Khi kinh tế gia cãi lại dân chúng

XÊ NHO 23/01/2024 15:50 GMT+7

TTCT - Nền kinh tế mà chính phủ và kinh tế gia bảo là tốt trong khi người dân cảm thấy nó xấu là một nghịch lý chưa có lời giải.

Ảnh: iStock

Ảnh: iStock

Trên The New York Times vào đầu năm nay, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman khẳng định 2023 là "một năm rất tốt đẹp cho nền kinh tế Mỹ". Ông liệt kê các yếu tố như thị trường việc làm tăng trưởng mạnh mẽ, thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm qua và lạm phát đã được kiềm chế - đúng bài giáo khoa miêu tả một nền kinh tế đang cải thiện năng lực sản xuất: tăng trưởng cao kết hợp với lạm phát giảm. Thế mà người dân Mỹ vẫn cảm nhận xấu về nền kinh tế.

Tạp chí The Atlantic cho rằng thủ phạm tạo ra ấn tượng nền kinh tế Mỹ đang xấu hơn thực tế chính là báo chí Mỹ. Tờ này lấy thí dụ tháng 10-2023, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 336.000 chỗ làm, một kỷ lục của năm, gấp đôi con số các nhà phân tích dự đoán. 

Thế nhưng báo chí chạy tít "Chỗ làm tăng vọt, tin xấu cho Fed" (NYT); "Đừng quá yên tâm với một thị trường lao động tốt" (Wall Street Journal); "Báo cáo việc làm tháng 9 là điểm sáng cuối cùng trước khi nền kinh tế chậm hẳn lại" (Bloomberg).

The Atlantic cho rằng giới nhà báo thường có xu hướng vạch lá tìm sâu hơn là nhấn mạnh tin tốt. Với tin kinh tế, xu hướng nghiêng về phía tiêu cực càng nổi bật. Từ 2017 - 2023, tin tức trở nên tiêu cực hơn số liệu kinh tế khách quan, mức độ tiêu cực gấp 5 lần 3 thập niên trước đó. 

Có nhiều yếu tố tác động lên xu hướng đưa tin tiêu cực này như thái độ chống tổng thống Trump, khó khăn về tài chính của báo chí nói chung, hiện tượng lạm phát mà nhiều người dân Mỹ chưa từng chứng kiến kể từ thập niên 1970. 

Quan trọng nhất có lẽ là quan điểm của nhiều nhà kinh tế được báo chí phỏng vấn, khẳng định rằng trước sau nước Mỹ cũng rơi vào suy thoái khi lãi suất được nâng lên liên tục để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên theo người viết, cảm nhận về nền kinh tế nước Mỹ có sự khác biệt giữa các nhà kinh tế và người dân bình thường là bởi hai bên dùng các thước đo khác nhau. Các nhà kinh tế thường lấy mốc lạm phát đạt đỉnh vào tháng 6-2022 ở mức 9,1% xuống còn 3,4% vào tháng 12-2023 để nói rằng Fed đã thành công khi kiềm chế lạm phát, dù chưa đạt mốc 2% như kỳ vọng nhưng như vậy cũng là quá giỏi rồi. 

Người dân không tính như thế, họ chỉ nhớ cách đây 2 năm, một chục trứng giá chừng đó, nay tăng lên chừng kia, chứng tỏ kinh tế còn khó khăn, chính sách kinh tế không thể kéo giá về lại mức cũ. Họ không nghĩ giá cả tăng chậm hơn, họ chỉ tính mọi thứ đang ở mặt bằng giá mới, cao hơn cũ.

Nói cách khác, giá cả ở Mỹ hiện nay cao hơn mức trước dịch trên 20%, trong đó giá nhiều món hàng tiêu dùng, kể cả thực phẩm, đã tăng đến 40 - 50%. Cho dù tốc độ lạm phát đã giảm, mặt bằng giá cả vẫn rất cao, ước muốn của người dân thấy giá quay về như cũ là điều không thể xảy ra. Ít nhất người dân cần một mức giá ổn định trong 2 năm mới có thể bắt đầu chấp nhận giá mới.

Khi kinh tế gia cãi lại dân chúng- Ảnh 2.

Các nhà kinh tế lấy số liệu vĩ mô để cãi lại rằng tuy mặt bằng giá mới cao hơn cũ nhưng tiền lương của người dân tính ra vẫn tăng cao hơn mức lạm phát. Con số bình quân vĩ mô có thể đúng nhưng với từng người cụ thể, làm sao nói chắc thu nhập của họ tăng đủ để bù đắp mức tăng giá hàng tiêu dùng. Có thể người có thu nhập cao đủ sức thương thảo mức lương mới, còn đa số người dân bình thường đành chịu mức lương như cũ.

Các nhà kinh tế thích dựa vào số liệu để đưa ra nhận định; nhưng người dân không có số liệu, họ chỉ có nỗi lo cho tương lai. Năm 1990, đến 50% những người được hỏi tin rằng cuộc sống của con cái họ sẽ tốt hơn. 

Giờ đây, khảo sát của Wall Street Journal cho thấy tỉ lệ lạc quan cho con cái như thế rơi xuống còn 21%, mức thấp nhất từng được ghi nhận. Thêm một thực tế khách quan nữa đã không được các nhà kinh tế ghi nhận: tới gần một nửa thanh niên Mỹ từ 18 - 29 tuổi đang sống cùng nhà với bố mẹ, một mức rất cao so với các thế hệ trước.

Các nhà kinh tế như Paul Krugman không quan tâm lắm đến khoản nợ quốc gia của nước Mỹ, bởi họ muốn khuyến khích chính phủ mạnh dạn vay tiền chi tiêu để tận dụng đặc quyền tiền tệ của Mỹ. Cả vay lẫn trả đều bằng đô la Mỹ nên không sợ đồng tiền mất giá, cứ thoải mái phát hành trái phiếu lấy tiền về xài. 

Người dân Mỹ không biết đến đặc quyền này. Họ chỉ biết khi tổng thống Bill Clinton chấm dứt nhiệm kỳ vào đầu năm 2001, nước Mỹ chỉ nợ 5.700 tỉ đô la; nay con số này đã tăng vọt lên thành 33.000 tỉ, trở thành một gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai. 

Chuyện trả nợ đúng là chưa lo nhưng nợ nhiều có nghĩa chi phí trả lãi ngày càng tăng. Chi phí trả lãi tăng chỉ còn cách tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu để bù đắp - toàn là những điều đáng lo cho mai sau.

Với người dân bình thường, trước mắt họ toàn là khó khăn, đặc biệt là lãi suất cao đang có nhiều tác động chậm nay mới bắt đầu thấm. Lãi suất cao dẫn tới giá nhà tăng, tiền vay mua nhà chịu mức lãi cao hơn, căng thẳng về tài chính do nợ thẻ tín dụng, nợ vay tiền mua ô tô cũng tăng.

Đánh giá khách quan nền kinh tế của nước Mỹ trong hai năm vừa qua, đúng là nước Mỹ đạt được nhiều điểm nhiều nhà kinh tế cho là bất khả. Tuy nhiên với người dân, cái quan trọng không phải là số liệu mà là cảm nhận chủ quan của họ - cái cảm nhận sẽ biến thành lá phiếu trong năm bầu cử này.

Đó là điều gây lo lắng cho nhiều người hơn chuyện ai đúng ai sai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận