05/03/2019 10:12 GMT+7

Vì sao bệnh viện thành con nợ?

LAN ANH - HOÀNG LỘC
LAN ANH - HOÀNG LỘC

TTO - Đã sang tháng 3-2019, nhưng nhiều bệnh viện vẫn chưa được Bảo hiểm xã hội trả nốt khoản tiền đã chi cho khám chữa bệnh của năm 2017, lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Tình trạng này khiến nhiều bệnh viện thường xuyên nhận được "trát" đòi nợ của nhà cung cấp thuốc, vật tư y tế...

Vì sao bệnh viện thành con nợ? - Ảnh 1.

Bệnh nhân chờ nhận thuốc bảo hiểm y tế tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có văn bản cho rằng Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành hai công văn với nhiều nội dung không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Đây không phải lần đầu tiên hai ngành y tế, bảo hiểm có mâu thuẫn, nhưng lại không dễ giải quyết mâu thuẫn này.

Nếu chi đúng sẽ tiết kiệm được cho quỹ bảo hiểm. Bằng chứng là chỉ tiết kiệm những vật tư tưởng chừng không đáng bao nhiêu như đôi găng tay, kim châm cứu... đã tiết kiệm được tới 2.200 tỉ đồng

Một lãnh đạo BHXH VN

Kêu rồi vẫn... nợ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô chia sẻ, đã sang tháng 3-2019, nhưng hiện bệnh viện vẫn chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả hơn 20 tỉ đồng đã chi cho khám chữa bệnh từ năm 2017. Năm 2017 vẫn chưa trả hết tiền, tất nhiên là chi phí khám chữa bệnh năm 2018 đến giờ vẫn chưa thanh toán xong và vẫn đang ở mức "tạm ứng 80%" chi phí.

"Vì bị nợ tiền, bệnh viện phải ưu tiên chi trả những chi phí cần kíp, như tiền điện, nước, vệ sinh, nếu không trả thì bị cắt điện, cắt nước ngay; rồi chi trả phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật cho cán bộ nhân viên. Còn tiền vật tư, hóa chất, thuốc thì luôn phải giãn nợ; nói chung là cái gì nợ được, bệnh viện đều phải nợ. 

Chúng tôi cũng thường xuyên nhận được những thông báo dừng cung cấp thuốc, vật tư và phải thường xuyên xin khất, đặc biệt là khất các công ty cung cấp thuốc độc quyền. Bệnh viện đã kêu lên Bộ Y tế, lên Chính phủ, đã giải trình với bảo hiểm, nhưng vẫn chưa được trả tiền" - vị lãnh đạo này cho biết.

Không những bị "treo" những khoản đã chi trả cho khám chữa bệnh, các bệnh viện hiện còn bị treo tổng số khoảng 2.200 tỉ đồng, là khoản chi phí đã dư so với định mức khám chữa bệnh. Theo đó, qua các đợt giám định của cơ quan bảo hiểm, các đoàn giám định phát hiện lượng găng tay, kim châm cứu, vật tư y tế sử dụng ít hơn so với định mức cấu thành giá dịch vụ y tế. 

Khoản "dư ra" này lên tới 2.200 tỉ đồng. Trong cuộc họp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN hồi tháng 2 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu phía bảo hiểm phải sớm thanh toán khoản bị treo này cho các bệnh viện.

"Định mức, cơ cấu giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành đúng theo thẩm quyền, trong trường hợp có bất hợp lý thì đề nghị thay đổi, nhưng vẫn phải chi trả theo đúng giá, đó là nguyên tắc tuân thủ pháp luật. Nếu cơ quan bảo hiểm cứ "treo" thì số tiền treo ấy dùng vào việc gì, có minh bạch hay không?" - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang băn khoăn.

Bảo hiểm: "cái gì cao, nên điều chỉnh"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bảo hiểm xã hội VN chia sẻ phía bảo hiểm đang chờ văn bản của Chính phủ để chi trả khoản 2.200 tỉ đồng đang bị treo do định mức quá cao so với thực tế thực hiện. 

"Chúng tôi không có quan điểm khác, khi có văn bản là bảo hiểm sẽ chi trả. Nhưng chi phí thực tế lại quá chênh lệch so với cơ cấu giá, đề nghị Bộ Y tế sớm khảo sát để điều chỉnh định mức, điều chỉnh giá dịch vụ y tế"- quan chức này chia sẻ.

Cũng theo vị đại diện này, cơ quan kiểm toán cũng đã chỉ ra rất nhiều bất cập giữa thực tế và cơ cấu giá. Nhiều dịch vụ chỉ sử dụng 1-2 đôi găng tay nhưng định mức chi đến hàng chục đôi, dẫn đến chi phí quỹ bảo hiểm phải trả cao nhưng lợi ích không đến với người bệnh. "Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nói là sẽ khảo sát điều chỉnh định mức trong 6 tháng đầu năm, nhưng 6 tháng nhanh lắm, nếu không khẩn trương lại không kịp"- đại diện phía Bảo hiểm xã hội VN chia sẻ.

Có một khúc mắc giữa hai ngành y tế - bảo hiểm là một bên tiêu tiền (chi cho người bệnh, chi trả lương cán bộ y tế), còn một bên bảo hiểm là giữ tiền. Bên tiêu muốn chi nhiều, bên giữ muốn tiết kiệm. 

Bộ Y tế cũng cho rằng nếu bảo hiểm chi trả, không nợ bệnh viện thì người bệnh được lợi. Nhưng phía bảo hiểm cũng có lý của mình. Nếu chi đúng sẽ tiết kiệm được cho quỹ bảo hiểm, có lợi cho toàn dân. Bằng chứng là chỉ tiết kiệm những vật tư tưởng chừng không đáng bao nhiêu như đôi găng tay, kim châm cứu... đã tiết kiệm được tới 2.200 tỉ đồng. 

Việc chênh lệch quá cao giữa cơ cấu giá viện phí (do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành) đã được công khai từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Chậm trễ này rõ ràng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Bệnh viện than khó

Trở lại với hai công văn vừa được Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký, phản ứng phía bảo hiểm, trao đổi với Tuổi Trẻ, BS Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết ông rất chia sẻ với Bảo hiểm xã hội VN và hiểu được mục tiêu của hai công văn từ phía bảo hiểm ban hành gần đây nhằm quản lý tốt quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, có những yêu cầu của phía bảo hiểm gây khó khăn cho cả người bệnh và bệnh viện.

Ví dụ, khó khăn đầu tiên, theo BS Tuấn, là quy định về chuyển tuyến. "Việc yêu cầu bệnh viện phải liệt kê đủ các lý do chuyển tuyến vô tình làm nặng thêm vấn đề cải cách hành chính. Dù cố gắng làm, nhưng nói thật càng tạo thêm gánh nặng về thủ tục cho bệnh viện. Nhiều bác sĩ than phiền không còn thời gian làm công tác chuyên môn" - BS Tuấn lý giải.

BS Tuấn cũng cho rằng khi bệnh nhân mang thẻ Bảo hiểm y tế đến khám, mặc dù thẻ hoàn toàn hợp lệ nhưng bệnh viện phải làm thêm một khâu quét thông tuyến trên hệ thống để xác định thẻ BHYT này còn hiệu lực hay không. 

"Mục đích để giám sát quỹ Bảo hiểm y tế, nhưng đáng lẽ đây là công việc của Bảo hiểm xã hội nay lại đẩy cho bệnh viện. Có trường hợp chúng tôi kiểm tra thông tuyến hợp lệ nhưng chỉ một tuần sau thẻ hết hiệu lực. Điều này chúng tôi không thể biết được và rất ám ảnh" - BS Tuấn nói.

Ngoài ra, theo BS Tuấn, quy định về thông tuyến huyện có nhiều thay đổi. Ví dụ, một bệnh nhân ở huyện của một tỉnh, vì lý do nào đó, họ đi khám ở bệnh viện một quận của thành phố. Trước đây được xem là đúng tuyến, nhưng bây giờ không được bởi trên hệ thống không cho phép. 

"Quy định này có hiệu lực từ 1-1-2019 nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người bệnh rất lớn" - BS Tuấn nói, và cho biết hiện nay đơn vị đang tập hợp những khó khăn để gửi lên Sở Y tế TP.HCM, Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội, mong có giải pháp sớm giải quyết.

Tránh lạm chi quỹ bảo hiểm

dp_baohiemyte

Chi tiêu hợp lý sẽ có lợi cho mọi người tham gia bảo hiểm y tế - Ảnh: D.PHAN

Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh - trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN, dự kiến ngày 5-3 BHXH VN sẽ có văn bản trả lời Bộ Y tế về những ý kiến mà các bệnh viện đang kêu "khó". Vài năm gần đây, hai cơ quan bảo hiểm và y tế luôn luôn có ý kiến trái chiều nhau, thậm chí mâu thuẫn. Nhưng làm sao để tránh tình trạng lạm chi từ quỹ, mà mỗi đồng bảo hiểm được chi trả là chi cho người bệnh, đó mới là mấu chốt của vấn đề. Lần này chờ trả lời của BHXH VN và xử lý về chuyện định mức viện phí quá cao của Bộ Y tế. Nếu không, cứ để giá quá cao, chuyện "treo" viện phí sẽ khó giải quyết dứt điểm, trong khi quỹ bảo hiểm sẽ bị lạm chi, và quỹ này nói cho cùng cũng là của người tham gia bảo hiểm đóng góp, tiêu phí là lãng phí tiền của người dân.

Bảo hiểm y tế toàn dân: không còn người thiếu tiền chữa bệnh? Bảo hiểm y tế toàn dân: không còn người thiếu tiền chữa bệnh?

TTO - So với cùng kỳ 2017, báo cáo mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy diện bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục tăng, đạt trên 82 triệu thẻ, vượt chỉ tiêu đề ra.

LAN ANH - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên