07/11/2018 14:02 GMT+7

Vì sao AFF Cup là giải đấu khu vực hấp dẫn nhất châu Á?

ĐỨC KHUÊ lược dịch
ĐỨC KHUÊ lược dịch

TTO - Trước ngày AFF Cup 2018 khởi tranh, phóng viên thể thao kỳ cựu John Duerden đã có một bài viết trên ESPN nhận định "AFF Cup là giải đấu khu vực hấp dẫn nhất châu Á và ngày càng có sức lan tỏa với thế giới".

Vì sao AFF Cup là giải đấu khu vực hấp dẫn nhất châu Á? - Ảnh 1.

Các cổ động viên Malaysia tại AFF Cup - Ảnh: AFF

Vì sao John Duerden lại có những nhận định này? Dưới đây là trích đăng bài viết của ông trên ESPN:

Rất có thể hai lượt trận đi và về của chung kết AFF Cup 2018 sẽ là sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới vào thời điểm diễn ra, xét về lượng khán giả đến sân.

Nhiều khả năng sẽ có 90.000 cổ động viên lấp đầy sân vận động ở Jakarta, chuyện tương tự cũng có thể xảy ra tại Malaysia hoặc một nơi khác. Thời điểm Việt Nam lên ngôi năm 2008, cả đất nước đã ăn mừng từ đêm hôm trước cho đến tận hôm sau.

Chẳng có gì sai khi nói AFF Cup là giải đấu khu vực hấp dẫn nhất châu Á.

Đông, Nam và Trung Á đều có các giải đấu cấp độ khu vực nhưng không đâu mang đến sự cuốn hút nhiều như AFF Cup của Đông Nam Á. Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia hay Iraq có những mục tiêu lớn hơn như tham dự World Cup hoặc tranh tài ở Asian Cup.

Do đó, giải đấu khu vực không được những đội bóng này xem trọng. Họ thường mang đội hình kém chất lượng dự giải. Cộng với đó là việc khán giả Tây Á và Đông Á chỉ thực sự quan tâm tuyển quốc gia tại các đấu trường lớn nên giải đấu khu vực không tạo ra sức hút. 

Trong khi đó, tại Nam Á, bóng đá thực tế chưa nhận được nhiều sự quan tâm.

Đông Nam Á thì khác. Đây là nơi có niềm đam mê bóng đá bậc nhất châu Á. Các đội bóng nằm ở khoảng giữa bảng xếp hạng của châu lục, đồng nghĩa rằng họ ít khi vượt qua được vòng loại Asian Cup (điều này đã bắt đầu thay đổi khi quy mô được tăng từ 16 lên thành 24 đội vào năm 2019).

Còn World Cup luôn là một giấc mơ xa vời. Trong bối cảnh đó, AFF Cup trở thành giải đấu quốc tế duy nhất mà các đội bóng ở Đông Nam Á thực sự có thể cạnh tranh danh hiệu. 

Vì sao AFF Cup là giải đấu khu vực hấp dẫn nhất châu Á? - Ảnh 2.

Thái Lan hướng đến lần thứ ba vô địch AFF Cup -Ảnh: AFF

Giải đấu tồn tại những đối thủ truyền kiếp với nhau, góp phần làm tăng sức nóng. Không cần bàn nhiều về mức độ căng thẳng khi Singapore đối đầu Malaysia hay khi Indonesia, Malaysia và Thái Lan gặp nhau.

Thêm vào đó là Việt Nam và Philippines. Sự tiến bộ gần đây của Myanmar, Campuchia và trong tương lai gần Lào hoàn toàn có hy vọng trở thành cái tên thách thức tất cả.

Ngay từ lần đầu tiên tổ chức với tên gọi Tiger Cup năm 1996, giải đã có một vị trí quan trọng và góp phần tạo ra cơn sốt bóng đá trong khu vực. 

AFF Cup tồn tại những bê bối như trong trận đấu giữa Thái Lan và Indonesia năm 1998, nơi hai đội đều muốn thua ở trận cuối vòng bảng để tránh chủ nhà Việt Nam tại bán kết. Trận đấu kết thúc với bàn đá phản lưới nhà trắng trợn của Mursyid Effendi bên phía Indonesia để trao chiến thắng 3-2 cho Thái Lan.

Bên cạnh đó là những câu chuyện hào hùng: Việt Nam lên ngôi vào năm 2008, sự trỗi dậy của Philippines năm 2010 và gần đây là sự thống trị của Thái Lan.

Vì sao AFF Cup là giải đấu khu vực hấp dẫn nhất châu Á? - Ảnh 3.

Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 - Ảnh: FOUR FOUR TWO

Thể thức mới với việc các đội sẽ chơi hai trận sân nhà và hai trận sân khách, AFF Cup 2018 có thể trở thành giải đấu lớn nhất lịch sử về mặt số lượng khán giả và sự cuồng nhiệt.

Mối đe dọa của AFF Cup là về mặt lâu dài khi chất lượng các đội tăng lên, nó sẽ chỉ còn ý nghĩa là bước đệm cho các giải đấu lớn hơn. 

Sẽ đến một lúc mà phần đông các đội tuyển Đông Nam Á không chỉ góp mặt ở Asian Cup mà còn gặt hái thành công ở sân chơi quốc tế lớn hơn. Khi đó họ sẽ coi AFF Cup như là một giải đấu mang tính chuẩn bị. 

Nhưng thời điểm đó chưa đến và AFF Cup vẫn sẽ là giải đấu khu vực lớn nhất ở châu Á.

Lịch sử AFF Cup: Thái Lan thống trị, Indonesia kém may mắn Lịch sử AFF Cup: Thái Lan thống trị, Indonesia kém may mắn

TTO - Trong 11 kỳ AFF Cup trước đây, bóng đá Thái Lan chứng tỏ vị thế số 1 khu vực với 5 chức vô địch. Ở chiều ngược lại, Indonesia là đội "đen đủi" nhất khi để thua 5 trận chung kết.

ĐỨC KHUÊ lược dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên