10/03/2016 08:46 GMT+7

1.000 độ hót: chất lượng kém, dễ dãi vẫn được lên sóng?

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - 1.000 độ hót - chương trình hài dành cho các nhóm hài trẻ lên sóng lúc 21g thứ bảy, chủ nhật trên HTV7 từ ngày 13-2.

Nhiều cảnh giả gái trong các tiết mục của 1.000 độ hót. Trong ảnh: tiểu phẩm Yêu là phải nói - Ảnh: Đông Tây
Nhiều cảnh giả gái trong các tiết mục của 1.000 độ hót. Trong ảnh: tiểu phẩm Yêu là phải nói - Ảnh: Đông Tây

 

Trong số gần 20 tiểu phẩm được phát sóng trong tám tập vừa qua, cũng có vài tiểu phẩm tạo được sự chú ý như Ma đinh (nhóm Lâm Vỹ Dạ) khá vui nói về hai đứa trẻ đi rải đinh gặp phải “ma”, Đêm giao thừa của nhóm Quách Ngọc Tuyên (có tứ giống một tiểu phẩm hài từng phát sóng trên truyền hình) kể câu chuyện khá cảm động về người đàn ông đi ăn trộm và nhận được tình thương của chủ nhà...

Tuy nhiên, những tiểu phẩm vui có ý nghĩa còn quá ít, các tiết mục còn lại đều có vấn đề: kịch bản nhạt, câu chuyện cũ kỹ, diễn viên thiếu sự đầu tư. Vì thế, một số nhóm hài đã tạo tiếng cười bằng cách... nói thật nhiều, “chiêu” giả gái cũng được tận dụng triệt để.

Cụ thể như cả hai tiểu phẩm hài trong tập 8 đều có màn giả gái. Yêu là phải nói kể câu chuyện chàng trai bán báo dạo không dám tỏ tình với cô bạn bán vé số. Vì thế cô nàng này phải cùng với chị mình dùng nhiều chiêu để buộc anh ta nói tiếng yêu.

Chỉ có ba diễn viên trong tiểu phẩm này thì hai nhân vật đã giả gái. Trong Mẹ ơi con có bầu, vai người mẹ cũng do một diễn viên nam thủ diễn.

1.000 độ hót ít có vở hay. - Ảnh: Đông Tây

Vở Khát vọng thượng lưu ở tập 7, hai diễn viên nam hóa trang thành cô gái đại diện cho phụ nữ châu Âu và phụ nữ Việt đến châu Phi tự ứng cử làm nữ tướng.

Lối diễn “cương” với những cái lắc hông, liếc mắt sắc lẹm, khuôn mặt lúc nào cũng hùng hổ... của hai “cô” này trông phản cảm, dù câu chuyện cũng đá xoáy được vấn đề về thi hoa hậu.

Còn vở hài Tứ hành xung ở tập 3, các nghệ sĩ vào vai rắn, khỉ, hổ, heo... cứ nói qua nói lại vòng vòng. Nghe mà không nhức đầu cũng lạ!

Nhiều khán giả xem qua Youtube cũng bày tỏ sự không hài lòng. Khoa Duy 1402 nhận xét: “Mấy nhóm hài này viết kịch bản không hay, coi từ đầu đến đuôi không có mảng miếng hài nào cả”.

Còn Ngoc Shinshin cho rằng: “Ban biên tập chương trình nên coi lại kịch bản của các nhóm, để mọi người được thưởng thức chất lượng hơn...”.

Nguyễn Thu xem xong chương trình thì thẳng thắn: “Chẳng có gì gọi là hót”. Và câu hỏi đặt ra: Vì sao một số chương trình có chất lượng kém như vậy vẫn được dễ dãi lên sóng?

Nhìn ở góc độ khác, 1.000 độ hót dù không tạo được sức “nóng” như tên gọi nhưng chương trình này nói lên được nhiều điều về những bất cập của làng hài hiện nay: các nhóm hài trẻ đang thiếu sự đầu tư có chiều sâu để phát triển nghề, khâu kịch bản của các chương trình hài không được chú trọng, khan hiếm những kịch bản hay.

Đây có phải là lý do khiến các chương trình hài hiện nay cứ phải “bám víu” vào những gương mặt diễn viên hài đang ăn khách như Hoài Linh, Trấn Thành, Chí Tài, Trường Giang, Việt Hương... để thu hút khán giả?

Nhưng sự “bám víu” này liệu còn được bao lâu khi bản thân nhiều danh hài cũng đang dần cũ mòn?

Cũng giống 1.000 độ hót, Cười xuyên Việt - Tiếu lâm nhạc hội là sân chơi dành cho các nhóm hài trẻ do Đài THVL và Công ty Khang Media phối hợp tổ chức. Cười xuyên Việt từng có hai mùa giải dành cho người thường và nghệ sĩ nhưng chương trình cũng nhàn nhạt, chưa gây được sự chú ý.

Với mùa giải thứ 3 này (phát sóng lúc 21g thứ năm hằng tuần trên kênh THVL1, bắt đầu từ ngày 17-3), ban tổ chức kỳ vọng sẽ tạo nên những khác biệt với các đội, nhóm hài nhờ vào sức mạnh tập thể của nhóm.

Năm nhóm kịch được chọn vào chung kết sẽ phải trải qua 12 đêm thi với sự chứng kiến của khán giả, ban giám khảo chuyên môn (NSƯT Kim Xuân, nghệ sĩ Thanh Thủy và nghệ sĩ Minh Nhí) cùng các giám khảo khách mời.

Q.N.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên