Người dân làm thủ tục về hộ khẩu tại Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: TL
1- Năm 2003, tôi từ quê lên Hà Nội học đại học, rồi đi làm, lấy vợ và có con năm 2013. Mười năm đó, tôi vẫn mang hộ khẩu Hà Nam.
Đến 2014, tôi mua đất, xây nhà và định cư ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Hộ khẩu tỉnh lẻ cũng không phát sinh nhiều rắc rối cho tới khi tôi có con nhỏ, và con tôi có nhu cầu được uống vitamin A theo chương trình tiêm chủng mở rộng và đi học mẫu giáo như bao đứa trẻ khác.
Một buổi sớm mùa hè năm 2015, loa phường thông báo trẻ dưới 3 tuổi được uống vitamin A miễn phí tại trạm y tế phường. Tôi đưa con gái ra trạm y tế phường, con tôi không có tên trong danh sách. Tôi băn khoăn, lên hỏi chủ tịch phường thì được trả lời: con tôi không có hộ khẩu tại phường. Chủ tịch phường khuyên tôi nên chuyển khẩu về phường cho tiện.
Rồi con tôi đi học. Vợ chồng tôi buộc phải ra Công an quận Hà Đông làm thủ tục chuyển khẩu để con được đi học đúng tuyến. Việc chuyển khẩu về Hà Nội không vướng víu nhiều vì cả hai đều có việc làm ổn định, có nhà tại Hà Nội, và đáp ứng các điều kiện khác. Nhưng không phải gia đình trẻ nào cũng đáp ứng đủ các điều kiện và cũng lắm chuyện đều phải chịu cảnh phân biệt "con đẻ, con nuôi" như vậy.
2- Một nghiên cứu về hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam đã được nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới phối hợp với Viện Xã hội học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện năm 2016 đã đưa ra một báo cáo khá đầy đủ về các vấn đề phát sinh từ việc quản lý dân cư theo hộ khẩu.
Khoảng 5,6 triệu người dân tại địa bàn khảo sát thuộc 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông, cho rằng: xét về lợi ích vật chất và từ góc độ thị trường lao động, những người đăng ký tạm trú không gặp phải bất lợi, ngoại trừ việc họ khó có cơ hội làm việc cho khu vực công.
Song những người đăng ký tạm trú gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ, đặc biệt về học hành, bảo hiểm y tế cho trẻ em và trong các thủ tục dân sự như đăng ký xe máy, chứng nhận giấy tờ. Có khoảng 70% người dân ở các khu vực khảo sát tin rằng hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền của những người dân không có hộ khẩu và cần giảm bớt những hạn chế này.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 lý do cần cải cách hệ thống hộ khẩu. Thứ nhất, hệ thống hộ khẩu đó là những rào cản mà những người đăng ký tạm trú gặp phải khi tiếp cận những dịch vụ và việc làm trong khối nhà nước, tạo ra những phí tổn xã hội và sự bất công. Thứ hai, những tổn thất này tồn tại ở nhiều hình thức. Các quy định về hộ khẩu làm giảm việc di cư, kìm hãm sự chuyển đổi cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Hộ khẩu áp dụng từ năm 1964, nay đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Nếu bỏ cơ chế hộ khẩu giấy mà vẫn duy trì cơ chế quản lý hộ khẩu theo dạng điện tử hóa thì các quyền tối thiểu của công dân như quyền được làm việc, quyền được học hành và quyền được hưởng các phúc lợi xã hội đôi khi vẫn bị khước từ vì thiếu hộ khẩu tại nơi cư trú.
Nếu chuyển từ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng mã số định danh mà chỉ dừng lại ở vấn đề kỹ thuật sẽ không đạt được mục tiêu cải cách hành chính trong quản lý dân cư.
Việc bỏ cơ chế quản lý bằng hộ khẩu phải bảo đảm cho mọi người được thực hiện quyền công dân của mình ở bất cứ nơi nào họ đến. Người dân mong điều này được thực hiện sớm!
Như cách làm ở Nhật Bản, Chính phủ đồng ý cấp hộ khẩu cho mọi công dân, ở nơi thuận tiện nhất cho công việc và cuộc sống của họ. Có nghĩa người dân được lựa chọn hộ khẩu ở bất cứ nơi đâu trên đất nước, miễn sao nó thuận tiện cho chính người dân mà không có bất cứ rào cản nào về sự phân biệt hộ khẩu.
Mong chờ Bộ Công an
TS Nguyễn Quốc Anh, nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu, thông tin và dữ liệu (Tổng cục Dân số), cho rằng các nước phát triển đều đã thực hiện quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân. Năm 1996, Chính phủ hoàng gia Na Uy giúp đỡ Việt Nam nghiên cứu hoạch định số định danh cá nhân với 12 chữ số, và kho dữ liệu để cấp số định danh này đủ cấp cho tối đa khoảng 200 triệu người.
Việc hình thành một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở cấp mã số định danh cá nhân sẽ giúp chính phủ có được cơ sở dữ liệu để thực hiện các thủ tục, công việc quản lý chính xác và nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và đơn giản mọi thủ tục liên quan đến công dân.
Tuy nhiên, việc bỏ sổ hộ khẩu và quản lý dân cư theo mã số định danh cá nhân trong giai đoạn hiện nay vẫn đang gặp khó khăn. Hiện Bộ Công an mới triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư tại 18/63 tỉnh, thành, mục tiêu sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào năm 2020.
Để sớm hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác để thực hiện. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang chuẩn bị cho tổng điều tra dân số năm 2019 (thời điểm điều tra 1-4-2019), trong tổng điều tra cũng sẽ đăng ký, nhập thông tin của toàn bộ dân số Việt Nam để tổng hợp số liệu. Nếu có sự phối hợp sẽ đẩy nhanh việc thu thập thông tin để hình thành nên một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây chính là mấu chốt để có thể chuyển đổi từ cơ chế quản lý hộ khẩu sang quản lý dân cư theo mã số định danh.
BẢO NGỌC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận