16/04/2018 16:34 GMT+7

Y bác sĩ liên tục bị hành hung: cần nút 'báo động đỏ'?

LAN ANH - HOÀNG LỘC
LAN ANH - HOÀNG LỘC

TTO - Việc bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) bị người nhà bệnh nhân hành hung đã khiến nhiều y bác sĩ lo lắng

Bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhi đánh

Tính chung trong 10 tháng vừa qua, số vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đánh đã tăng 3 lần so với cùng kỳ. Riêng vụ mới nhất (bác sĩ bệnh V.H.C, Bệnh viện Xanh Pôn, bị đánh) là vụ thứ 3 trong nửa đầu tháng 4.

Đại biểu Quốc hội đề nghị "xuống đường" động viên y bác sĩ

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, số vụ bác sĩ bị đánh đang "leo thang". Trong đó có một số vụ nổi cộm kể từ đầu 2018:

- Ngày 20-2, hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung ở Bệnh viện Sản nhi Yên Bái bị chồng sản phụ đánh. Một trong hai bác sĩ bị rách da đầu, khâu 20 mũi.

Lý do, chồng sản phụ đã trèo lên tường khu nhà mổ để chụp ảnh ca mổ và các bác sĩ trong phòng mổ ra hiệu ngăn lại. Sau khi hoàn tất ca mổ, mẹ con sản phụ đều mẹ tròn con vuông.

- Ngày 25-2, nhóm gồm 5 người chửi bới, đuổi đánh các nhân viên y tế, đập vỡ cửa kính ở Bệnh viện đa khoa Bố Trạch, Quảng Bình, sau khi Bệnh viện này tiếp nhận hai nạn nhân bị chấn thương nặng sau tai nạn giao thông. Hai nạn nhân này được các bác sĩ cấp cứu ngay nhưng đã tử vong.

- Ngày 31-3, Bệnh viện đa khoa Bắc Cạn tiếp nhận nữ bệnh nhân 35 tuổi. Khi đang được điều trị thì bệnh nhân than bị đau và tê tay. Chồng bệnh nhân đã đi theo bác sĩ và điều dưỡng, và bất ngờ dúi đầu họ vào tường.

- Ngày 8-4, bác sĩ Nguyễn Đình Phi ở Khoa nhi Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh và sinh viên thực tập Trần Nhật Giáp bị bố bệnh nhi đánh ngay trong quá trình thăm khám cho trẻ. Bác sĩ Phi bị chấn thương vùng mũi, sinh viên Trần Nhật Giáp bị đánh bất tỉnh.

- Ngày 13-4, bác sĩ V.H.C, Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, bị người nhà bệnh nhi bất ngờ đánh vào vùng đầu và mặt khi đang trao đổi với người nhà bệnh nhi.

Theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, các biện pháp ứng phó để bảo vệ thầy thuốc gần đây đều tỏ ra không hiệu quả.

"Chúng tôi mong một biện pháp mạnh, cần một lần xuống đường của mọi người, đặc biệt là những người không phải nhân viên y tế, để động viên tinh thần của các bác sĩ, y tá" - ông Hiếu nói với Tuổi Trẻ.

Nút "báo động đỏ"

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, từ nhiều vụ việc bác sĩ bị hành hung thực sự gióng lên một hồi chuông cảnh báo thực tế hoạt động của nhân viên y tế không được đảm bảo an ninh, an toàn.

Khác với hoạt động trong bệnh viện, cấp cứu là lĩnh vực đặc thù bởi mọi công việc đều được thực hiện ngoài bệnh viện.

Cụ thể, môi trường có thể bất cứ nơi nào, tiếp xúc với đủ loại thành phần nhưng lại không có bảo vệ, không thể liên kết cụ thể với một đơn vị công an nào để được hỗ trợ. Tôi thường hỏi thăm một số nhân viên cấp cứu và ai cũng tỏ ra lo lắng.

Dù chưa ghi nhận trường hợp nào bị hành hung nhưng tình trạng người đi đường say xỉn, va quẹt, chọc ghẹo nhân vân y tế là việc thường xuyên. 

Áp lực này, đòi hỏi nhân viên cấp cứu ngoài việc phải tự bảo vệ mình, đảm bảo an toàn cho người bệnh và phải luôn mềm mỏng để giải quyết mọi vụ việc phát sinh trên đường.

Vừa qua để đảm bảo an ninh, an toàn tại các bệnh viện ở TP, Sở Y tế và Công an TP có họp và nhấn mạnh các bệnh viện phải phối hợp thật chặt với Cộng an địa phương, thậm chí có nhiều bệnh viện đề ra giải pháp ấn nút "báo động đỏ" để Công an kịp thời can thiệp, hỗ trợ.

Vẫn còn một số nhân viên y tế thiếu chuẩn mực

Ngay khi thông tin bác sĩ Xanh Pôn bị hành hung đăng trên Tuổi Trẻ online đã có hàng trăm bạn đọc bình luận.

Ngoài việc lên án hành vi đánh bác sĩ, một số bạn đọc cho rằng cần phải có cái nhìn thấu đáo từ hai phía bác sĩ và người bệnh.

"Thật tiếc, xã hội có những con người không biết phải trái rồi đánh người một cách vô tội vạ, dù đó có thể là ân nhân của mình. Bạn đừng có nghĩ theo chiều hướng nạn nhân phải có gì thì họ mới bị vây"., một bạn đọc viết.

Bạn đọc Tuấn Đăng cho rằng, hành vi người cha trong trường hợp này là không phù hợp.

" Nếu biết nghĩ cho con thì có hành xử như vậy trước mặt con trẻ hay không? Chính những người quá dễ bức xúc tới mất kiểm soát như vậy nên xã hội bây giờ mới có chuyện giết người chỉ vì cho là người ta nhìn đểu, mời rượu không uống hay lỡ cọ quẹt xe. Lúc nào cũng tự cho mình là đúng".

Một bạn đọc khác tỏ ra cẩn trọng khi đưa ra đánh giá "chưa biết ai đúng ai sai". Theo bạn này, những người làm ngành y rất đáng trân trọng, tuy vậy không phải ai làm ngành này cũng chuẩn mực.

"Hôm vợ tôi sanh đứa con đầu tiên, lúc đi lấy giấy chứng sanh một bác sĩ nữ đi tới thăm hỏi tình hình vợ con, sau đó vị bác sĩ hỏi đã bồi dưỡng bác sĩ chưa"., bạn đọc này dẫn chứng.

Bạn đọc Ngọc Thương nhận mình là người làm trong ngành y đưa ra nhìn nhận: "Cán bộ nhân viên y tế rất đông và phần đông là người tốt nhưng vẫn còn có một số ít chưa rèn luyện tốt về phẩm chất, y đức, năng lực của mình làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín chung của ngành y, dược".

Từ thực tế đó, bạn đọc này khuyên người dân nên bình tĩnh góp ý bằng nhiều hình thức như hòm thư, đơn tố cáo…để cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý.

Vụ bác sĩ bị đánh: Nhiều người lạ mặt tìm lãnh đạo khoa Vụ bác sĩ bị đánh: Nhiều người lạ mặt tìm lãnh đạo khoa

TTO - Trong những ngày cuối tuần vừa qua, sau khi clip vụ bác sĩ bị đánh được đưa lên mạng, đã có những người lạ mặt đến tìm và có ý muốn đánh lãnh đạo khoa này.

LAN ANH - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên