12/08/2018 10:58 GMT+7

'Vệ sĩ' của voọc

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Giữa trưa, tiếng hét lớn 'Không được săn voọc! Không được săn voọc!' vang vọng vùng núi Tam Quan khiến những kẻ săn trộm giật mình, vội vàng lên xe tẩu thoát.

Vệ sĩ của voọc - Ảnh 1.

Ông Hồng tiếp nước uống cho đàn voọc - Ảnh: QUỐC NAM

Giữa trưa. Mặt trời đứng bóng trên lèn đá của dãy núi Tam Quan thuộc xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. 

Một người đàn ông tầm 50 tuổi vọt chiếc xe máy cà tàng từ trong ngõ ra lao nhanh về hướng lèn đá dựng đứng. Vừa chạy ông vừa hét lớn: “Không được săn voọc. Không được săn voọc...”.

Nghe tiếng hét bật lên thất thanh giữa trưa, ba thanh niên tầm gần 30 tuổi mặt mày bặm trợn từ bụi rậm dưới chân lèn đá vội vàng giấu khẩu súng cồn tự chế vào bao rồi nhanh chóng nhảy lên chiếc ôtô bảy chỗ chờ sẵn ven đường vụt ra hướng đường lớn.

"May mà mình ra kịp, không thì chết mấy con voọc" - người đàn ông tên Nguyễn Văn Hồng nói. Nhà ông Hồng nằm ở chân núi Tam Quan, người trong vùng gọi ông là "vệ sĩ" của đàn voọc.

"Nhờ có những người như ông Hồng mà loài voọc gáy trắng mới thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi biết ơn ông ấy"

Ông Phạm Hồng Thái

Người bảo vệ voọc

"Khi nãy tui chạy ra tới đây thì người trong xóm đã thấy chiếc ôtô của nhóm săn trộm ni đến trước đó hơn nửa tiếng rồi. Nhưng họ cũng ngỡ là khách đến tìm nhà ai thôi. Cho đến khi có người phát hiện nhóm này mang theo một khẩu súng tự chế thì mới gọi báo tui" - ông Hồng nói.

Đây không phải lần đầu tiên ông Hồng phải bỏ dở bữa cơm để chạy ra đuổi người săn voọc như thế. Năm năm qua ông tự buộc mình vào công việc không công này. Người dân trong vùng nói ông bảo vệ đàn voọc còn hơn cả bản thân mình.

Đàn voọc cũng không phụ lòng ông. Trước đây chúng chỉ kiếm ăn trên lèn đá cao vút, thì mấy năm nay đã xuống sát ngay dãy xoan đào gần vườn nhà ông. Cũng chính vì thế mà ông càng thấy mình có "trách nhiệm" hơn với chúng.

Vệ sĩ của voọc - Ảnh 3.

Nhờ ông Hồng, loài voọc gáy trắng trên núi Tam Quan được an toàn và phát triển - Ảnh: QUỐC NAM

Từ ngày đàn voọc xuống sát khu dân cư, ông cũng lo lắng hơn. Bởi các nhóm săn trộm "đánh hơi" thấy điều này nên thường xuyên tìm tới. Những nhóm này thường tranh thủ lúc ông không có mặt để luồn vào lối mòn dẫn lên lèn đá và chờ lũ voọc xuống tìm thức ăn.

Hiểu mối nguy đó, ông Hồng tự buộc mình phải "lượn" thường xuyên ra chân núi đá để canh. Ông cũng nhờ những người dân trong xóm nâng cao cảnh giác.

"Ông dặn cứ hễ thấy đối tượng khả nghi đi săn là gọi ổng ngay. Dân làng thấy ổng nhiệt tình quá nên hết lòng tương trợ" - ông Tuyến, hàng xóm ông Hồng, cho biết.

Cái nắng đầu tháng 8 thường không mang theo gió nên mọi vật trở nên khô khốc. Ông Hồng ngước nhìn lên vách núi đá rồi bước vội vàng ra sau nhà lấy một can 5 lít nước mang ra lèn đá bám vào những mỏm đá tai mèo để lên cao.

Đến một mỏm đá có một vũng khuyết lớn bằng ba gang tay trên bề mặt, ông dừng lại. Ông vừa rót nước từ can xuống vũng khuyết vừa chíu miệng phát ra âm thanh nhái theo loài voọc.

"Phải báo để lũ voọc biết chỗ tôi rót nước mà xuống uống. Mùa nắng dài ngày, tui đều phải tiếp nước cho chúng theo cách như thế" - ông Hồng nói.

Khi thợ săn quay đầu

Vệ sĩ của voọc - Ảnh 4.

Ông Hồng thường ngồi canh…voọc - Ảnh: QUỐC NAM

Ông Hồng đã bước qua tuổi 50. Từng đi lính phòng không. Ông được dân vùng rừng núi này coi là người bảo vệ của voọc gáy trắng nhiều năm qua. Nhưng ít ai biết được nguồn gốc của câu chuyện đó. Ngay cả chính ông cũng không ngờ mình lại thay đổi nhanh và bất ngờ như thế.

Sau mấy năm đi bộ đội tận Hòn Gai (Quảng Ninh), ông về lại quê ở Đồng Hóa lập gia đình. Cũng như những thanh niên ở vùng rừng núi này, ông theo nghề thợ săn nuôi thân. Không những là thợ săn, mà ông còn là một thợ săn "khét tiếng".

Ông sống bằng nghề săn bắn suốt gần 20 năm nên rành rẽ hết mọi thủ thuật săn bắn cũng như đặt bẫy của nghề. Ông nuôi vợ con cũng bằng nghề đó. Ông săn đủ thứ ở rừng, từ thú hai chân đến thú bốn chân. Nhiều con voọc trên lèn đá Tam Quan này cũng từng dính bẫy.

"Giai đoạn đó dân ở vùng này vẫn chưa biết voọc là loài quý hiếm. Ai cũng gọi đó là con vượn nên không ai nhắc đến chuyện phải bảo vệ. Cứ bán được tiền để nuôi con là bắt. Có ngày tui bẫy được đến mấy con" - ông nhớ lại.

Ông Hồng chắc chắn tiếp tục dấn sâu vào con đường tận diệt loài voọc gáy trắng nếu như không xảy ra câu chuyện ám ảnh cuộc đời ông. Ông kể một lần đi thăm bẫy, ông phát hiện một con voọc cái đầu đàn dính bẫy, bên cạnh còn thêm một con khác. Ông tự hỏi: "Chẳng lẽ một bẫy mà dính liền hai con?".

Tiến đến gần, ông thấy một cảnh tượng lạ mắt: con voọc cái đầu đàn chết, con voọc đực đầu đàn cứ ôm khư khư con cái không rời, ánh mắt rầu rĩ đến tội nghiệp.

Sau lần đó, ông không còn đam mê nghề săn bắn nữa. Dù nhiều lúc gia cảnh túng thiếu, có người đặt mua nhưng ông không còn hứng thú mang bẫy vào rừng.

Đến năm 2013, ông bỏ hẳn nghề săn và chuyển qua... bảo vệ voọc do ở xã Thạch Hóa gần đó có một cựu binh biên phòng về hưu. Người này từng tham gia bảo vệ voọc gáy trắng ở núi Thiết Sơn, thuộc xã Thạch Hóa.

Nghe tin về ông Hồng, người này đến tỉ tê nói chuyện và cho ông biết voọc gáy trắng là loài có tên trong sách đỏ, sắp tuyệt chủng và cần phải bảo vệ. 

"Nghe người này thuyết phục, tui thấy hợp lý nên quyết định dừng hẳn việc săn voọc luôn" - ông Hồng nói.

Không chỉ dừng săn voọc, ông Hồng còn quay qua bảo vệ đàn voọc gáy trắng trên dãy núi Tam Quan. Chính nhờ kinh nghiệm mấy chục năm săn bắn, ông nắm rõ các cách săn của thợ săn. Một chiếc lá xao xác, một vạt rừng xáo trộn, ông biết ngay có bẫy hay không và biết là người ta đang bẫy loài gì.

Ông Phạm Hồng Thái, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, nói nhờ có sự góp sức bảo vệ của ông Hồng mà đàn voọc gáy trắng ở vùng núi Tam Quan từ 30 con mấy năm trước đến nay đã tăng lên hơn 100 con.

"Thật không biết lấy gì để nói hết niềm vui của những người bảo vệ rừng như chúng tôi khi biết điều đó. Nhờ có những người như ông Hồng mà loài voọc gáy trắng mới thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi biết ơn ông ấy" - ông Thái tâm sự.

Voọc gáy trắng tăng bầy

Loài voọc gáy trắng được công bố khoa học đầu tiên năm 1970. 25 năm sau mới phát hiện tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, 45 năm sau những người dân ở xã Thạch Hóa, Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) nhìn thấy chúng trên những lèn đá cao sát ngay gần khu dân cư.

Từ đó, loài voọc gáy trắng chọn nơi đây là nhà.

Nhưng số lượng giai đoạn từ năm 2010 trở về trước sụt giảm nghiêm trọng do bị săn bắn nhiều. Chỉ khi có những người bảo vệ voọc như ông Hồng xuất hiện thì loài voọc gáy trắng ở khu vực này mới tăng được bầy.

UBND tỉnh Quảng Bình đã tặng bằng khen cho ông Hồng vì thành tích này.

Những Những 'thư ký' thầm lặng của voọc Sơn Trà

TTO - Bất kể nắng mưa và bận bịu thường nhật, những người yêu voọc thay nhau túc trực, ăn dầm nằm dề trên đỉnh Sơn Trà chỉ để được ngắm nhìn cho thỏa chí vẻ đẹp kiêu kỳ của loài vật được mệnh danh "nữ hoàng linh trưởng".

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên