16/08/2019 09:09 GMT+7

Vô tư xài giống lậu, hoa Đà Lạt khó xuất khẩu

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Dùng giống hoa không có bản quyền đang cản đường phát triển ngành hoa, tỉnh Lâm Đồng đang có những biện pháp để nông dân tiếp cận giống có bản quyền, mở rộng hơn xuất khẩu.

Vô tư xài giống lậu, hoa Đà Lạt khó xuất khẩu - Ảnh 1.

Công ty giống Hivico (P.11, Đà Lạt) nhân giống hoa cúc có bản quyền của Nhật Bản - Ảnh: M.VINH

Những câu chuyện nạn nhân và thủ phạm của nạn giống lậu được thảo luận nhiều tại tọa đàm "Tình hình thực hiện bản quyền giống hoa tại Lâm Đồng" do Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng phối hợp Hiệp hội Hoa Đà Lạt tổ chức ngày 15-8.

Khó xuất khẩu vì giống lậu

Ông Võ Quốc Huy (nông dân P.12, Đà Lạt) trồng hoa đã hơn 20 năm tại Đà Lạt cho rằng thói quen của nông dân khi trồng hoa là đến cửa hàng bán giống, chọn giống nào đẹp, đúng nhu cầu thị trường. "Nếu bắt lỗi thì phải bắt lỗi trại giống vì họ chịu trách nhiệm nhập, sao chép và bán".

Câu chuyện của ông Huy là thực tế phổ biến tại Đà Lạt. Ông Nguyễn Văn Bảo - phó tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm - cho biết doanh nghiệp cũng là nạn nhân của xâm phạm bản quyền giống. 

"Năm 2010, đơn vị tôi bắt đầu sản xuất cúc calimero. Đây là giống mới hoàn toàn đơn vị được độc quyền kinh doanh. Năm 2011, 1,3 triệu cành cúc được xuất sang Nhật Bản. Đến năm 2014 chúng tôi bán thử 1,4 triệu cành ở Việt Nam, chỉ 2 năm sau, khi thủ tục bảo hộ tại thị trường Việt Nam chưa tiến hành xong thì loại cúc này được bán tràn lan... Bộ phận pháp lý của chúng tôi rất vất vả để ngăn chặn" - ông Bảo nói.

Ông Đặng Bảo Vinh (nông dân P.12, Đà Lạt) nhìn nhận câu chuyện mà ông Bảo nêu ra bằng cả sự áy náy của người nông dân: "Tôi cũng trồng hoa calimero mà không hề biết có va chạm như vậy. Nông dân chúng tôi cần giống hoa có bản quyền, đẹp, đúng thị hiếu nhưng hiện không biết phải giải quyết nhu cầu này ở đâu? Nói thiệt, ai bán chúng tôi mua".

Ông Lại Thế Hưng - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng - cho biết giống hoa lậu có đường đi bắt đầu từ những trại giống tư nhân. Các trại giống này mỗi năm bán ra thị trường khoảng 45 triệu cây giống hoa. Đa số là giống không có bản quyền, phần còn lại là bản quyền đã hết thời hiệu bảo hộ. 

Theo ông Hưng, 90% giống sao chép là do các trại giống nhập tiểu ngạch, do đó nông dân mua về trồng không thể xuất khẩu cũng như không thể bán cho các cơ sở xuất khẩu.

Hỗ trợ dân thôi xài hàng lậu

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, vùng hoa Đà Lạt nhập hơn 50 triệu USD giống hoa/năm. Do thiếu nguồn cung chính ngạch nên nông dân chủ yếu dùng giống do đối tác liên kết cung cấp hoặc nhập tiểu ngạch. 

Trong một trao đổi mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng - cho rằng không chủ động giống có bản quyền khiến nông dân lệ thuộc vào đối tác liên kết, khiến lợi nhuận giảm. Vì lệ thuộc, nông dân cũng không thể đa dạng việc xuất khẩu.

Cũng theo ông Sơn, mỗi năm Đà Lạt xuất khẩu hơn 3 tỉ cành hoa (chiếm 10% sản lượng). Nếu lượng nông dân sử dụng giống có bản quyền tăng lên thì tỉ lệ hoa xuất khẩu cũng sẽ tăng lên, dự kiến có thể lên đến 5 tỉ cành/năm trong 5 năm tới.

Ông Nguyễn Thanh Minh - tổng thư ký Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam - cho biết các thông tin pháp lý về bản quyền giống đã có trên cổng thông tin của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT. Đà Lạt phải có phương án cung cấp thông tin rộng rãi cho người dân và hướng dẫn họ tiếp cận.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên