17/03/2015 11:03 GMT+7

​“100 bước chân” và một cảm hứng đẹp

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH
TRẦN THỊ HỒNG HẠNH

TT - Đó không phải là một bộ phim về đầu bếp hay ẩm thực, mà là một bộ phim dành cho những ai yêu nấu nướng và yêu văn hóa trong ẩm thực.

Cảnh trong phim Hành trình 100 bước chân - Ảnh: imdb

Hành trình 100 bước chân (The hundred-foot journey) mở ra bằng cảnh một phiên chợ nhỏ nhưng đầy sắc màu ở một vùng biển của Ấn Độ. Trong phiên chợ đó, có người mẹ dẫn đứa trẻ đi mua nhum biển tươi và gặp một ông già bán nhum biển rất cá tính: không bán món hàng cho ai không biết thưởng thức.

Cậu bé Hassan đã có được “tấm giấy chứng nhận” đầu tiên - bởi một người bán hàng vì sự thấu hiểu tinh tế nguyên liệu thực phẩm.

Một sự cố xảy đến, ông bố thô kệch, thực dụng và có phần cực đoan của cậu đưa cả gia đình đến Pháp. Dọc đường đi, chiếc xe thổ tả chở gia đình cậu bị hư thắng, suýt nữa thì cả nhà lên thiên đường.

Nhưng ông bố thô kệch hóa ra lại là người lãng mạn hơn cả. Ông cho rằng việc hỏng xe ấy là do mẹ Hassan ở thiên đường muốn họ dừng lại ở đây - vùng Saint-Antonin-Noble-Val, miền nam nước Pháp.

Hẳn nhiên, dừng lại thì phải mưu sinh. Và với một ông bố có đứa con nấu ăn rất giỏi thì việc mở một nhà hàng Ấn Độ y hệt như nhà hàng của mình từng có ở Ấn là việc đương nhiên. Ông tin với một niềm tin có phần ngây thơ - là sẽ dạy cho người Pháp biết rằng ẩm thực Ấn không chỉ có cà ri!

Thế là một “nhà hàng” Ấn Độ mọc lên bên này đường, trong khi bên kia đã có sẵn một nhà hàng Pháp sang trọng - nơi ăn tối của những quý tộc thượng lưu và giới cầm quyền trong vùng. Thế là, dĩ nhiên một “cuộc chiến” nổ ra với đủ “miếng”, đủ “trò” triệt hạ đối phương cho đến khi hai bên hiểu ra và tiến đến hòa hợp.

Với một câu chuyện đơn giản như vậy, điều gì đã khiến kịch bản Hành trình 100 bước chân thu hút được sự chú ý của đạo diễn phim Chocolate - Lasse Hallström và của những nhà sản xuất như ông trùm Hollywood Steven Spielberg, nữ hoàng truyền thông nước Mỹ Oprah Winfrey cùng những người đại diện hãng phim hoạt hình số 1 thế giới Walt Disney?

Chắc chắn phải có thứ gì đó hút hồn họ trong câu chuyện này! Và những thứ ấy, hóa ra chính là những phút im lặng giữa các nhân vật.

Đó là khi bà chủ nhà hàng Pháp đổ phắt món bồ câu và nấm truffle tuyệt vời của thằng nhãi ranh Ấn Độ vào thùng rác rồi quay đi sau một lời phỉ báng mà tận sâu trong lòng, bà thầm khâm phục nó.

Đó là khi, cũng bà chủ kiêu kỳ ấy, đội mưa, cọ rửa “bức tường ô nhục” do bếp trưởng của bà cùng lòng yêu nước cực đoan của anh ta gây ra, và cũng trong cơn mưa ấy, người đàn ông Ấn Độ - kẻ thù kinh doanh của bà, đã che dù cho bà...

Đó cũng là khoảng lặng của anh đầu bếp trẻ, một mình nơi kinh đô ánh sáng, lặng lẽ nhìn không gian nấu nướng hiện đại quanh mình và cảm thấy cái lạnh từ đâu ập về... để rồi anh có một quyết định - cần - phải - có...

Đó cũng là những sắc màu nổi bật trong con người và ẩm thực dân dã Ấn Độ. Đó cũng là một miền nam nước Pháp với cảnh sắc thơ mộng làm con người muốn tan chảy cùng thiên nhiên... Và dĩ nhiên, không thể thiếu một chút tình yêu đôi lứa làm gia vị của bộ phim thêm đậm đà...

Nhưng quan trọng hơn hết, đó chính những cuộc giao tiếp vô ngôn của các giác quan và sợi dây nối vô hình của mạch cảm xúc ấy đã làm nên sức hấp dẫn kỳ diệu cho bộ phim.

Không thể không có chút thán phục các nhà làm phim người Mỹ khi họ đã làm cho khán giả yêu văn hóa Pháp và Ấn Độ trong một bộ phim của “mình” - của Hollywood.

Cái cách mà họ ca ngợi phẩm giá con người, ca ngợi sự kiêu hãnh, sự tinh tế và những giá trị khác của con người đã làm cho khán giả được truyền cảm hứng sống tử tế - cảm hứng nỗ lực để chinh phục những đỉnh cao và quan trọng nhất, là cảm hứng vượt qua những mâu thuẫn, khác biệt để chấp nhận người khác giỏi hơn mình.

Với những ai còn chất trẻ thơ trong tâm hồn và niềm tin vào những điều tốt đẹp, Hành trình 100 bước chân xứng đáng có mặt trên kệ đĩa phim và xem đi xem lại nhiều lần.

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên