26/10/2017 08:09 GMT+7

Vắt sức làm tới đổ mồ hôi máu, có thật không?

ĐỒNG LỘC (Nguồn tham khảo: The Time, Science Alert, CMAJ)
ĐỒNG LỘC (Nguồn tham khảo: The Time, Science Alert, CMAJ)

TTO - Chúng ta thường hay than thở khi phải vắt hết sức mình để hoàn thành công việc nào đó là "Cày muốn chảy máu con mắt".

Vắt sức làm tới đổ mồ hôi máu, có thật không? - Ảnh 1.

Cô gái 19 tuổi ở CH Dominican tên Delfina Cedeno khóc ra máu và chảy mồ hôi máu - Ảnh: wordpress.com

Người phương Tây cũng có câu thành ngữ tương tự: "Làm cật lực tới đổ mồ hôi máu" (We sweated blood).

Trên thực tế, hàm ý "đổ mồ hôi máu" trừu tượng đó lại có thật và không chỉ mới xảy ra ở thời đương đại.

Mồ hôi y như máu

Từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, nhà triết học Hi Lạp Aristotle đã đề cập đến vấn đề "đổ mồ hôi máu" này trên người và cả một số loài động vật.

Kế đến, vào thế kỷ 15, thiên tài trên nhiều lĩnh vực người Ý là Leonard da Vinci cũng đã mô tả trường hợp một binh sĩ đã xuất mồ hôi máu khi sắp sửa lâm trận.

Chứng đổ mồ hôi máu khá hiếm trên thế giới - Nguồn: The Time

Cho mãi đến gần đây, triệu chứng này vẫn không được y giới quan tâm vì khá hiếm hoi. Có một số nhà khoa học còn cho rằng đó là chuyện bịa đặt vì nhiều khi nó gắn với yếu tố tôn giáo.

Mới đây, một phụ nữ 21 tuổi ở thành phố Florence (Ý) đã phải nhập viện vì một hiện tượng lạ thường của cơ thể: cô bị xuất mồ hôi đỏ như máu ngoài da ở vùng tay và mặt mà không hề bị bất kỳ chấn thương nào dù nhỏ nhất.

Khi lấy mẫu mồ hôi máu phân tích, các bác sĩ đã rất sửng sốt khi thấy đó đúng là máu thật. Cô cho biết việc xuất mồ hôi máu thỉnh thoảng lại xảy ra từ 3 năm nay vào bất cứ lúc nào, kéo dài từ 1 đến 5 phút.

Các bác sĩ nhận thấy cô đang trong tâm trạng rất căng thẳng, hết sức lo buồn và sợ hãi về tình trạng lạ thường của mình. Họ cho cô dùng thuốc an thần và giảm huyết áp, sau đó, việc xuất mồ hôi máu đã được cải thiện rõ rệt dù không hoàn toàn chấm dứt.

Vắt sức làm tới đổ mồ hôi máu, có thật không? - Ảnh 3.

Cô gái 21 tuổi người Ý bị xuất mồ hôi máu và ảnh chụp da của cô - Ảnh: CMAJ

Ca này đã được công bố trên tạp chí y khoa uy tín Canadian Medical Association Journal (CMAJ) của Hội Y học Canada ngày 23-10 vừa qua.

Giờ đây, y giới đã phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề này và đặt ra 2 câu hỏi:

1) Liệu con người có thật sự đổ mồ hôi máu?

2) Có bao nhiêu ca đổ mồ hôi máu đã được mô tả trong lịch sử y học thế giới từ xưa đến giờ?

Ngày càng nhiều ca "đổ mồ hôi máu"

Lật lại các hồ sơ lưu trữ, trường hợp đầu tiên được mô tả rõ ràng từ người có chuyên môn y khoa là vào năm 1627, Georg Spörlin, một bác sĩ ở Basel (Thụy Sĩ) báo cáo về một bé trai 12 tuổi bị sốt cao và đổ mồ hôi máu ướt cả áo sơ mi.

Năm 1628, bác sĩ Paolo Zacchiathe mô tả về một thanh niên người Bỉ, khi bị kết án tử hình người này quá đau khổ nên đã đổ mồ máu.

Theo thống kê của hai vợ chồng bác sĩ Joe và Alice Holoubek công bố vào năm 1996, có tất cả 76 ca đổ mồ hôi máu ghi nhận được từ thế kỷ 17 đến năm 1980.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy các báo cáo đã đăng tải trên các tạp chí y khoa từ trước đến nay về "đổ mồ hôi máu" gồm 10 ca xảy ra trong quãng thời gian từ năm 1880-1935, 32 ca từ năm 1952-2016.

Họ nhận thấy tần suất xảy ra càng về sau này càng thường xuyên hơn. Chỉ trong thế kỷ 21 này, đã xảy ra nhiều trường hợp vào các năm 2009 trên một ông lão 72 tuổi, năm 2010 trên một bé trai 13 tuổi, 5 ca vào năm 2013, 4 ca vào năm 2014, 3 ca vào năm 2015, 4 ca năm 2016 và năm 2017 này là 2 ca tính đến thời điểm hiện nay.

Vắt sức làm tới đổ mồ hôi máu, có thật không? - Ảnh 4.

Bé gái Thái 7 tuổi tên Phakamad cũng bị chứng đổ mồ hôi máu - Ảnh: Daily Mail

Trong các từ điển y khoa xuất bản vào thế kỷ 18 và 19, triệu chứng này được gọi bằng tên Latin là "sudor cruentus" và "sudor sanguineus" có cùng nghĩa là "mồ hôi máu". Còn hiện nay, y giới gọi đây là chứng đổ mồ hôi máu (hematohidrosis hay hemidrosis).

Phân tích chi tiết trên 28 ca gần đây nhất từ 2004 đến 2017, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng xảy ra khắp nơi trên thế giới trừ khu vực Bắc Mỹ, 24 trong số đó là nam giới, 4 nữ giới. Tất cả đều ở độ tuổi rất trẻ với độ tuổi bình quân là 14,1 đối với nữ và 26,5 tuổi đối với nam.

Họ đều có điểm chung là vùng cơ thể xuất mồ hôi máu nhiều nhất là ở trán, da đầu, mặt, mắt và tai, đôi khi cả ở thân mình và tay chân, thậm chí trong một số ít trường hợp còn khóc ra máu nữa. Các triệu chứng đi kèm là đau nhức, da ngứa râm ran, tăng huyết áp hay nhức đầu.

Tổng thể, những người này đều ở trong trạng thái căng thẳng tâm lý, quá sợ hãi, bị kích ứng hay trầm cảm hoặc sang chấn tâm lý do chứng kiến những cảnh bạo lực diễn ra ở xung quanh họ trước khi bị xuất mồ hôi máu. Nhưng may mắn là không ai bị tử vong vì chứng này.

Về điều trị, hiện chưa có liệu pháp điều trị nào hoàn toàn có hiệu quả, chủ yếu là dùng các thuốc an thần, chống trầm cảm, giảm huyết áp và cho bù lượng nước bị mất do xuất mồ môi và mất máu.

Chưa có nghiên cứu chuyên sâu

Do hiếm gặp nên đến nay chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về chứng đổ mồ hôi máu.

Giới y khoa cho rằng nguyên nhân có thể là do các mao mạch máu hình thành những mạng lưới bao quanh các tuyến mồ hôi. Khi người ta bị căng thẳng tâm lý và cảm xúc, các mạch máu đó sẽ giãn nở ra, sự lo âu, sợ hãi và sự căng thẳng quá mức sẽ làm chúng càng phình nở đến mức bị vỡ ra.

Máu sẽ thấm vào các tuyến mồ hôi và theo mồ hôi xuất ra ngoài bề mặt da.

Phân tích mẫu máu lẫn trong mồ hôi thu được từ bệnh nhân, người ta nhận thấy rằng các hồng huyết cầu có cấu trúc giống hệt loại đang lưu thông trong máu cơ thể.

Sự thất thoát mồ hôi và máu sẽ làm người mắc chứng này cảm thấy mệt mỏi và bị mất nước từ nhẹ đến trung bình.

ĐỒNG LỘC (Nguồn tham khảo: The Time, Science Alert, CMAJ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên