Thời khắc sống còn của năng lượng tái tạo

ANH NGUYỄN 25/12/2023 13:53 GMT+7

TTCT - Những nỗ lực chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng xanh đang đứng trước nhiều thách thức.

Vài năm trước, năng lượng tái tạo dường như sống trong kỷ nguyên vàng. Lãi suất xuống đáy giúp giảm chi phí năng lượng sạch - vốn đầu tư ban đầu tốn kém nhưng coi như không tốn nguyên liệu vận hành (do chạy bằng năng lượng mặt trời và gió). Giá tấm pin mặt trời và tuốc bin gió cũng giảm khi công nghệ phát triển, còn các nhà sản xuất đạt được quy mô lớn hơn.

Ảnh: Microsoft News

Ảnh: Microsoft News

Những thay đổi này giúp chi phí năng lượng quy đổi (LCOE) - giá đơn vị điện tính trên vốn cùng chi phí vận hành - của điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt giảm 87%, 64% và 55% trong giai đoạn 2010-2020. Năng lượng sạch có thể cạnh tranh với năng lượng truyền thống và được các tập đoàn lớn mua với số lượng cực nhiều.

Kỷ nguyên vàng ngắn ngủi

Các nhà đầu tư hạ tầng lớn như Brookfield và Macquarie đã đầu tư nhiều vào năng lượng tái tạo. Một số tập đoàn nhiên liệu hóa thạch như BP cũng bỏ tiền, cùng các công ty điện như EDP (Bồ Đào Nha), Iberdrola (Tây Ban Nha) ở châu Âu và AES và NextEra ở Mỹ. 

Tỉ suất lợi nhuận tăng từ 3% năm 2015 lên 6% năm 2019 - tương đương với khai thác dầu khí nhưng ít rủi ro hơn. Triển vọng của ngành giai đoạn đó quá hấp dẫn nên tháng 10-2020, giá trị vốn hóa thị trường của NextEra có thời gian ngắn còn lớn hơn quy mô của Tập đoàn dầu mỏ ExxonMobil.

Nhưng lúc này triển vọng đã xấu đi nhiều, theo The Economist. Hai năm rồi, kinh tế năng lượng tái tạo bị tác động mạnh bởi lãi suất tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn xin giấy phép và chính sách bảo hộ tăng dần ở phương Tây. Các cổ phiếu "xanh" từng có lợi về giá giờ đang giảm giá. 

Chỉ số chứng khoán S&P về năng lượng sạch đã giảm 32% trong 12 tháng qua dù thị trường chứng khoán thế giới tăng 11%. AES mất 1/3 giá trị vốn hóa. NextEra giờ chỉ còn tương đương xấp xỉ 1/3 giá trị vốn hóa của ExxonMobil (có giá trị tăng mạnh nhờ giá dầu cao). Các nhà sản xuất tuốc bin từ giai đoạn lãi lớn cũng đang chuyển sang thua lỗ.

Đây là vấn đề không chỉ với các công ty năng lượng tái tạo và cổ đông. Tại hội nghị COP28 đầu tháng này, 118 nước cam kết tăng sản lượng năng lượng tái tạo lên 11.000GW vào năm 2030 so với 3.400GW năm ngoái. 

Điều này đòi hỏi mỗi năm các nước phải tăng tầm 1.000GW - gấp 3 lần tốc độ năm ngoái trên toàn thế giới. Để làm được điều này, năng lượng tái tạo phải hấp dẫn hơn với nhà đầu tư so với hiện giờ.

Ảnh: Wikipedia

Ảnh: Wikipedia

Theo The Economist, trục trặc của ngành này là hệ quả giao thoa của một loạt vấn đề. Đầu tiên là chi phí tăng theo chuỗi cung ứng. Giá silicon đa tinh thể, chất liệu chính làm tấm pin mặt trời, tăng vọt từ 10 USD/kg năm 2020 lên 35 USD/kg năm 2022 do các vấn đề với chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Chi phí liên quan tuốc bin gió cũng tăng. Chiến tranh ở Ukraine đẩy mạnh giá thép, nguyên liệu đầu vào quan trọng mà cả Nga và Ukraine đều là các nhà sản xuất lớn. Cùng lúc, để làm ra cánh quạt dài và khỏe hơn, các nhà sản xuất đang thúc đẩy công nghệ mới như chất liệu composite sợi carbon thay vì sợi thủy tinh. 

Để bắt được gió mạnh cần độ cao lớn, nên độ cao trung bình của các tháp giờ là 100m, mà độ cao càng lớn thì chi phí đầu tư và bảo dưỡng lại càng tăng. Năm 2018, Tập đoàn General Electric (Mỹ) ra mắt tuốc bin điện gió ngoài khơi cao 260m, xấp xỉ độ cao tháp Eiffel. 

Các nhà cung cấp gần 8.000 chi tiết thiết bị các tuốc bin điện gió này phải chạy đua để theo kịp các thay đổi. Công tác vận tải gặp nhiều khó khăn với những thiết bị nhiều khi dài bằng cả một sân bóng đá này.

Nhà sản xuất lỗ lớn

Tất cả dẫn tới nhiều đình trệ và thất bại trong sản xuất tuốc bin gió. Vào tháng 10, một tuốc bin của Hãng Vestas (Đan Mạch) bị cháy ở Iowa (Mỹ). Cùng lúc, cánh quạt một tuốc bin của GE ở Đức bị gãy ngang. Điều khoản bảo hành khiến nhà sản xuất phải chịu phí các sự cố. Trong 12 tháng vừa rồi, bảo hành khiến Vestas mất 1,1 tỉ USD. 

Các vấn đề chất lượng ở Siemens Gamesa (liên doanh Đức - Tây Ban Nha), như nếp gấp cánh tuốc bin, làm tăng lỗ vận hành của tập đoàn mẹ, Siemens Energy, lên 5 tỉ USD. Hôm 14-11, Chính phủ Đức phải bảo lãnh một khoản vay giúp tập đoàn này qua khủng hoảng.

Cũng đã có những dấu hiệu cho thấy ngành năng lượng tái tạo thay đổi trước các thách thức mới. Giá silicon đa tinh thể đã bắt đầu giảm và sản lượng đang tăng lên. Các nhà sản xuất tuốc bin phương Tây đang tìm lối ra qua tiến bộ về công nghệ và siết lại kỷ luật tài chính.

Ngành điện gió cũng dần điều chỉnh quan điểm tuốc bin "càng lớn càng tốt" trước kia, theo Henrik Andersen, tổng giám đốc Vestas. (Hôm 8-11, hãng này công bố đã có lãi trở lại trong quý 3-2023).

Với các nhà phát triển dự án, họ vẫn có thể xoay xở nâng giá mà không tác động tới cầu thị trường. Trong hai năm qua, giá mua điện mặt trời và điện gió các dự án ở Mỹ nhận được đã tăng gần 60%. Andres Gluski, CEO của AES, nói công ty của ông sẽ tăng gấp đôi sản lượng điện tái tạo đưa vào vận hành trong năm nay.

Nguồn lãi cho các dự án này hiện ổn định. Giá điện gió ngoài khơi đấu giá ở Anh từ năm tới cũng sẽ được tăng từ 55,8 USD/MWH lên 92,6 USD/MWH. Đức hiện cũng đã nâng giá trần cho đấu giá điện mặt trời và điện gió.

Để chặn đà thua lỗ, các nhà cung cấp thiết bị đã tăng giá. Các hãng phương Tây đang tăng giá hơn 20% so với giá cuối 2020. Giá thành và lãi suất tăng đã đẩy mức LCOE cho dự án gió ngoài khơi ở Mỹ tăng hơn 50% hai năm qua, theo tính toán của BloombergNEF, bất chấp khoản hỗ trợ lớn từ đạo luật giảm lạm phát IRA của chính phủ Biden.

Các nhà cung cấp từng chốt giá điện với khách hàng trước khi tính hết các khoản chi phí giờ mắc kẹt với những dự án không thể có lãi. Ở Mỹ, họ có thể hủy hoặc tái đàm phán hợp đồng với các dự án đang xây dở. 

Đầu tháng 10, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch, hãng điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới) phải chấp nhận khoản lỗ 4 tỉ USD sau khi hủy hai dự án lớn ngoài khơi New Jersey. Ở Anh, chính phủ đấu giá quyền cung cấp điện gió lên lưới với mức giá bảo đảm 56 USD/MW, nhưng không nhận được đơn dự thầu nào.

Ảnh: carbonbrief.org

Ảnh: carbonbrief.org

Các tập đoàn năng lượng tái tạo cũng phàn nàn về thủ tục hành chính. Ở Mỹ, cần trung bình 4 năm để xin phép một dự án điện mặt trời, và 6 năm cho dự án điện gió trên bờ. Quy định phê chuẩn các dự án điện tái tạo không được kéo dài quá 2 năm của EU hầu như không được tuân thủ. 

Vì dự án điện mặt trời và điện gió thường sản xuất ít năng lượng hơn điện truyền thống, trong khi các điểm dễ làm đã hết, dự án mới hầu như luôn ở những nơi hẻo lánh và cần đường truyền tải mới, vốn cần giấy phép riêng. Ở Mỹ, hệ thống truyền tải cho khoảng 2.000GW điện tái tạo vẫn đang phải chờ chưa biết tới bao giờ.

Làn sóng bảo hộ mới

Tình hình thêm phức tạp vì chủ nghĩa bảo hộ mới. Chính phủ Mỹ cơ bản đã chặn hoàn toàn nhà sản xuất điện mặt trời Trung Quốc với khoản thuế chống phá giá cao kỷ lục và quy định cấm nhập module có silicon đa tinh thể xuất xứ Tân Cương - nơi chiếm một nửa nguồn cung toàn cầu. Vì chính sách này, module điện mặt trời ở Mỹ giờ đắt gấp đôi các nơi khác trên thế giới.

Tệ hơn nữa, các chi phí này có thể còn tiếp tục tăng. Hồi tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ phát hiện một số nhà cung cấp Đông Nam Á chỉ đóng gói lại sản phẩm Trung Quốc rồi tái xuất. Năm tới họ có thể cũng sẽ bị áp thuế chống phá giá. 

Trong khi đó, chính quyền Biden đang dùng ưu đãi của IRA để thu hút sản xuất nội địa ở Mỹ. First Solar, nhà sản xuất module điện mặt trời lớn nhất của Mỹ, dự kiến tăng công suất hằng năm từ 6GW năm nay lên 14GW năm 2026. Nhưng đây chỉ là phần rất nhỏ mà Mỹ cần để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí carbon, và các động thái này không giúp giá cả rẻ hơn trên thị trường.

Châu Âu thì đang loay hoay chưa có hướng đi rõ ràng. EU đã bỏ thuế chống phá giá với tấm pin mặt trời Trung Quốc. Nhưng hôm 22-11, Nghị viện châu Âu thông qua đạo luật net zero yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu với các hợp đồng năng lượng tái tạo. 

Ủy ban châu Âu cũng đang cân nhắc điều tra phần trợ cấp của Trung Quốc cho các hãng sản xuất tuốc bin gió - hiện có giá rẻ hơn 70% so với hàng phương Tây. Hàng Trung Quốc hiện đã tạo được vị thế riêng ở các thị trường nước ngoài và gần như luôn có mặt trong các cuộc đấu thầu dự án lớn khắp thế giới, theo Miguel Stilwell d'Andrade, giám đốc điều hành của EDP.

Hạn chế thương mại không chỉ chặn các tấm pin và tuốc bin giá rẻ của Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng tới việc cung ứng các thiết bị khác. Siemens Gamesa dự kiến sẽ thuê ngoài phần lớn chuỗi cung ứng của họ nhằm cắt giảm chi phí. Nhiều nhà sản xuất phương Tây hiện đã mua phần vỏ động cơ, tháp và các thiết bị khác từ Trung Quốc. 

Với các dự án điện gió ngoài khơi, Mỹ sẽ cần nhập khẩu phần lớn thiết bị để đạt được mục tiêu phát thải khí 2030. Tình trạng thiếu nguồn cung sẽ còn tiếp diễn khi thế giới đang chạy đua triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Các quy định bảo hộ sẽ khiến việc này khó khăn hơn.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận