoàn thuế.

Theo ông Chuyện, để có nguồn thu khác bù lại, Sóc Trăng đã "chạy đầu trên xóm dưới" để mời gọi nhà đầu tư nhưng "giao thông đi lại vất vả, mất nhiều thời gian, kéo theo chi phí tăng, khó cạnh tranh nên nhà đầu tư còn ngán ngại".

Tương tự, Tiền Giang là một trong những tỉnh có tỉ lệ thu ngân sách khá trong vùng khi năm 2018 thu gần 8.500 tỉ đồng nhưng cũng chưa bù được khoản chi ngân sách thường xuyên hằng năm vào khoảng 10.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Duy Toàn - giám đốc Sở Tài chính An Giang - cho biết năm 2018, tỉnh này thu ngân sách đạt 5.700 tỉ đồng, đứng thứ 7 trong vùng ĐBSCL.

13 tỉnh Miền Tây loay hoay thoát điểm nghẽn - Ảnh 2.

Đường cao tốc Trung Lương đang khai thác, trong khi đó tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) thi công rất chậm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tất cả là do giao thông còn kém

Theo ông Lê Văn Nưng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thời gian qua tỉnh đã tăng cường mời gọi các nhà đầu tư, tuy nhiên hạ tầng giao thông địa phương còn yếu kém nên khó mời gọi. "An Giang đất hẹp người đông mà cầu, đường chưa nâng cấp, mở rộng nên khó thu hút đầu tư, dù tỉnh đã mời gọi rất nhiều", ông Nưng nói.

Trong lúc chờ trung ương tháo điểm nghẽn là đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, trước mắt các địa phương trong vùng đã tự xoay xở để tìm giải pháp tăng nguồn thu.

Ông Lê Văn Nghĩa - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết tỉnh đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sớm chấp nhận cho địa phương tiếp nhận Khu công nghiệp dầu khí Xoài Rạp (xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) để phát triển công nghiệp về phía đông - nơi vốn có tiềm năng về kinh tế biển, sản xuất các sản phẩm nghề cá và dịch vụ dầu khí, cảng biển.

Nếu hoàn thành được hạ tầng Khu công nghiệp Xoài Rạp (gần 300ha), việc thu thêm cho ngân sách đạt 10.000 tỉ đồng/năm hoàn toàn có thể làm được.

Còn ông Trần Văn Chuyện cho biết sau hội nghị xúc tiến đầu tư giữa năm 2018, nhiều nhà đầu tư có năng lực đã và đang triển khai một số dự án lớn tại Sóc Trăng.

Trong đó có nhiều dự án lớn sắp khởi công và khi các dự án nhiệt điện, điện gió, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao đi vào hoạt động, trong tương lai gần Sóc Trăng phấn đấu sẽ tự cân đối ngân sách.

"Nhận hỗ trợ nhưng chúng tôi ray rứt, luôn nỗ lực tìm cách để làm sao thu đủ chi, như vậy mới vui trọn vẹn", ông Chuyện chia sẻ.

Tuy nhiên, để ĐBSCL phát triển và thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, theo ông Chuyện, vấn đề sống còn, không cách nào khác là phải tháo điểm nghẽn bằng cách đầu tư hạ tầng giao thông cho toàn khu vực.

13 tỉnh Miền Tây loay hoay thoát điểm nghẽn - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Kinh tế xanh, sạch

Trong bối cảnh khó khăn chung cũng đã có những địa phương bước đầu tìm ra hướng đi riêng. Bạc Liêu là tỉnh không nằm trong "top" thu ngân sách nhiều, nhưng lại là điển hình trong chuyển dịch từ nông nghiệp sang các lĩnh vực thương mại, dịch vụ hoặc nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bạc Liêu, năm 2018, lần đầu tiên tỉnh đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 8,3% (đứng thứ 3 ĐBSCL).

Phân tích về sự chuyển dịch có tính "lịch sử" trên, ông Dương Thành Trung - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết tỉnh đã xác định phát triển dựa trên 5 trụ cột gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo; du lịch; thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao và kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng và an ninh.

"Chúng tôi xác định đường hướng phát triển rõ ràng, đầy đủ, từ đó dồn sức vào làm. Xác định trụ cột là cách làm mới của tỉnh. Thực tế cho thấy việc xác định như vậy là đúng, đầu tư có hiệu quả", ông Trung nói.

Ngoài ra, ông Trung cho biết tỉnh đã xây dựng hình ảnh của mình thông qua việc mạnh dạn rút dự án nhiệt điện Cái Cùng khỏi quy hoạch điện VII.

Đây cũng chính là "cú hích", thuyết phục các nhà đầu tư. Bởi tỉnh muốn tạo ra sự khác biệt, một hình ảnh mới là hướng tới đầu tư xanh, sạch.

"Lúc đó Ban thường vụ phải họp 2 - 3 phiên và nhận thấy nếu đầu tư nhiệt điện như ở các tỉnh bạn thì tăng trưởng sẽ tăng, tạo ra công ăn việc làm và đặc biệt là làm ngân sách địa phương vọt lên.

Thế nhưng cuối cùng Ban thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định rút dự án để tạo sự khác biệt, giữ môi trường đầu tư sạch và chọn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để kêu gọi đầu tư.

Sau khi rút dự án nhiệt điện đã tạo hiệu ứng vì có quy hoạch rồi, nên các nhà đầu tư năng lượng gió, năng lượng mặt trời tìm đến đầu tư", ông Trung chia sẻ thêm.

Cũng từ yếu tố "kinh tế xanh, sạch" trên, ông Trung cho biết sau hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức năm 2018, đến nay tỉnh đã đón hơn 200 lượt nhà đầu tư và kết quả các nhà đầu tư lớn như Vingroup, FLC, Trường Hải, Him Lam, Nguyễn Hoàng, Centralgroup... đã có dự án trên địa bàn tỉnh.

* TS Lê Anh Tuấn (Trường đại học Cần Thơ):

Nên "thuận thiên", đừng bất chấp

TS Lê Anh Tuấn

TS Lê Anh Tuấn (Trường đại học Cần Thơ)

Tôi thấy việc kêu gọi đầu tư các địa phương nên dựa vào nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Tức là làm cái gì nên "thuận thiên", không kêu gọi đầu tư theo kiểu bất chấp để phải trả giá nặng nề.

Đó là kêu gọi đầu tư những lĩnh vực có thể làm gia tăng giá trị nông sản hoặc phát huy thế mạnh của địa phương mình, đừng chỉ nghĩ phải phát triển khu công nghiệp mới tăng đầu tư và tăng thu ngân sách.

Năng lượng tái tạo là lĩnh vực cần được ưu tiên kêu gọi đầu tư, bởi nó vừa giúp địa phương tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, lại không tác động lớn đến môi trường.

C.QUỐC ghi


* Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung:

Đề nghị sớm hỗ trợ hạ tầng giao thông cho ĐBSCL

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung

Hôm mùng 6 tết tôi đi công tác, sáng sớm đã thấy đoàn người đi như kiến trên xe hai bánh từ các tỉnh về TP.HCM.

Khi tôi trở về, 14h, kẹt xe kinh khủng từ cầu Mỹ Thuận kéo dài muốn tới cầu Cần Thơ.

Đường bộ đã vậy, còn đường thủy chỉ có duy nhất hướng ra biển là luồng sông Hậu.

Bao nhiêu năm nay Chính phủ tích cực làm để mở kênh Quan Chánh Bố.

Hiện các cảng Tân Cảng, Cái Cui đều có rồi, nhưng tàu lớn không vô được vì còn ách tắc khoảng 3,5km nữa mới thông luồng.

Vì vậy hàng xuất khẩu phải vận chuyển đi Cát Lái tốn kém thêm chi phí...

Tôi đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT cần sớm hỗ trợ ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông để thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho vùng phát triển trong thời gian tới.

* TS Võ Hùng Dũng (nguyên giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh TP Cần Thơ):

Hạ tầng cần "đại nhảy vọt"

TS Võ Hùng Dũng

TS Võ Hùng Dũng (nguyên giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh TP Cần Thơ)

Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định 99 về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm (1996 - 2000) đối với việc xây dựng thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL.

Từ đó đã tạo bước phát triển "đại nhảy vọt" với hàng loạt công trình hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ theo quyết định 99 tại khu vực này.

Và bây giờ cũng cần một quyết định như vậy cho hạ tầng giao thông ĐBSCL.

Rõ ràng câu chuyện giao thông yếu kém cản trở quá trình phát triển, môi trường đầu tư là có thật.

Tôi lấy ví dụ cầu Cao Lãnh đã hoàn thành và sắp tới cầu Vàm Cống cũng xây xong và sẽ mang lại gì cho Đồng Tháp và các tỉnh.

Và hai cầu đó xong rồi thì đi đâu? Chỉ thấy làm xong rồi thì đụng quốc lộ 30 còn "tí tẹo" và trở thành nút thắt cổ chai mới.

Lẽ ra cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn khi có những công trình này thì trước đó cần hoạch định tuyến N2 qua Đồng Tháp Mười rồi qua cầu Cao Lãnh, Vàm Cống xuống khu Tứ giác Long Xuyên, xuống Kiên Giang với những khu dịch vụ, khu nông nghiệp và khu logistics kèm theo mới khai thác được lợi thế hai cây cầu này.

Nếu địa phương không đề nghị thì trung ương phải làm và ngược lại, nhưng cả hai không "để ý" nên có cầu xong rồi mà đường kết nối chưa có.

Do đó, cần có một "nghị quyết" kiểu như quyết định 99 trước đây để giải quyết "ách tắc" hạ tầng giao thông ĐBSCL.

Bởi có đầu tư hạ tầng mới cụ thể hóa nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017 về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

TR.DŨNG - C.QUỐC ghi

* Ông Hồ Minh Phương (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương):

Bình Dương tự làm đường để hút đầu tư

khu công nghiệp bình dương

Bình Dương chủ động vận dụng cơ chế xây dựng hạ tầng để phát triển chứ không “ngồi chờ”. Trong ảnh: đường vào một khu công nghiệp tại thị xã Thuận An - Ảnh: B.S.

Cách nay hơn 20 năm (năm 1997, Bình Dương và Bình Phước tách ra từ Sông Bé) tỉnh Bình Dương vẫn còn là tỉnh nông nghiệp. Bắt đầu từ việc thu hút những khu công nghiệp đầu tiên, trong đó có Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 1).

Khi đó, tỉnh Bình Dương xin cơ chế để tự đầu tư mở rộng quốc lộ 13 kết nối với TP.HCM, thay vì ngồi chờ trung ương rót vốn.

Ông Hồ Minh Phương

Ông Hồ Minh Phương (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)

Tới nay, toàn tỉnh đã có khoảng 30 khu công nghiệp với hệ thống hạ tầng tốt.

Đáng lưu ý, khi tổng kết 20 năm phát triển của Bình Dương (1997 - 2017), các nhà phân tích nhận thấy điều ngạc nhiên là mặc dù đường sá của Bình Dương rất phát triển nhưng đều do tỉnh này vận dụng cơ chế để tự đầu tư, chứ không "xin" ngân sách trung ương đầu tư tuyến đường nào.

Ngoài ra để nuôi dưỡng nguồn thu, tỉnh Bình Dương không "ăn xổi ở thì" mà một mặt đồng hành với nhà đầu tư, mặt khác quan tâm tới hạ tầng xã hội, chính sách an sinh xã hội vì người lao động.

Bình Dương là một ví dụ hiếm hoi xây dựng được hàng chục ngàn nhà ở xã hội giá rẻ cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Về đào tạo, ngay từ khi mở những khu công nghiệp đầu tiên, Bình Dương đã chú trọng mở các trường nghề, trường đại học... để cung cấp nguồn nhân lực được đào tạo cho các nhà máy.

Trong giai đoạn sắp tới, để tiếp tục thu hút đầu tư trong bối cảnh ngày càng nhiều sự cạnh tranh, tỉnh Bình Dương thực hiện đề án "thành phố thông minh" với mục tiêu thu hút sự tham gia, phối hợp của nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp nhằm có những giải pháp đột phá tăng năng suất lao động, có nhiều tiện ích tốt hơn phục vụ đời sống người dân...

Năm 2018, Bình Dương có tổng thu ngân sách gần 50.400 tỉ đồng, trong đó thu từ xuất khẩu hơn 15.000 tỉ đồng. Bình Dương là một trong số ít tỉnh "xuất siêu" với kim ngạch xuất khẩu đạt 25,2 tỉ USD/năm; có hơn 3.500 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 32,3 tỉ USD (đứng thứ ba cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội).

BÁ SƠN ghi

K.TÂM - B.ĐẤU - K.NAM - C.QUỐC - T.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên