19/01/2009 04:28 GMT+7

Vợ lính theo chồng ra đảo

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
NGUYỄN ĐỨC TUYÊN

TT - Trong những ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi cùng các lãnh đạo vùng 4 hải quân ra thăm chiến sĩ trên các đảo Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Nơi đây không chỉ có những người lính canh giữ biển trời mà còn có cả những người vợ tình nguyện ra đảo, nguyện làm “hậu phương vững chắc”, giúp chồng yên tâm công tác.

fSnPkDIF.jpgPhóng to

Gia đình trung úy Lương Thế Tùng ở đảo Phú Quý (Bình Thuận)

Dù đã theo chồng ra sống tận đảo nhưng nhiều chị em vẫn phải... xa chồng. Trần Thị Hải Vân, vợ trung úy Trần Thanh Tùng, kể: “Khi anh còn đóng trên Côn Đảo, vì là lính rađa nên trực suốt, cả tuần vợ chồng mới gặp nhau một hai lần. Nay anh lại ra Trường Sa công tác, tết này chúng tôi lại trở thành vợ chồng Ngâu”...

Xóm vợ lính đảo

Tại Côn Đảo, ngay trước cổng một đơn vị rađa đã có hơn 10 nóc nhà gia đình lính đang sinh sống. Dân trên đảo thường gọi nơi này là “xóm vợ lính đảo” hay “xóm vắng chồng” - vì trong những ngôi nhà ấy chỉ có bóng dáng các bà vợ; còn chồng, những người lính rađa - đang đi làm nhiệm vụ tận ngoài Trường Sa.

Chúng tôi đến thăm “xóm vợ lính đảo” vào đêm tháng chạp, trời se se lạnh, mới 8 giờ tối mà xóm đã im lìm. Ghé căn nhà đầu xóm lúp xúp trong bóng cây, chúng tôi gõ vào cánh cửa tôn. Chị Trần Thị Hải Vân, chủ ngôi nhà, ra mở cửa. Phủi bụi vội chiếc ghế và mặt bàn, chị Vân vừa mời chúng tôi ngồi vừa phân trần: “Lâu lắm rồi nhà mới có khách. Chồng tôi đã ra Trường Sa công tác hơn hai năm rồi chưa về...”.

Ngôi nhà chị Vân đang ở làm toàn bộ bằng tôn. Tôn được cột dây kẽm với những cây bạch đàn vừa bằng bắp tay dựng làm vách. Trên nóc nhà cũng là những tấm tôn cột kẽm với đủ loại thân cây vừa bằng cổ tay. Ấy vậy mà chị Vân đã sống trong căn nhà này gần năm năm nay. Xung quanh nhà là bóng những cây bàng che phủ. Chị Vân cho biết ngay mảnh đất cất nhà cũng là mượn của đơn vị chồng.

Năm 2004, chị Vân và anh Tùng cưới nhau. Khi anh Tùng hết phép cũng là lúc chị Vân chia tay cha mẹ ở Nam Định để ra đảo sống cùng chồng. Chị Vân là con cả trong một gia đình khá giả, vừa tốt nghiệp ĐH nên bố mẹ chẳng muốn cô con gái rượu phải đi xa. Chị tâm sự: “Ở nhà từ nhỏ, lớn lên đi học, chẳng phải làm gì nặng nhọc nên tôi rất sợ khi phải ra đảo sống cùng chồng. Nhưng vợ chồng phải chăm sóc, nâng đỡ nhau và tôi cũng muốn anh yên tâm công tác nên mới quyết định rời xa gia đình. Khi ra đảo chưa tìm được việc làm tôi còn phải nuôi heo, gà, phát rẫy trồng rau suốt hai năm. Lúc ấy cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn nên tôi đành gửi con về quê cho ông bà nuôi giúp. Nay cháu đã hơn 3 tuổi...”.

Nhắc đến chuyện chồng con, chị Vân lại ngân ngấn nước mắt: “Tết năm rồi nhà tôi vắng bóng chồng, thiếu tiếng bi bô của con. Đêm 30 tết tôi khóc cả đêm, cố không khóc mà nước mắt cứ chảy. Hôm rồi đơn vị anh ấy vừa thông báo tết này anh phải trực ngoài Trường Sa. Lại thêm một cái tết nữa tôi không có chồng, có con bên cạnh. Nhưng thương nhất là anh ấy, ngoài đảo sóng to gió lớn không biết ra sao...”. Bỏ lửng câu nói, hai hàng nước mắt chị Vân lại chảy dài.

Chị Nguyễn Thị Thu quê ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng sống cùng chồng là trung úy Trần Xuân Hồng trên đảo đã 12 năm nay. Ngay sau ngày cưới, vợ chồng chị Thu phải chia tay bà con họ hàng, dắt díu nhau ra đảo để kịp cho anh vào ca trực. Chị Thu nhớ lại: “Bước chân lên đảo trong túi vợ chồng còn đúng 50.000đ. Các anh trong đơn vị chồng mỗi người tặng ít gạo, củi, mắm, muối và cho ở nhờ ngay trong doanh trại. Suốt một năm đó tôi đi làm thợ hồ kiếm tiền, hai vợ chồng sống tạm qua ngày. Cứ thế rồi khó khăn cũng qua. Quan trọng nhất là vợ chồng được sống gần nhau...”.

WIQfiUiv.jpgPhóng to
Chị Đỗ Thị Hạ - vợ thiếu úy Trịnh Xuân Đặng (đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa) - và con trai Trịnh Đỗ Trường Sa.

16 năm sống ở đảo

Trung úy Lương Thế Tùng, rời xa quê nhà ở thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), ra đảo Phú Quý công tác được đúng 13 năm, nhận xét: “Mười ba năm công tác tại đây tôi phát hiện đất đảo này rất ít chim chóc. Nhiều khi đi cả ngày cũng chẳng thấy một bóng chim bay...”. Gần ba ngày sống cùng những người lính trên đảo, chúng tôi cũng không hề nghe tiếng chim hót. Nhiều người cho rằng do thời tiết trên đảo quá khắc nghiệt, luôn chịu những cơn cuồng phong từ biển quất thẳng vào nên chim trời cũng sợ, không dám bay về làm tổ. Dù đảo Phú Quý không phải “đất lành” để “chim đậu” nhưng vẫn có hai chị em Nguyễn Thị Minh và Nguyễn Thị Thanh Tú rời quê nhà ở Hà Tĩnh ra sống cùng chồng nơi đầu sóng ngọn gió này.

Năm 1989, chị Nguyễn Thị Minh và anh Hồ Văn Phan cưới nhau tại quê nhà. Sau ngày cưới anh Phan phải trở ra đảo Phú Quý công tác. Ngày anh đi chị Minh chưa kịp báo tin vui mình đã mang thai. Anh ra đảo được gần tháng thì chị Minh mới ốm nghén. Khi biết tin, gặp ai trong đơn vị anh Phan đều cười toét, khoe: “Vợ tớ mang bầu rồi, mình sắp có cu tí ẵm bồng nhá!”. Khi cậu con trai đầu lòng được 3 tuổi, sau bao ngày trăn trở, năm 1993 chị Minh quyết định rời xa đất liền ra đảo sống cùng chồng.

Chị Minh tủm tỉm: “Anh ấy dụ mình khéo lắm. Toàn tả cảnh đảo, cảnh biển bao la đẹp như tranh để mình nôn nao tò mò muốn biết. Nói là vậy, thật ra tôi muốn được sống gần chồng như bao phụ nữ khác nên ra đây sống hơn 16 năm nay...”. Ra đảo một thời gian, chị Minh đã làm mai cô em gái là Nguyễn Thị Thanh Tú cho trung úy Lương Thế Tùng đang công tác cùng đơn vị với chồng mình.

Theo lời chị Minh, năm 2001 Tú cùng chồng ra sống trên đảo. Nay hai chị em Minh và Tú vẫn phải ở nhờ nhà của đơn vị. “Dù cuộc sống còn nghèo, ngay như muốn trồng luống rau xanh cũng khó trần ai. Nhưng đổi lại vợ chồng được sống cùng nhau là hạnh phúc anh ạ”, chị Tú thật thà bộc bạch.

...Nơi đầu sóng ngọn gió, dáng người lính hải quân đang đứng gác vùng trời, vùng biển cho Tổ quốc chắc chắn luôn thấp thoáng hình bóng những người vợ. Chúng tôi nhận ra điều ấy khi vẫy tay chào tạm biệt những người lính đảo.

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên