09/06/2016 15:27 GMT+7

​WB tiếp tục hạ triển vọng kinh tế toàn cầu

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7-6 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của thế giới xuống còn 2,4% từ mức 2,9% đưa ra hồi tháng 1 trong bối cảnh sự phục hồi chậm tại các nền kinh tế hàng đầu, trong khi giá hàng hóa thấp ảnh hưởng đến kinh tế nhiều nước.

Báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" cho biết, kinh tế tại các nước xuất khẩu thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng chậm lại nhằm thích ứng với xu hướng giảm giá dầu mỏ và các mặt hàng hóa chủ chốt, yếu tố này tác động tới 40% mức suy giảm kinh tế hiện nay.

Trong khi đó, kinh tế tại các nước nhập khẩu hàng hóa thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có vẻ bền vững hơn, mặc dù những lợi ích do giá dầu và giá hàng hóa ở mức thấp đem lại không được tận dụng triệt để. GDP năm 2016 tại nhóm các kinh tế này dự báo tăng 5,8%, giảm không đáng kể so với kết quả tăng 5,9% trong năm 2015, nhờ giá năng lượng giảm thấp và kinh tế các nước phát triển phục hồi nhẹ.

Trong nhóm các nền kinh tế mới nổi, GDP năm 2016 tại Trung Quốc dự kiến tăng 6,7% sau khi tăng 6,9% vào năm trước; kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng vững và đạt 7,6% trong năm 2016, trong khi kinh tế Brazil và Nga vẫn chìm trong suy thoái với kết cục ảm đạm hơn so với dự báo đưa ra cách đây 5 tháng; kinh tế Nam Phi năm 2016 dự báo tăng 0,6%, giảm 0,2% so với dự báo tăng 0,8% đưa ra hồi đầu năm.

Trong môi trường tăng trưởng ảm đạm, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ gia tăng rủi ro, bao gồm GDP tại các nước mới nổi hàng đầu tiếp tục tăng thấp, tâm lý thị trường tài chính thay đổi mạnh, suy thoái tại các nước phát triển, xu hướng giá cả thấp kéo dài, rủi ro địa chính trị tiếp tục gia tăng, lo ngại về tác động yếu ớt của các biện pháp chính sách tiền tệ.

Tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, GDP năm 2016 kỳ vọng tăng 6,3%, không thay đổi so với dự báo đưa ra cách đây 5 tháng. Trong đó, GDP tại Trung Quốc sẽ tăng 6,7% như dự báo đưa ra hồi đầu năm, GDP tại những nước khác trong khu vực dự báo tăng 4,8%, không thay đổi so với năm 2015. Báo cáo nhận định, triển vọng kinh tế tại khu vực này chịu tác động của xu hướng GDP tăng chậm dần tại Trung Quốc, hoạt động đầu tư gia tăng tại một số nền kinh tế lớn (Indonesia, Malaysia, Thái Lan), giá cả thấp tiếp tục khuyến khích tiêu dùng tại Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Tại châu Âu và Trung Á, GDP năm 2016 kỳ vọng chỉ tăng 1,2%, giảm 0,4% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1-2016 do tình hình kinh tế tại Nga tiếp tục khó khăn. Tình hình địa chính trị tại khu vực này tiếp tục bất ổn, cụ thể là tại Ukraine, Caucasus và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu không tính Nga, GDP tại khu vực này dự kiến tăng 2,9% trong năm 2016. Trong đó, các nước phía đông trong khu vực tăng thấp hơn so với dự báo cách đây 5 tháng do phải thích ứng với giá cả hàng hóa giảm thấp, nhất là giá dầu, kim loại và nông sản. Trái lại, hoạt động kinh tế tại các nước phía tây sẽ hưởng lợi nhờ GDP tại khu vực euro tăng nhẹ và chi phí chất đốt ở mức thấp đã hỗ trợ nhu cầu trong nước.

Tại Mỹ Latinh và Caribe, GDP năm 2016 dự kiến giảm 1,3%, sau khi giảm 0,7% trong năm 2015, lần đầu tiên khu vực này bị suy giảm trong 2 năm liên tiếp trong lịch sử hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, kinh tế tại khu vực này được dự báo sẽ cải thiện dần từ năm 2017 và đạt mức tăng khoảng 2% vào năm 2018. Triển vọng kinh tế có sự khác biệt giữa các nước trong khu vực, các nước Nam Mỹ dự báo tiếp tục giảm 2,8% trong năm nay, sau đó sẽ phục hồi nhẹ từ năm 2017. Trái lại, nhờ ảnh hưởng tích cực từ nền kinh tế Mỹ và xuất khẩu tăng vững, GDP tại Mexico, các nước tiểu vùng và khu vực Caribe dự báo tăng 2,7% trong năm 2016, tăng 2,6% trong năm 2017-2018. Kinh tế Brazil dự báo tiếp tục giảm 4% trong năm 2016, nhưng tình hình có thể sẽ cải thiện từ năm 2017.

Tại Trung Đông và Bắc Phi, GDP năm 2016 được dự báo chỉ tăng 2,9%, giảm 1,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1-2016. Lý do hạ dự báo GDP bắt nguồn từ nhận định giá dầu trong năm nay sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp với mức giá trung bình là 41 USD/thùng. Động lực hỗ trợ tăng trưởng được kỳ vọng nhờ triển vọng phục hồi vững chắc tại Iran, sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ từ tháng 1-2016, kinh tế tại khu vực này sẽ tăng 3,5% trong năm 2017 nhờ giá dầu sẽ tăng trở lại.

Tại các nước Nam Á, GDP được dự báo tiếp tục tăng tốc và đạt 7,1% trong năm 2016, mặc dù xuất khẩu giảm nhẹ do kinh tế tại các nước phát triển tăng thấp hơn kỳ vọng. Đáng chú ý, hoạt động kinh tế tiếp tục sôi động nhờ giá dầu thấp và lạm phát thấp đã khuyến khích nhu cầu trong nước.

Tại khu vực cận Sahara, GDP năm 2016 dự báo chỉ tăng 2,5%, thấp hơn kết quả tăng 3% trong năm trước. Nguyên nhân là do giá cả hàng hóa tiếp tục giảm thấp, kinh tế toàn cầu yếu ớt, điều kiện tài chính khắt khe hơn. Nhu cầu tiêu dùng tại các nước xuất khẩu dầu mỏ hầu như không tăng, các nước nhập khẩu dầu có thể hưởng lợi nhờ giá dầu thấp, nhưng giá lương thực có thể tăng cao do hạn hán, thất nghiệp cao, các động thái phá giá bản tệ sẽ đẩy mặt bằng giá tăng cao, qua đó kìm hãm nhu cầu chi tiêu và các hoạt động kinh tế. Tại nhiều nước trong khu vực, các biện pháp cải cách tài khóa có thể cản trở hoạt động đầu tư do các chính phủ và nhà đầu tư cắt giảm chi phí vốn.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: kinh tế toàn cầu WB