31/01/2018 08:05 GMT+7

Vũ công Quang Đăng: 'nghe tiếng gió cũng nhảy được'

ĐỖ TRƯỜNG thực hiện
ĐỖ TRƯỜNG thực hiện

TTO - Có mặt ở điểm chuyển giao từ nghệ thuật nhảy, múa truyền thống còn khép kín đến thế giới của những bước nhảy hiện đại - văn minh, Quang Đăng điển hình cho những cá tính trẻ mang trong mình sự khát khao vươn ra thế giới.

Vũ công Quang Đăng: nghe tiếng gió cũng nhảy được - Ảnh 1.

Quang Đăng nói trên sân khấu luôn có trường hợp bất ngờ xảy đến, đôi bạn nhảy phải khéo léo ứng biến, nâng đỡ nhau hoàn thành bài diễn - Ảnh: NVCC

Quang Đăng với bài Em gái mưa

Cuộc trở mình của nghệ thuật nhảy, múa vào tầm 5-7 năm trước, khi bộ môn này xuất hiện trên sóng truyền hình trở thành sân chơi lành mạnh, hấp dẫn, đã giới thiệu được những dancer thế hệ mới như Quang Đăng, Lâm Vinh Hải…

Và Quang Đăng nói những người trẻ ở khoảng giao thời đó, hứng chịu sức nén của hai thế giới, hai luồng tư tưởng rằng quan điểm cũ về hoạt động nhảy, múa chưa hẳn chấm dứt và tư tưởng về bước nhảy đương đại xâm nhập chưa đủ mạnh mẽ. 

Chính vì thế, từ sức nén đã tạo nên sức bật.

Vũ công Quang Đăng: nghe tiếng gió cũng nhảy được - Ảnh 3.

Với Quang Đăng, âm nhạc và bước nhảy là nghệ thuật giác quan, luôn có sợi dây liên kết chúng với nhau - Ảnh: NVCC

Sau 5 năm nhảy, múa chuyên nghiệp đi đi về về ở khóa tu nghiệp tại nước ngoài (Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore…) với những trải nghiệm có chua xót có thăng hoa trong nghề này ở Việt Nam, Quang Đăng đã kiến tạo thế giới nghệ thuật của riêng mình, mà ở đó mỗi chuyển động cơ thể luôn chứa đựng câu chuyện.

Khán giả có thể xem Quang Đăng dựng bài và thực hiện vũ đạo trên nền các ca khúc "hit" như Say something, Just give me a reason, hay Em gái mưa, Đâu chỉ riêng em…

Ở những sản phẩm này, Quang Đăng thể hiện sự sáng tạo, cập nhật bước nhảy đương đại, cũng như khả năng diễn xuất nội tâm của mình. 

Tuy chưa thực chỉn chu về mọi mặt song vẫn thắp lên niềm tin về việc Quang Đăng đang từng bước thực hiện tham vọng đưa dấu ấn bước nhảy Việt vươn ra thế giới.

Vũ công Quang Đăng: nghe tiếng gió cũng nhảy được - Ảnh 4.

Theo Quang Đăng, để không trở thành người thợ nhảy, bản thân vũ công cần hiểu rõ cơ thể mình, mọi chuyển động đều phải mang ý nghĩa - Ảnh: NVCC

* Từ sau năm 2012, bước ra từ sân chơi Thử thách cùng bước nhảy (So you think you can dance) đến nay, khán giả vẫn nhắc đến Quang Đăng như một "dancer điển trai" hơn là các dự án nghệ thuật, cộng đồng anh thực hiện?

- Đăng may mắn được khán giả yêu thích vẻ bề ngoài, đó là lợi thế để nhiều ca sĩ mời biên đạo, nhảy trong các MV hoặc buổi trình diễn của họ. Đăng không hề ỷ lại, Đăng vẫn hoạt động nhảy, múa nghiêm túc.

Hồi mới vào nghề, Đăng gặp rất nhiều khó khăn khi theo đuổi đam mê nhảy, múa. Thời sinh viên đi nhảy đã bị gia đình phản đối, đến khi có chút thành công được ba mẹ ủng hộ thì vấp phải sự cạnh tranh gay gắt cũng như tư tưởng cũ kĩ của đồng nghiệp trong nhóm nhảy. 

Có người bảo Đăng rằng làm dancer chỉ nên tập tành sơ sơ đủ để kiếm tiền ăn là được rồi.

Đăng là người mang nhiều hoài bão về nghề, những tư tưởng bảo thủ như thế không đánh gục được Đăng. 

Nhảy chưa đẹp, nhóm không cho đi diễn cũng là động lực để Đăng tìm tòi học hỏi ở đàn anh, ở mỗi nhóm nhảy một chút hay ho. Rồi Đăng học diễn xuất, học nhạc, đi tu nghiệp ở nước ngoài để bổ trợ cho nghề.

Quang Đăng với bài Say something - a great big world

* Từ trải nghiệm cá nhân, Quang Đăng thấy thế hệ vũ công trẻ ở Việt Nam đang gặp những vấn đề gì?

- Đó là tư tưởng. Tư tưởng của khán giả về nghề nhảy, múa và tư tưởng của vũ công trẻ đối với nghề. Trước kia, mọi người thường đánh đồng các vũ công là trai nhảy, gái nhảy, hoạt động khá mờ ám trong các vũ trường, hộp đêm. 

Bây giờ khán giả có cái nhìn cởi mở, công nhận vũ công hoạt động lành mạnh, văn minh thì chính người trong cuộc lại truyền tư tưởng bảo thủ cho lớp vũ công trẻ.

Đăng mất một khoảng thời gian khá dài để xác định tư tưởng làm nghề. Từ kinh nghiệm cá nhân, Đăng dạy học trò trong nhóm Life Dance rằng phải biết được giá trị cốt lõi của một vũ công là sự chân thành, đam mê và trách nhiệm.

Đăng biết, ngày càng nhiều những vũ công "alo", nghĩa là nhảy theo dạng tự do mà không theo một nhóm nào, ai gọi thì làm, và thường làm ẩu. Người trẻ thường lao về phía hào quang tìm sự nổi tiếng mà ít chịu sự rèn luyện. Vũ công là tập luyện theo giờ tập thể, các bạn trẻ không đủ kiên trì đã bỏ tập đi nhảy kiểu "alo", sô chậu sẽ khó đi đường dài.

Vũ công Quang Đăng

Vũ công Quang Đăng: nghe tiếng gió cũng nhảy được - Ảnh 6.

Với một vũ công trẻ để đi được đường dài cần kiên trì tập luyên theo giờ tập của tập thể, nhóm nhảy - Ảnh: NVCC

* Theo dõi các clip Quang Đăng dựng bài nhảy trên nền nhạc các bài "hit" của âm nhạc thế giới và trong nước, tôi thắc mắc ranh giới giữa nghệ thuật biểu diễn hình thể và "múa may quay cuồng" trên sàn diễn là gì, thưa anh?

- Vũ công trên sân khấu phải biết tiết chế để điều khiển cơ thể, chưa kể trước đó phải tập luyện kĩ càng để phục vụ người thưởng thức. 

Để không trở thành người thợ nhảy, bản thân vũ công cần hiểu rõ cơ thể mình, mọi chuyển động đều phải mang ý nghĩa.

Tuy nhiên, luôn có những trường hợp bất ngờ xảy ra trên sân khấu như đặc trưng của nghề nhảy, múa là rách áo quần vì động tác xé, xoạc khá nhiều hay chất lượng sàn diễn không tốt (trơn trượt vì xà phòng, có đinh rơi rớt)… thì vũ công và bạn nhảy phải kịp thời ứng biến, khéo léo nâng đỡ nhau để hoàn thành phần trình diễn.

Quang Đăng & Hoàng Yến với bài Just give me a reason

* Làm thế nào để nhảy, múa là nghệ thuật sáng tạo hòa quyện với âm nhạc chứ không là minh họa cho bài hát?

- Tùy vào mục tiêu hoạt động của từng nhóm nhảy, vũ công. Khi xác định dựng bài cho ca sĩ, nhiệm vụ của người biên đạo, người vũ công là làm nổi bật phần trình diễn của ca sĩ. 

Còn nếu phần biểu diễn của nhóm nhảy, thì trách nhiệm của người biên đạo là sắp xếp, dựng động tác cho cả nhóm cùng nổi bật chứ không riêng một cá nhân nào.

Âm nhạc và bước nhảy là nghệ thuật của giác quan. Người vũ công giỏi không cần âm nhạc vẫn nhảy được, họ chỉ cần âm thanh như tiếng gió cũng nhảy được, cơ thể cũng "feel" được. Tuy vậy, âm nhạc sẽ giúp sự chuyển động vũ công nhảy được thăng hoa gấp nhiều lần.

Vũ công Quang Đăng

Vũ công Quang Đăng: nghe tiếng gió cũng nhảy được - Ảnh 10.

Quang Đăng trên sàn tập

* Khoảnh khắc Quang Đăng cảm thấy yêu nhảy, múa nhất? Và tham vọng của anh với nghề?

- Năm qua, do tập khá nhiều Đăng bị chấn thương ở vai nên hạn chế tập lại. Mỗi lần đến phòng tập, Đăng tập 15-20 phút là nghỉ ngơi vì thấy đau. 

Đăng thích tập một mình trong phòng, dưới ánh đèn, xung quanh là những tấm gương phản chiếu hình ảnh để soi mình vào đó nhắc nhở bản thân kiên trì với đam mê.

Đăng luôn khát khao một ngày nào đó giới thiệu được điệu nhảy, điệu múa đặc trưng của nước mình ra ngoài thế giới, chẳng hạn như múa dân gian ở khắp các vùng miền nước ta. Và Đăng đang từng bước thực hiện dự định nho nhỏ để tiến gần hơn ước mơ lớn này.

Lúc cô đơn nhất cũng là lúc mình cần bứt phá, sáng tạo hơn trong nghề nhảy, múa. Trải qua những khoảnh khắc này, khi trình diễn trên sân khấu được khán giả vỗ tay, khán giả cười khóc cùng bước nhảy của mình là điều Đăng thấy hạnh phúc nhất.

Vũ công Quang Đăng

Mỹ Tâm quay one shot Đâu chỉ riêng em, Quang Đăng cũng quay one shot nhảy trên nền bài hát này


ĐỖ TRƯỜNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên