22/09/2017 16:24 GMT+7

Viện kiểm sát khẳng định hồ sơ đại án OceanBank không bị đánh tráo

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Chiều 22-9, phiên xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện KSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa.

Viện kiểm sát khẳng định hồ sơ đại án OceanBank không bị đánh tráo - Ảnh 1.

Trong những ngày xét xử vừa qua, hàng chục luật sư đã đưa ra nhiều căn cứ để bào chữa cho các bị cáo và phản bác lại bản luận tội của đại diện viện kiểm sát. Đại diện viện kiểm sát đã đối đáp lại theo từng nhóm tội.

Không có việc đánh tráo hồ sơ

Theo đại diện viện kiểm sát, tại tòa luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) cho rằng có 81 bút lục trong vụ án bị rút ra, thay thế bằng 81 bút lục khác. 

Tuy nhiên, qua kiểm tra biên bản bàn giao hồ sơ vụ án giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát, giữa viện kiểm sát và tòa án, đại diện viện kiểm sát khẳng định: "Hồ sơ vụ án nguyên vẹn, không mất"

"81 bút lục luật sư Thơ cho rằng bị rút ra là tài liệu trước khi khởi tố vụ án Hà Văn Thắm, do điều tra viên khác, không phải điều tra viên được phân công trong vụ án thực hiện. Chúng tôi cũng đã cẩn trọng nghiên cứu các bút lục này thì nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín, không nằm trong pham vi xem của vụ án này" - đại diện VKS cho biết.

Làm trái khiến tham nhũng phát triển

Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tại tòa các bị cáo và luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo là không làm trái. Việc chi lãi ngoài nhằm tránh sự đổ vỡ cho ngân hàng. OceanBank không có thiệt hại 1.576 tỉ đồng như cáo trạng quy kết.

Đại diện VKS cho rằng căn cứ lời khai của các bị cáo, người liên quan, nguyên đơn dân sự và chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được cho thấy số tiền hơn 1.576 tỉ đồng mà các bị cáo chi lãi ngoài là trái nguyên tắc quản lý kinh tế, được chi từ 3 nguồn trái quy định. 

Khoản tiền này đã được chi không có chứng từ hóa đơn hợp lệ, trái với quy chế tài chính của OceanBank.

Đại diện viện kiểm sát nhấn mạnh hậu quả của việc thất thoát số tiền trên không chỉ là thiệt hại về vật chất mà thiệt hại cả về phi vật chất, tạo điều kiện cho tội phạm về tham nhũng phát triển.

Cụ thể trong vụ án này có các bị cáo đã bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản;  Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tiếp tục có các vụ án đang được cơ quan điều tra khởi tố, điều tra ở giai đoạn II. 

Nghiêm trọng hơn là đã đánh mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với hoạt động không minh bạch của một số cơ quan Nhà nước, tổ chức tín dụng

Theo đại diện VKS, số tiền thất thoát đã khiến OceanBank nợ xấu, lỗ, âm vốn chủ sở hữu khiến Ngân hàng Nhà nước phải mua lại OceanBank với giá 0 đồn, gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của OceanBank đối với khách hàng; chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các cổ đông góp vốn. 

Trong đó Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp nhà nước với  800 tỉ đồng đã bị mất.

"Các bị cáo làm lĩnh vực ngân hàng phải biết chi tiền cần có địa chỉ, có người nhận nhưng lại chi hàng ngàn tỉ đồng không có chứng từ, không có hóa đơn. Thử hỏi các bị cáo tuân thủ pháp luật ở đâu, trường lớp nào dạy các bị cáo"- Lời đại diện VKS.

Nguyễn Xuân Sơn tham ô, chiếm đoạt tài sản

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank) và luật sư của Sơn nói bị cáo không tham ô, không lạm dụng chức vụ chiếm đoạt hơn 300 tỉ đồng. 

Lý do vì bị cáo Sơn không phải là người đại diện cho PVN tại OceanBank, 49 tỉ đồng do Sơn nhận không phải của PVN..

Về vấn đề này, đại diện VKS cho rằng số tiền 1.576 tỉ đồng OceanBank chi lãi ngoài là tiền được huy động từ nhiều nguồn. Vì vậy ngân hàng phải sử dụng đúng mục đích, không được hạch toán nhầm, hạch toán bừa, hạch toán sai.

Khoản tiền này là sở hữu của các cổ đông góp vốn, đặc biệt là cổ đông lớn như  PVN. Tuy nhiên, trong tổng số tiền nêu trên thì Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt 246 tỉ đồng. Chia theo tỉ lệ góp vốn, VKS xác định tiền của PVN bị Sơn chiếm đoạt là 49 tỉ đồng.

VKS cho rằng Nguyễn Xuân Sơn phải chịu trách nhiệm về số tiền 246 tỉ đồng , được trừ đi số tiền 20 tỉ đồng đưa cho Ninh Văn Quỳnh (phó tổng giám đốc PVN).

Đại diện VKS cũng cho rằng 34 giám đốc chi nhánh OceanBank không cản trở việc chi lãi ngoài mà lại tiếp nhận chủ trương của Hà Văn Thắm là phạm tội cố ý gián tiếp.

Trong phần đối đáp, đại diện VKS cũng thay đổi quan điểm, đề nghị tòa miễn trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ tội cho một số bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh OceanBank.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần tranh luận.

Nhiều cá nhân bị xử lý vì chi lãi ngoài?

Việc các bị cáo và luật sư cho rằng thời điểm 20099- 2014, nhiều ngân hàng chi lãi suất vượt trần nhưng không bị xử lý trừ OceanBank, đại diện VKS cho biết thời gian qua, có nhiều vụ án đã bị xử lý như Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) cho vay liên ngân hàng nhưng lại núp bóng ủy thác để cá nhân thực hiện; đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng) đã lập hợp đồng khống rút tiền chi lãi ngoài.

"Một số ngân hàng chi lãi suất vượt trần nhưng cần xem xét quy mô, hành vi đó có tiêu cực có tham nhũng hay không. OceanBank có hành vi tiếp tay cho Nguyễn Xuân Sơn tham nhũng nên bị xử lý. Các luật sư nói nhiều ngân hàng chi lãi ngoài nhưng không bị xử lý là chỉ nêu chung chung, không có số liệu, ngân hàng cụ thể.."- Đại diện Viện kiểm sát cho biết.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên