Căng thẳng mới trên Thái Bình Dương

HỮU NGHỊ 03/12/2023 09:02 GMT+7

TTCT - Vụ Triều Tiên hôm 21-11 phóng vệ tinh bằng tên lửa đạn đạo làm Hàn Quốc và Nhật Bản "lên ruột". Cùng ngày, Úc phản đối việc tàu chiến Trung Quốc sử dụng xung sóng siêu âm tấn công người nhái của hải quân Úc.

Ảnh: The Wall Street Journal

Ảnh: The Wall Street Journal

Tất cả diễn ra trong bối cảnh Biển Đông không ngớt những va chạm, nhất là giữa Philippines và Trung Quốc.

Sáng 26-11, mục "châu Á tuần này" của tờ Bưu Điện Hoa Nam phát đi thông điệp: "Việc Trung Quốc leo thang cái gọi là các hoạt động vùng xám chống lại Philippines và phản ứng của Manila trong việc tìm kiếm thêm đồng minh, có thể khiến những căng thẳng vốn đã âm ỉ trong khu vực vượt khỏi tầm kiểm soát". 

Tờ báo giải thích sau đó rằng đây là đánh giá của các nhà phân tích dựa trên hàng loạt hành động gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là trên bãi cạn Thomas thứ hai mà Manila gọi là Ayungin, một đảo san hô vòng cách đảo Palawan của Philippines khoảng 190km về phía tây bắc.

Mối đe dọa ở Đông Bắc Á

Trong bối cảnh căng thẳng đó, Bắc Triều Tiên hôm thứ ba tuần rồi 21-11 loan báo đã phóng thành công vệ tinh do thám Malligyong-1 vào quỹ đạo bằng tên lửa Chollima-1 từ bãi phóng Sohae. Tất nhiên, hai nước láng giềng "không đồng hướng" là Hàn Quốc và Nhật Bản lại được dịp "lên ruột".

Biến cố đã dẫn tới cuộc gặp giữa bà Kamikawa Yoko, bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, với tiến sĩ Park Jin, bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, kéo dài khoảng 85 phút sáng chủ nhật 26-11. 

Hai bộ trưởng lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nhấn mạnh rằng hành động này vi phạm rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ngay cả khi vụ này được mô tả là một vụ phóng vệ tinh. 

Hai bên chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về việc Triều Tiên liên tục các phóng tên lửa đạn đạo với tần suất chưa từng có và theo công nghệ mới.

Ngoài các bất đồng vì các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Nhật Bản còn liên đới bị "khó chịu" khi một tàu khu trục Trung Quốc tấn công người nhái Úc bằng sóng sonar. 

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, trong một tuyên bố hôm 18-11, cho biết khi các người nhái hải quân Úc của tàu khu trục HMAS Toowoomba đang lặn gỡ lưới đánh cá khỏi chân vịt của tàu ở vùng biển quốc tế gần Nhật Bản hôm 14-1. thì bị "tấn công" bằng sóng sonar bởi một tàu khu trục của Trung Quốc đang lảng vảng gần đó.

Tuyên bố cho biết mặc dù đã được cảnh báo rằng hoạt động lặn đang được tiến hành, nhưng tàu khu trục Trung Quốc vẫn cứ vận hành sonar theo cách "gây nguy hiểm cho sự an toàn của các người nhái Úc, khiến họ buộc phải rời khỏi vùng biển". 

Tuyên bố cũng nói đánh giá y tế cho thấy các người nhái bị thương nhẹ. Vụ việc khiến đích thân Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm 20-11 lên tiếng cáo buộc hải quân Trung Quốc có hành vi "nguy hiểm, không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" trong sự cố này. 

Vụ này đặc biệt có ý nghĩa sâu xa với thủ tướng Úc do xảy ra chỉ vài tuần sau khi ông đến thăm thủ đô Trung Quốc để ổn định lại quan hệ hai bên vốn nhiều sóng gió trước đó.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Bắc Kinh gọi, Tokyo và Canberra trả lời

Có thể thấy vụ người nhái hải quân Úc đó là một hành động vươn xa "cơ bắp" của hải quân Trung Quốc, không chỉ với các nước nhỏ ở Đông Nam Á, tỉ như các vụ húc đuổi vào các tàu cá của ngư dân, và sự kiện giằng co kéo dài với Philippines suốt mấy tháng qua. 

Lần này mục tiêu là một tàu hải quân Úc gần vùng biển Nhật Bản, tức va chạm cả hai nước lớn ở hai đầu Thái Bình Dương. Trước kia, Trung Quốc cũng từng có những vụ chiếu tia laser uy hiếp, nhưng là ở Biển Đông, cách xa cả Úc lẫn Nhật Bản.

Trong một góc nhìn khác, có thể nghĩ rằng đây là phản ứng của Bắc Kinh trước việc Úc và Nhật ký kết vào năm ngoái thỏa thuận hợp tác quốc phòng Tiếp cận đối ứng (Reciprocal Access Agreement, RAA), tạo thuận lợi cho hợp tác giữa các lực lượng hai bên trong cung cấp hoạt động huấn luyện quân sự và hoạt động quân sự chung. 

Theo đó hai nước hợp tác di chuyển lực lượng quân sự của mình bất cứ khi nào cần thiết, từ nước này sang nước khác, dưới danh nghĩa thăm viếng.

Mối quan hệ này cũng có tính đến khối ASEAN: "Cả hai nước (Úc và Nhật Bản) đều coi khối Đông Nam Á của ASEAN là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và cả hai đều tích cực hợp tác với các nước Đông Nam Á trong các lĩnh vực bao gồm thương mại, đầu tư, viện trợ, quốc phòng và công nghệ. 

Tương tự như Úc, Nhật Bản có sự hiện diện ngoại giao mạnh mẽ ở Thái Bình Dương và tham gia ở cấp lãnh đạo thông qua Hội nghị Lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương (PALM)".

Trong thực tế, tháng 6 năm nay, Nhật Bản và Úc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự song phương ở Biển Đông. 

Hai nhà nghiên cứu Reika Herman và Mai Takahata của CSIS (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế), trong bài viết "Tokyo và Canberra phối hợp nỗ lực đa phương hóa Biển Đông", giải thích lý do cuộc tập trận: 

"Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán về quân sự trong khu vực, cuộc tập trận thể hiện sự hợp tác ngày càng tăng của hai nước về an ninh hàng hải. Vì tuyến đường thủy này hỗ trợ hơn 40% thương mại của Nhật Bản và gần 90% nhiên liệu nhập khẩu của Úc, nên ổn định ở Biển Đông là rất quan trọng đối với lợi ích kinh tế và an ninh của các quốc gia không có yêu sách (ở Biển Đông)".

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đưa ra chính sách Hỗ trợ an ninh (OSA) bên cạnh gói Hỗ trợ phát triển (ODA) đã có. 

Bộ Ngoại giao Nhật Bản giải thích tại sao lại có OSA: Cơ bản là do Tokyo đang ở giữa môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II, nên nhất thiết phải tăng cường mạnh mẽ khả năng phòng thủ của mình và hỗ trợ cho năng lực an ninh và răn đe của các quốc gia cùng chí hướng nhằm ngăn chặn các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng, đồng thời tạo ra một môi trường an ninh mà Nhật Bản mong muốn. Nước đầu tiên nhận OSA là Philippines với dàn radar kiểm soát không phận.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận