23/10/2018 07:19 GMT+7

1001 chuyện rắc rối của xe ôm công nghệ

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Song song với tốc độ phát triển chóng mặt, các dịch vụ xe ôm công nghệ đang đối mặt với bài toán quản lý con người khi hàng loạt vụ quấy rối tình dục, tấn công và thậm chí giết người đã xảy ra. Báo This Week in Asia ghi nhận.

1001 chuyện rắc rối của xe ôm công nghệ - Ảnh 1.

Một phụ nữ dùng dịch vụ xe ôm Go-jek ở Indonesia - Ảnh: REUTERS

Câu chuyện thứ nhất

Một buổi tối đầu tháng 8, Riri Asria bị hấp dẫn bởi chuyến xe ôm giá 1 rupiah (1,53 đồng) khuyến mãi bởi công ty Grab, cô cài phần mềm và đặt chuyến xe đầu tiên với dịch vụ này.

Hôm đó Riri muốn đi đến nhà một người họ hàng ở thành phố Jakarta, hành trình kéo dài chưa đến 30 phút. Cô gái 25 tuổi mới ra trường bắt chuyện với người tài xế để bớt căng thẳng khi phải đi một mình với người lạ vào lúc 10h đêm.

Người tài xế hào hứng trả lời, thậm chí khơi thêm vài chuyện phiếm và hỏi khách những câu xã giao, chẳng hạn "nhà cô ở đâu".

Vài ngày sau, Riri nhận được một email từ Grab nói rằng cô bỏ quên một món đồ trên xe và hãy gọi người tài xế để nhận lại. Bối rối, cô gọi số điện thoại để biết mình đã quên món đồ gì.

"Người tài xế cười to khi tôi gọi anh ta, tôi cảm thấy kỳ quặc nên gác máy. Sau đó anh ta nhắn tin cho tôi trên WhatsApp, gửi yêu cầu kết bạn trên Facebook và theo dõi tôi trên Instagram. Tôi thấy sợ nên chặn tài khoản anh ta" - khách hàng Riri kể lại.

Sau đó cô gửi khiếu nại đến công ty Grab, nhưng không nhận được lời hồi đáp. Tuy nhiên cô không theo đuổi vụ việc này vì người tài xế đã ngưng làm phiền.

1001 chuyện rắc rối của xe ôm công nghệ - Ảnh 2.

Trung tâm tài xế của Grab ở Singapore - Ảnh: REUTERS

Câu chuyện thứ hai

Ở thành phố Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java, cô Silvana Marsha Fauza nhận được một đề nghị hẹn hò ngẫu hứng từ anh chàng chạy xe Grab, người đã chở cô đến ga xe lửa hồi đầu tháng 10 này.

"Đầu tiên anh ta hỏi tôi giờ tàu chạy, tôi nghĩ điều đó cũng bình thường, cho đến khi anh ta mời tôi đi ăn chung trong lúc đợi tàu - cô sinh viên 22 tuổi nhớ lại - Khi tôi từ chối thì anh ta bực bội và bắt đầu nói những câu như ‘Tại sao em lại khó khăn như vậy, nó chỉ mất 10 phút thôi mà?’".

Anh chàng xấu tính sau đó thả cô gái xuống cách ga tàu 400m, viện lý do kẹt xe, mặc cho Fauza phải chật vật bưng bê nhiều hành lý.

Giai thoại về các anh tài xế xe ôm ve vãn khách trở nên phổ biến ở Indonesia sau khi xe ôm công nghệ bùng nổ hồi năm 2015, bắt đầu với thương hiệu nội địa Go-jek, tiếp theo là công ty Grab có trụ sở tại Singapore.

Thái độ khiếm nhã của một bộ phận tài xế trở thành mối quan tâm của dư luận do nó dần dà biến tướng thành hành vi quấy rối tình dục, tấn công và thậm chí là giết người.

Hồi tháng 3, một phụ nữ ở thành phố Bogor bị 2 gã đàn ông sát hại sau một chuyến đi Grabcar. Hai kẻ thủ ác trói cô lại và đòi 10 triệu rupiah (1315 USD) mới chịu thả. 

Sau khi phát hiện tài khoản ngân hàng của nạn nhân trống rỗng, chúng thủ tiêu cô. Hai tên này hiện đang bóc lịch trong tù.

1001 chuyện rắc rối của xe ôm công nghệ - Ảnh 3.

Hãng Go-jek của Indonesia là đối thủ chính của Grab ở Đông Nam Á - Ảnh: AP

Phát triển nhanh nhưng bất lực trong quản lý

Hiện nay, thị trường xe ôm công nghệ ở Đông Nam Á nổi bật nhất là hai thương hiệu Grab và Go-jek.

Go-jek gần đây đã xuất hiện ở Việt Nam, Thái Lan, và đang lên kế hoạch cạnh tranh với Grab ở Singapore và Philippines. Ngược lại, Grab cũng giành giật thị phần với đối thủ Go-jek ở Indonesia.

Tuy nhiên, giá rẻ và khuyến mãi khủng khó lòng cải thiện hình ảnh của các công ty này nếu các vụ quấy rối cứ tiếp diễn, tiêu biểu là vụ lùm xùm ở Indonesia mới tuần trước.

Một nữ hành khách tố bị tay tài xế Grabcar "cưỡng hôn", và cô không dám phản ứng vì "sợ bị giết". Câu chuyện này được kể lại trên một tài khoản Instagram và lan truyền nhanh trên mạng xã hội Twitter.

Cũng theo nạn nhân, tay tài xế sau đó ép cô phải chấm điểm 5 sao cho hắn (!). Vụ này khiến Grab "ăn đòn" nặng vì nhiều phụ nữ bắt đầu lên tiếng tố các vụ quấy rối khác có liên quan đến tài xế Grab.

Phản ứng của Grab càng khiến sự việc tệ hơn. Công ty này nói họ đã cố gắng đứng ra hòa giải giữa tài xế và nữ hành khách, tuy nhiên nạn nhân đã từ chối gặp kẻ quấy rối mình. Thái độ "đổ lỗi nạn nhân" trong phát ngôn của Grab gây ra một làn sóng giận dữ đòi tẩy chay thương hiệu này ở Indonesia.

"Nhiều nạn nhân sợ hãi phải lên tiếng hoặc nhờ sự giúp đỡ. Cần phải có sự trợ giúp đặc biệt cho họ, chẳng hạn các bên thứ ba để lắng nghe và thông báo sự việc cho các nhóm liên quan" – bà Mariana Amiruddin, thành viên Ủy ban quốc gia Chống bạo hành phụ nữ Indonesia, bình luận trong cuộc tiếp xúc với đại diện của Grab.

Hiện Grab và Go-jek đã bổ sung tính năng thông báo khẩn về các trường hợp quấy rối của tài xế vào phần mềm, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được liệu chừng ấy biện pháp có đủ làm yên lòng khách hàng không, đặc biệt là cánh chị em phụ nữ.

"Tôi hoang mang sau những gì xảy ra hôm đó, có lẽ từ nay tôi sẽ chụp màn hình tên người tài xế gửi cho cha để đề phòng" - cô Riri Asria giãi bày.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên