Phóng to |
Quả đá penalty của một cầu thủ “lão bà” - Ảnh: The Salad |
Dưới cái nắng chang chang giữa vùng hoang mạc của thị trấn ngoại ô Tzaneen, tỉnh Limpopo (cách thủ đô Johannesburg 600km về phía bắc), giải đấu dành cho các đội bóng gồm các bà lão trong khu vực diễn ra vô cùng quyết liệt.
Những tiếng hò hét cổ vũ của hàng trăm CĐV là con cháu các “cầu thủ” cùng tiếng kèn vuvuzela inh ỏi góp phần làm sôi động một vùng hoang vu. Cô bé 13 tuổi Chamelius Bayani nói: “Tôi cảm thấy rất tuyệt khi thấy các bà, các cô chơi đá bóng. Bóng đá giúp họ sống tốt và khỏe mạnh hơn”.
Trang phục trên sân cũng khá vui mắt theo kiểu có gì mặc nấy. Trong đó, không ít cầu thủ tranh bóng quyết liệt với chiếc tạp dề trên người. “Cầu thủ” nhỏ tuổi nhất đã sắp 50 tuổi, còn người lớn nhất xấp xỉ 90.
Đội bóng được thành lập đầu tiên tại Limpopo là Vakhegula Vakhegula (theo thổ ngữ có nghĩa là “lão bà”). Hiện đội có gần 40 thành viên ở độ tuổi 45 đến hơn 80. Vakhegula được thành lập ngay khi Nam Phi giành quyền đăng cai vòng chung kết World Cup 2010 vào năm 2006 do Beka Ntsanwisi - một bà lão vừa chiến thắng căn bệnh ung thư phổi - thành lập.
Ntsanwisi nói: “Mỗi khi đến bệnh viện, tôi thấy nhiều bà lão với những căn bệnh cao huyết áp, viêm khớp và tiểu đường. Tôi tự bảo phải làm gì đó giúp họ và giúp mình. Bác sĩ bảo tôi phải tập luyện thể thao để có sức khỏe chống chọi với bệnh tật. Tôi và vài người hàng xóm chọn đá bóng vì cơn sốt World Cup 2010. Không ngờ ngày càng có nhiều người tham dự và thế là chúng tôi thành lập đội bóng”.
Đến nay Limpopo có bảy đội tập luyện thường xuyên và thường thi đấu các giải địa phương với nhau. Nari Baloyi (47 tuổi, một trong những cầu thủ “trẻ” nhất) nói: “Tôi thích bóng đá vì nó rất có ích. Dù từng bị bệnh liên miên nhưng nhờ bóng đá huyết áp của tôi ổn định. Thậm chí các bác sĩ còn kinh ngạc khi khám lại cho chúng tôi”.
Cụ bà 83 tuổi Nora Makhubela, người từng trải qua sáu lần bị đột quỵ, cũng công nhận “bóng đá là phương thuốc thần diệu” khi nói: “Cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi nhờ quả bóng. Bây giờ nếu chạy đua với nhiều người trẻ hơn tôi vẫn có thể giành chiến thắng”.
Nhưng cũng có người đến với bóng đá để ủng hộ vòng chung kết World Cup 2010. Bà Mudjadji Makondo, 68 tuổi, nói với Reuters: “Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện Chúa cho tôi sống đến hết vòng chung kết World Cup, bởi tôi mong muốn được xem các trận đấu”.
Bóng đá thật sự giải phóng những phụ nữ này khỏi chiếc tạp dề, cái vòng luẩn quẩn với đồng áng và những công việc nội trợ hay bán hàng rong trên đường phố... Bóng đá cũng giúp họ yêu thương và đoàn kết hơn bởi để có thể tập hợp thường xuyên, họ phải phụ giúp lẫn nhau hoàn thành công việc thật nhanh để đi đá bóng.
Ngoài ra, các thành viên phải đóng tiền quỹ 1 USD/tháng để mua bóng, trang thiết bị và di chuyển đến sân khách thi đấu. Đây là số tiền không nhỏ với đa số họ và nhiều người đã phải bán tài sản trong nhà để được tham gia đội bóng.
HLV David Maake của đội Vakhegula Vakhegula cho biết làm việc với những bà lão này tuyệt vời hơn bất cứ công việc huấn luyện nào khác. Maake nói: “Với những cậu bé, bạn cần phải có nhiều tiền để khuyến khích và đào tạo. Còn ở đây, dù đang bị stress nhưng tôi cũng quên đi mọi phiền não bởi những... tràng cười nôn ruột”.
Để hưởng ứng vòng chung kết World Cup 2010, các đội bóng đề xuất với ban tổ chức về việc được chơi mở màn trước trận khai mạc giữa chủ nhà Nam Phi - Mexico.
Ý tưởng này nhận được sự hoan nghênh của Liên đoàn Bóng đá Nam Phi và ban tổ chức hứa sẽ xem xét đề nghị này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận