Thế trận biển Đông và ARF 2011

HỮU NGHỊ 24/07/2011 16:07 GMT+7

TTCT - Trong các cuộc gặp riêng sau Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN (AMM), như giữa các ngoại trưởng ASEAN với Trung Quốc hay với Mỹ, ngôn từ đã không còn là ngoại giao mà trở nên trực tiếp hơn. Diễn đàn ARF, kết thúc vào thứ bảy 23-7, càng bức xúc khi các nước liên quan đều đã bài binh bố trận.

Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông
ASEAN - Trung Quốc thông qua hướng dẫn thực thi DOC

Phóng to
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (phải) gặp Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sáng 19-7 tại Bali, Indonesia - Ảnh: Lê Tâm

Nguyên tổng thư ký ASEAN Rodolfo C. Severino dự báo một cách quả quyết: “Tại ARF, tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ sẽ được phân tích từng chữ, tuyên bố đáp trả của Trung Quốc cũng thế.

Liệu Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện lập trường căn bản của mình về biển Đông cũng như về các lợi ích của mình (ở đấy) và ở mức độ quả quyết đến đâu? Liệu Mỹ sẽ hòa hoãn hơn chút nào với Trung Quốc về vấn đề này? Liệu Trung Quốc sẽ làm sáng tỏ hơn nữa thực chất các yêu sách của mình trên biển Đông? Liệu các đáp trả của Trung Quốc sẽ mãnh liệt hơn hay kém hơn năm 2010?

ASEAN, như là một tập thể, quan tâm sâu sắc đến các câu hỏi này nhằm rọi sáng các quan ngại của mình về hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không cũng như về quan hệ Mỹ - Trung có tốt được hay không”.

Dự báo của ông Severino càng sát thực tế khi tình hình biển Đông trước thềm ARF năm nay sôi sục hơn bao giờ hết. Phát biểu của người từng điều hành ASEAN từ 1998-2002 phản ánh một sự thật hiển nhiên: có một sự giành giật trên biển Đông giữa một bên muốn giành hết 80% trong cái gọi là “đường lưỡi bò”, một bên không chấp nhận điều đó.

Khẩu chiến Bắc Kinh

Sự sôi sục đó vừa mới thể hiện trong cuộc họp báo hôm thứ hai tuần trước ở Bắc Kinh của tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen và tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bính Đức (1).

Tướng Trần Bính Đức khai pháo: “Nhiều lần phía Mỹ đã bày tỏ rằng không có ý can thiệp vào các tranh chấp trên biển Đông. Tuy nhiên, chúng tôi lại đang quan sát các diễn tập hỗn hợp giữa Mỹ và các nước khác, tỉ như Philippines và Việt Nam. Chúng tôi biết rằng trong quá khứ đã từng diễn tập như vậy, song theo như chúng tôi thấy, thời điểm diễn tập năm nay là không thích hợp!”.

Câu trả lời của đô đốc Mullen không trực tiếp và không tập trung vào một tiểu tiết nhưng rất “bàn tay sắt bọc nhung”: “Chúng ta có thể chìm lỉm hay vươn lên trong vận hội này. Hoặc là chúng ta cứ cho phép những lợi ích cùng nghi kỵ xác lập các mối quan hệ giữa chúng ta, hoặc là chúng ta ra sức tìm cách thức gạt các chuyện đó sang một bên vì một sự minh bạch tốt đẹp hơn, vì những trông đợi rõ rệt và thực tiễn hơn đối với nhau, và tập trung nỗ lực giải quyết các thách đố chung của chúng ta. Tôi tin rằng tôi đang phát biểu thay cho tướng Trần khi nói rằng cả hai chúng tôi chọn phương án sau cùng này”.

Không chỉ tướng Trần Bính Đức mới có một khẩu khí uy vũ, mà ngay cả phóng viên truyền hình CCTV Trung Quốc cũng tự tin không kém khi hỏi đô đốc Mullen: “Chúng tôi được biết chiều hôm qua ông có đến một đơn vị tên lửa bí mật của Trung Quốc. Ông là quân nhân Mỹ đầu tiên được xem thật gần hệ thống tên lửa của Trung Quốc. Ông cảm thấy gì?... Từ đầu năm tới giờ đã có trao đổi thăm viếng cấp cao, song đồng thời Mỹ cũng diễn tập quân sự ở ngoại vi Trung Quốc, kể cả trên biển Nam Hải (theo cách nói của họ). Ông giải thích như thế nào?”.

Thông điệp của Trung Quốc trước thềm ARF là “đường lưỡi bò”, thậm chí biển Đông, là “đừng chạm tới” như qua khẳng định của tướng Trần Bính Đức: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các hòn đảo trên biển Nam Hải (tức biển Đông) cùng các vùng biển xung quanh đó. Chúng tôi có bằng chứng và cơ sở lịch sử và pháp lý đầy đủ, thích ứng.

Lập trường của chúng tôi vẫn luôn là giải quyết qua các kênh song phương một cách hòa bình. Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến việc tạm đình hoãn các dị biệt và cùng khai thác chung tài nguyên giữa Trung Quốc và các bên khiếu nại. Đó không phải là công chuyện của các nước không liên quan hòng can thiệp vào”.

Câu trả lời của phía Mỹ qua đô đốc Mullen như sau: “Đây là một khu vực then chốt, nhiều nước tùy thuộc vào đó, không chỉ Trung Quốc và Mỹ. Chúng tôi đồng ý rằng chúng ta cần tiếp tục đeo đuổi giải pháp hòa bình các tranh chấp. Lập trường của chúng tôi là các tranh chấp phải được giải quyết như thế nào. Tôi đoan chắc rằng chúng tôi sẽ duy trì lập trường đó”.

Phóng to
Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN trong cuộc họp ngày 19-7-2011 tại Bali, Indonesia - Ảnh: Reuters

Báo Nhật Bản lập website chung

Những sự cố ở đảo Senkaku của Nhật (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cùng các diễn biến gần đây cả trên biển Đông lẫn biển Nhật Bản khiến dư luận Nhật đặc biệt quan tâm. Từ hôm 15-6, năm nhật báo, đài truyền hình, thông tấn xã hàng đầu của Nhật là The Japan Times, The Mainichi Daily News, NHK World, Nikkei và Kyodo News đã cùng lập ra một website chung để “cung cấp tin tức và bài tường thuật về các cuộc họp của ASEAN cùng những sự kiện liên quan; các bản ghi chép họp báo, phát biểu của ngoại trưởng Nhật và các cuộc họp báo...”.

Làng báo Nhật lập chung website là để cùng chung sức cho một nỗ lực sống còn trong hòa bình và ổn định. Trong nỗ lực đó, bài viết của cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos được tờ The Japan Times đăng lại và website này đưa lên tiếp sáng 19-7, đúng vào ngày khai mạc hội nghị các ngoại trưởng ASEAN cho thấy Nhật vẫn cứ “tứ hải giai huynh đệ” chứ không tự cô lập.

Bài viết này đáng lưu ý ở đoạn: “Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) cùng các cam kết quốc tế liên kết phải trở thành nền tảng cho các cuộc đối thoại xây dựng nhằm dẫn đến thỏa ước mang tính bó buộc. Sau đó mới có thể cùng khai thác và phát triển tài nguyên...”.

Tại sao cựu tổng thống Philippines Ramos lại phải nhắc đến “UNCLOS như là nền tảng cho mọi đối thoại xây dựng”? Phải chăng do lẽ hiện nay, mọi đối thoại đều bế tắc do sự “độc chiếm UNCLOS” để từ đó độc chiếm biển Đông?

Khắp nơi cùng tập trận

Thao diễn hải quân giữa các nước là một điều rất bình thường. Mới cách đây một tháng, hai tàu hải quân Việt Nam vừa tuần tiễu chung với hải quân Trung Quốc. Đây là đợt tuần tra chung lần thứ 11 kể từ khi hải quân hai nước ký kết thỏa thuận về quy chế tuần tra liên hợp tháng 10-2005. Trước đó vài ngày, một tàu tuần tiễu hạng nặng Trung Quốc viếng thăm Singapore. Tuần này, ba tàu hải quân Mỹ thăm Đà Nẵng và diễn tập cứu hộ cũng không phải là lần đầu.

Cuối tháng 12-2010, ba tàu hải quân Trung Quốc viếng thăm cảng Tanjung Priok của Indonesia. Tháng 5 năm nay, một tàu chiến Nga thăm Singapore và Indonesia, rồi diễn tập với hải quân Indonesia... Thậm chí tháng 12 năm ngoái, hải quân Trung Quốc và Đài Loan cùng diễn tập kịch bản cứu hộ với nhau (2)... Cũng chưa “nhạy cảm”, nếu nhất mực xem là như thế, bằng tin thủy quân lục chiến Trung Quốc tập đổ bộ với thủy quân lục chiến Thái tháng 10 năm ngoái trong một cuộc diễn tập mang tên “Tấn công xanh-2010” (Blue Assault-2010).

Mới tháng 6 vừa qua, biệt kích Trung Quốc vừa tập trận với biệt kích Indonesia, nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, trong một cuộc hành quân mang tên “Dao nhọn” (Sharp Knife) (3). Cũng đâu ai bảo là Trung Quốc đang “vận động, tranh thủ” Indonesia!

Tôn trọng người khác để được tôn trọng

Sẽ có một “đụng độ” mới ở Bali giữa ngoại trưởng Mỹ và bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc như tại hội nghị ASEAN năm ngoái? Có thể có. Cũng có thể không, nếu như các bên ghi nhớ phát biểu của tướng Trần Bính Đức với đô đốc Mullen: “Chỉ khi nào tôn trọng lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, lợi ích bình đẳng và hỗ tương, chỉ khi nào tiến hành được các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết các va chạm và khó khăn thì các quan hệ (quân sự) với nhau mới chắc chắn có tiến bộ mới...

Ai tôn trọng người khác sẽ được người khác tôn trọng. Khi một nước tôn trọng các nước khác thì sẽ được các nước khác tôn trọng. Nếu không tỏ ra tôn trọng hoặc đáng tin nơi một số việc, điều đó sẽ chạm đến cảm xúc người khác. Nếu thiếu tôn trọng và tin tưởng giữa các nước, quan hệ các nước sẽ nào có cơ sở gì” (4).

Hi vọng rằng phát biểu trên của tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc không chỉ là với đô đốc chỉ huy trưởng liên quân Mỹ, mà là với cả khu vực. Để từ đó sẽ nghĩ lại rằng một khi đã tự nhận là có chủ quyền trên 80% biển Đông, tức là sở hữu của mình, thì đâu cần phải hào phóng chia sẻ với ai khác nữa.

Philippines tìm phân xử của tòa án quốc tế về luật biển

Chiều 19-7, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết sau khi thông báo chi tiết với các bộ trưởng ASEAN về đề xuất của Philippines về việc “định nghĩa vùng biển nào ở biển Đông đang bị tranh chấp”, nước ông buộc phải đưa vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc ra để chờ sự phân xử của Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS). Ông nhấn mạnh: Philippines tìm kiếm sự phân xử của bên thứ ba theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).

“Chúng tôi cho rằng phải thông qua các quy định thực thi DOC, nhưng cũng sẽ là thiếu thực tế nếu chỉ thông qua các quy định đó mà không có những khuôn khổ đi kèm có thể đối phó được với những tranh chấp đang diễn ra ở một số khu vực hiện nay” - ông Albert del Rosario nói.

Ông cho biết AMM đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này sau khi xuất hiện những yếu tố khiến cục diện thay đổi. “Đó là việc Trung Quốc đưa ra đòi hỏi về đường chín đoạn. Yếu tố này không có tại thời điểm năm 2002 khi ASEAN và Trung Quốc ký kết DOC mà chỉ xuất hiện năm 2009. Do vậy, yếu tố này cần phải được xem xét” - ông nhấn mạnh.

__________

(1), (4) Transcript of Remarks by Admiral Michael Mullen, Chairman of the Joint Chiefs of Staff and General Chen Bingde, Beijing, China Monday, July 11, 2011
(2) Taiwan China launch joint drill, Taipei Times Sep 12, 2010
(3) Witnessing China-Indonesia army special force joint drill, China military.com, 2011-06-20

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận