Chiến tranh Ukraine và thế lực mới Iran: Trong cánh gà và trên chiến trường

DANH ĐỨC 23/10/2022 09:21 GMT+7

TTCT - Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine không chỉ là giữa hai phe này hay giữa Nga và phương Tây. Ngày càng có những dấu hiệu cho thấy đang nổi lên những "ông lớn" khác có khả năng làm lệch cán cân tình hình.

Chiến tranh Ukraine và thế lực mới Iran: Trong cánh gà và trên chiến trường - Ảnh 1.

Các máy bay không người lái do Iran chế tạo đang làm mưa làm gió trên bầu trời Ukraine. Ảnh: Anadolou Agency

Tin chiến sự của France 24 hôm 7-10: "Quân đội Nga đã tăng cường số lượng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát do Iran sản xuất, nhằm vào một thị trấn gần Kyiv trong ngày thứ tư vừa qua". 

Từ thực tế chiến trường, tác động của các vũ khí mới do Iran sản xuất và cung cấp này đang dần trở nên là điều không thể bỏ qua. "Các UAV này cung cấp giải pháp tấn công bằng tên lửa rẻ hơn, đồng thời cho phép lực lượng Nga tiếp tục gây áp lực lên các thành phố Ukraine nằm xa chiến tuyến", France 24 bình luận.

Sức mạnh mới thi triển

Quân đội Nga đã sử dụng UAV do Iran sản xuất trong một tháng qua để tấn công các vị trí pháo binh, kho đạn và hạ tầng dân sự của Ukraine. Đây là loại vũ khí có khả năng nhắm các mục tiêu sâu trong lãnh thổ đối phương khi mà lực lượng Nga vẫn tập trung ở đông và nam Ukraine xa lắc xa lơ. 

Thứ tư tuần rồi, một đàn 12 UAV do Iran sản xuất đã bay đến tận Bila Tserkva, thị trấn nằm cách Kyiv chỉ khoảng 90km về phía nam. Sáu chiếc bị lực lượng Ukraine bắn hạ, nhưng phân nửa còn lại đâm vào các tòa nhà, gây thiệt hại lớn và khiến một binh sĩ bị thương.

Vấn đề là cho đến trước hôm đó, mục tiêu chính của UAV và các thiết bị bay có khả năng thả bom khác của Nga vẫn chỉ là các thành phố phía nam, tức ở tầm với gần hơn nhiều, như Odessa. 

France 24 trích lời tướng Dominique Trinquand, cựu chỉ huy phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc: "Ngay cả khi người Nga không chiếm Odessa, họ vẫn muốn duy trì áp lực tâm lý và tỏ rõ rằng chiến tranh sẽ tiếp diễn, kể cả với dân thường". 

Vụ tấn công hôm 7-10 đánh dấu lần đầu tiên chiến tranh lan tới một khu vực mà đến nay hầu như không bị ảnh hưởng, và không phải bằng tên lửa tầm xa.

Nhân dịp này, trang tin Mezha của Ukraine chạy dòng tít rất "tâm trạng": "Shahed 136 - UAV khó chịu của quân thù đang gây hoảng sợ cho người Ukraine". 

Bài báo thuật lại: "Đêm nay, UAV tự sát Shahed 136/Geran-2 của đối phương đã bay đến khu vực tỉnh Kyiv từ Crimea và tấn công các cơ sở hạ tầng ở Bila Tserkva". Tác động tâm lý lớn đến mức Mezha đặt câu hỏi: "Những UAV 136 Shahed này là gì và tại sao chúng nguy hiểm đến vậy?"

Câu trả lời: đây là UAV do Công ty Công nghiệp máy bay Iran (HESA) sản xuất. Mezha giải thích: "HESA rất giỏi trong việc "dò ngược" thiết kế của thiên hạ rồi tự thiết kế. 

Hầu hết sản phẩm của HESA là bản sao chép máy bay và trực thăng cũ của phương Tây, tỉ như máy bay chiến đấu hạng nhẹ Northrop F-5 và trực thăng Bell 206 của Mỹ. Trước chiến tranh Nga - Ukraine, HESA thậm chí còn hợp tác với Hãng Antonov của Ukraine sản xuất máy bay chở hàng và chở khách IrAn-140-100 (An-140)".

Tiếp nối truyền thống đó, UAV Shahed 136 là một trong những phát triển mới nhất của HESA, sao chép UAV của thiên hạ. Câu chuyện trở nên phức tạp khi Iran bị cấm vận đã hơn 40 năm. 

Các kỹ sư HESA không có điều kiện "sờ tận tay" thiết bị điện tử và linh kiện hiện đại, họ phải tùy cơ ứng biến, như sử dụng linh kiện dân sự có sẵn để lắp vào UAV quân sự. Sao chép và "độ chế" là hai công đoạn khác nhau, nâng cấp "tay nghề" lên một tầm mới, phi chính thống nhưng lắm "tài vặt".

Có tin loại UAV này đã được phiến quân Houthi ở Yemen sử dụng từ tận năm 2020. Còn trong quân đội Iran thì mới chính thức "đưa vào biên chế" từ năm ngoái và lần đầu tiên được trình chiếu trên video vào tháng 12-2021. 

Sang đến chiến trường Ukraine, UAV này có thay đổi: tầm hoạt động thông thường 1.000km, song có thể lên đến 2.500km - giải thích khả năng nó có thể bay tới sát thủ đô Kyiv.

Trang tin của Ukraine nhấn mạnh chi tiết UAV này có thể bay sát mặt đất, chỉ cách 60m và lên cao đến 4.000m, nên rất khó phát hiện. 

Chuyên gia phòng không của Ukraine Oleg Katkov giải thích các UAV này được phóng đi hàng loạt sẽ càng khó đối phó vì là những mục tiêu kích thước nhỏ, bay thấp, lại làm bằng vật liệu composite, đúng kiểu đạn cối khó bắn chết ruồi!

Hơn nữa, các UAV này có giá thành thấp, nên nếu muốn hạ chúng, bằng tên lửa phòng không vác vai Stinger chẳng hạn, thì không khỏi nảy sinh tính toán chi phí. Nói thí dụ, động cơ UAV chỉ là MD550 50 mã lực của Trung Quốc, mà đến tận gần đây vẫn đặt mua được trên AliExpress! 

Chưa hết, do bị cấm vận, nhà sản xuất Iran mua cũng từ AliExpress cả thiết bị dẫn đường vệ tinh GPS dân sự hay Glonass của Nga để lắp vào Shahed - mục đích sử dụng chỉ là "đi tới nơi", chạm mục tiêu và phát nổ ("tự sát"), không cần "về tới chốn", cũng không cần thám thính hay gì khác.

Mykhailo Podolyak của văn phòng tổng thống Ukraine giải thích những đắn đo phía Kyiv trên The New Voice of Ukraine 25-9: 

"Một UAV lắp ráp từ đồ "lạc xoong" mua từ AliExpress khó có giá hàng trăm nghìn đô la Mỹ. Do đó, việc bắn hạ nó bằng tên lửa có thể có giá 300.000 USD là không có lợi. Mặt khác, nguồn súng tự động của các hệ thống phòng không, như Gepard của Đức hay Tunguska của Liên Xô cũ, là khá ít, trong khi chi phí bảo dưỡng lại cao. Việc bắn các máy bay không người lái ngay cả từ các hệ thống phòng không thông thường là không có lợi". 

Phiền toái cho quân Ukraine là các UAV Shahed 136 trọng lượng chỉ 200kg song lại "cõng" đến nửa tạ thuốc nổ phân mảnh cực mạnh, với độ sát thương không thường chút nào.

Chiến tranh Ukraine và thế lực mới Iran: Trong cánh gà và trên chiến trường - Ảnh 2.

Những vụ tấn công bằng UAV tự sát gây nhiều thiệt hại cho các vùng đô thị đông đúc của Ukraine. Ảnh: Twitter

Thỏa thuận hồi nào?

Cũng trang tin Mezha "bật mí" rằng "tháng 8 năm nay đã xuất hiện thông tin rằng trong chuyến thăm của phái đoàn quân sự Nga tới Iran vào tháng 7, các bên đã ký kết thỏa thuận về cung cấp một số loại máy bay không người lái cho Nga, trong đó có Shahed 136". 

Trang tin cho biết thêm sau đó "hàng trăm UAV được chuyển giao cho Nga bằng các máy bay vận tải của Iran", và "dù Iran đã chính thức nhiều lần nhấn mạnh không hề cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng không ai tin họ".

Cũng theo trang tin này, "tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo [IGRC], thiếu tướng Hossein Salami, từng khoe rằng "một trong những cường quốc hàng đầu thế giới sử dụng vũ khí do Iran sản xuất"". 

Cái tên kép Shahed 136/Geran-2 dễ hiểu cũng gây nhiều đồn đoán: "Người Nga đặt lại tên hiệu cho Shahed 136 là Geranium-2, [và nói đó là] phát triển của riêng họ, nhưng không ai tin".

Đây cũng không phải chuyện gì tối mật. Từ hôm 11-7, trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã lần đầu loan báo: 

"Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng chính phủ Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga tới vài trăm UAV, bao gồm cả các UAV có khả năng mang vũ khí, theo một thời gian biểu khẩn cấp. Các khóa huấn luyện ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu sớm nhất là đầu tháng 7. Hiện chưa rõ Iran đã chuyển giao chiếc UAV nào cho Nga chưa".

Sáu ngày sau, hôm 16-7, trong họp báo của Nhà Trắng, một quan chức cao cấp khác chính thức xác nhận khả năng Nga sử dụng các UAV đó ở Ukraine, kèm lời khen ngợi Iran không ngần ngại: "Họ có năng lực sản xuất trong nước và một học thuyết phát triển, cải tiến và vận hành [UAV] riêng".

Đáng nói hơn, Iran từ lâu đã "phân tán" năng lực sản xuất UAV ra nước ngoài, nhất là sau vụ Israel tấn công bằng UAV hồi tháng 2 năm nay vào một căn cứ không quân của IRGC ở tỉnh Kermanshah và phá hủy hàng trăm UAV của Iran. 

Báo chí Israel (như tờ Haaretz) lẫn truyền thông Iran và Lebanon (như Đài Al Mayadeen, có liên kết với cả Hezbollah và Iran) đều đưa tin về vụ này.

Chiến tranh Ukraine và thế lực mới Iran: Trong cánh gà và trên chiến trường - Ảnh 3.

Nga và Iran là hai đồng minh thân thiết. Ảnh: AFP

Tin tức về việc chuyển sản xuất UAV ra nước ngoài của Iran gần đây nhất là hồi tháng 5, với một nhà máy ở Tajikistan. Thông tấn xã Al-Monitor 17-5 loan tin: "Hôm nay Iran đã công khai một nhà máy sản xuất UAV. Nhà máy ở thủ đô Dushanbe của Tajikistan sẽ sản xuất UAV Abagil 2. Tham mưu trưởng quân đội Iran, thiếu tướng Mohammad Bagheri, đã tham dự buổi lễ".

Al-Monitor dẫn lời viên tướng cấp cao này phát biểu đầy tự tin: "Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, chúng tôi có thể xuất khẩu thiết bị quân sự sang các nước đồng minh và thân thiện để giúp tăng cường an ninh và hòa bình bền vững". 

Theo Viện Hòa bình Hoa Kỳ, UAV Abagil 2 sản xuất tại Tajikistan có những nét tương đồng với một số UAV khác đang được sử dụng bởi các đồng minh của Iran như phe ly khai Houthi ở Yemen hay phe Hezbollah ở Lebanon.

Trong bối cảnh đó lại diễn ra chuyến công du Tajikistan của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng 6. Trang tin Eurasia.net 29-6 đặt câu hỏi "Ông Putin làm gì tại Tajikistan?", kèm theo bình luận: "Chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông phái quân đội vào Ukraine vào tháng 2 là Tajikistan. Ít người hiểu tại sao". 

Eurasianet cho biết theo chương trình, các cuộc gặp sẽ theo thể thức "1 gặp 1", tức bàn những chuyện nhạy cảm. Để rồi tới 19-7, ông Putin sang hẳn Iran, nơi ông gặp Lãnh tụ tối cao - Giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei. Và lô UAV đầu tiên của Iran tới Nga vào hôm 30-8. ■

Trang web MENA chuyên về Trung Đông và Bắc Phi hôm 5-10 cho rằng các UAV của Iran và máy bay không người lái Bayraktar TB2 nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, đã được Ukraine sử dụng thành công trong chiến tranh, có thể mở ra cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.

"Chúng ta có thể thấy sự gia tăng đầu tư của Iran vào việc phát triển các loại vũ khí và UAV. Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở rộng lực lượng UAV hơn nữa và tăng cường xuất khẩu trong những năm tới - MENA dự báo - Ngành công nghiệp máy bay không người lái ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Israel sẽ phát triển mạnh. Và tất nhiên, các nước Ả Rập trong khu vực, đặc biệt là Saudi Arabia, sẽ muốn tự sản xuất máy bay không người lái với sự hỗ trợ công nghệ của các công ty Trung Quốc"

.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận