Lễ hội xuân hồ Ba Bể - Ảnh: Quang Luận |
Lễ hội diễn ra vào những ngày sau Tết Nguyên đán, ở năm xã trong vùng hồ Ba Bể theo trình tự từ xã Quảng Khê lần lượt đến Khang Ninh, Cao Thượng, Nam Cường, cuối cùng là Nam Mẫu.
Người già, người trẻ theo đó mà đi như lời hẹn ước từ xuân này đến xuân sau, từ năm này đến năm sau.
Ơn nghĩa sinh dưỡng của mẹ cha và các vị thần
Lễ hội Lồng tồng tổ chức trên cánh đồng rộng và bằng phẳng được chọn từ xưa đến nay. Phần lễ do cư dân từng thôn bản tự chuẩn bị. Mâm lễ nào cũng phải đủ lễ vật theo truyền thống: pẻng phạ (bánh trời), bánh giầy, bánh chưng, thịt lợn luộc hoặc thịt gà luộc, những quả trứng vịt to nhất nhuộm xanh đỏ (được gọi là trứng công).
Ông Ngôn Văn Toàn, một người già uy tín trong bản Pác Ngòi, giải thích: Những vật phẩm tế lễ này mang quan niệm nhân sinh và vũ trụ của người Tày, Nùng, Dao. Bánh trời tượng trưng cho trời được làm từ bột gạo, viên tròn, chiên phồng và tẩm mật để có màu vàng như màu vàng của nắng.
Bánh giầy ưa dùng bánh giầy gấc để có màu đỏ, trong có nhân vừng đen trộn đường tượng trưng cho mặt trời. Bánh chưng gù tượng trưng cho núi đồi và muôn loài thảo mộc, sinh vật trên mặt đất. Thịt lợn, thịt gà là những sản vật ngon và quý của cư dân nông nghiệp nơi đây.
Những quả trứng vịt nhuộm xanh đỏ tượng trưng cho âm dương. Ngày xưa mâm lễ chỉ thế, còn bây giờ người dân muốn mâm cao cỗ đầy thì có thêm mâm ngũ quả, bánh kẹo.
Vào lễ, thầy tào mặc bộ trang phục hành lễ, thực hiện nghi thức cầu cúng trong nhịp đệm của đàn tính và sắc cốt. Thầy sẽ lần lượt đến từng mâm lễ, cắm hương, làm phép để cha Trời - mẹ Đất, thần Nông, thần Nước, thần cây lúa chứng giám lòng lành, thảo thơm của con cháu, xin ban phúc ấm, lúa ngô đầy nhà, gà lợn đầy sàn, trâu bò đầy sân.
Kết thúc phần lễ là điệu múa nộc niệc (chim phượng hoàng), điệu múa diễn lại sự tích đẻ đất, đẻ nước, đẻ người để nhắc nhớ con cháu ngày nay ơn sinh dưỡng của cha mẹ và các vị thần.
Tung còn - Ảnh: Quang Luận |
Hát giao duyên ở hội xuân - Ảnh: Quang Luận |
Không chỉ là lễ nghi
Lồng tồng khai hội. Mở hội bao giờ cũng là trò tung còn, vừa là trò chơi giao duyên vừa là lễ nghi. Chỉ những nam thanh nữ tú đã có tình ý với nhau mới được chơi. Cây nêu cao tít có vòng tròn được dán giấy đỏ trên ngọn dựng lên giữa đồng.
Những quả còn do bàn tay khéo léo của các cô gái khâu thành túi có hình tam giác hoặc tứ giác, bên trong nhồi những hạt giống khi là thóc, khi là ngô, hai góc đuôi có tua xanh tua đỏ, dây còn dài. Quả còn căng đều là bàn tay khéo.
Người con gái sẽ tung quả còn mình khâu sao cho xuyên thủng vòng tròn trên cây nêu sang phía bên kia để người yêu đón lấy. Vì vậy, tung còn mang quan niệm âm dương giao hòa. Cô gái tung còn để nhận người yêu, trao gửi ước vọng hạnh phúc, sinh sôi nảy nở.
Hội có tục thi hát phong slư, một hình thức hát đối đáp giao duyên. Những chàng trai, cô gái đang tuổi cặp kê chia làm nhiều tốp nhỏ, thường là những tốp bạn thân để hát đối đáp những điệu sli, điệu lượn có người đánh đàn tính, sắc cốt, thổi sáo với ai là người Tày, Nùng; hát pá dung, coóng dung, coóng phây với ai là người Dao.
Tục lệ này thường bắt đầu từ đêm trước khi tổ chức lễ hội và kéo dài đến khi hai bên nam nữ phân định được thắng thua.
Những cô gái, chàng trai đàn hay, hát giỏi thường có nhiều bạn tình ý. Để chọn bạn, cô gái lại cầu đến quả còn, sẽ có tranh giành quả còn giữa các chàng trai cùng thích một cô gái. Ai là người đủ dũng cảm và sức mạnh giữ được quả còn đến cuối cùng sẽ trở thành ý trung nhân của cô gái.
Một chàng trai khi đã nhận quả còn thì những cô gái khác có tơ tưởng đến chàng cũng không tiến tới nữa vì chàng đã lựa chọn người bạn chung tình của mình. Sau khi trao gửi “trái tim”, đôi nam nữ có thể đường hoàng nắm tay nhau đi hội và nên vợ nên chồng.
Hội Lồng tồng mang ý nghĩa cầu mùa nên cư dân nơi đây mang hàng nông sản đến khu chợ bán cầu may, mua lấy lộc. Những búp măng vầu tròn mẩy, đặc ruột. Những cây mía tím dóng dài, đang độ lên đường ngọt.
Trứng gà, trứng vịt được cho vào chiếc lồng nhỏ rất đẹp mắt. Những cái giỏ cá bằng tre được đan theo hình tròn và hình dẹt khá lạ mắt với những ai ở vùng khác đến đã quen với hình quả bầu. Người bán, người mua thường chúc nhau: “Trồng cây, cây chóng lớn; nuôi gà, gà đẻ sai; nuôi lợn được lợn; nuôi trâu được trâu”.
Đến hội, thanh niên, người già, trẻ em có thể chơi, xem những trò như đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy, chọi gà, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt dê. Đặc biệt hội Lồng tồng xã Nam Mẫu còn có những trò đặc thù của vùng sát hồ là đua thuyền độc mộc, bắt vịt.
Du khách nước ngoài cùng múa khèn với đồng bào dân tộc - Ảnh: Quang Luận |
“Lễ lớn lễ Quảng Khê/Hội lớn hội Nam Mẫu”
Quảng Khê mở Lồng tồng sớm nhất và phần lễ lớn nhất trong vùng. Ở Quảng Khê có Thẳm Thinh (động thiêng), theo tín ngưỡng dân gian là nơi trú ngụ của linh hồn người đã khuất và có cầu thang lên trời. Nên trước khi làm lễ cúng tế, thầy tào phải lên xin lễ ở Thẳm Thinh. Đây là lễ mời tổ tiên ở trời về dự lễ Lồng tồng.
Thầy tào cùng hai người giúp việc bày một mâm gạo nếp, một thủ lợn luộc, một chai rượu, thầy châm hương và lầm rầm khấn vái. Khi “xin đài” âm dương giao hòa lúc đó tổ tiên đã về, phần cúng mời đến đó là xong.
Nếu xin đài chưa được, thầy tào phải xin lại đến lúc được mới thôi. Nếu phải xin nhiều lần, thầy tào và người dân sẽ quan niệm năm qua mình mắc lỗi với tổ tiên để tổ tiên trách giận không về. Nên lễ này thường mang tính kể công sinh dưỡng của cha mẹ, sám hối tội lỗi của con cháu.
Lồng tồng của xã Nam Mẫu được tổ chức ngay bên bờ hồ Ba Bể, là hội lớn nhất và đông nhất trong vùng được tổ chức vào hai ngày cố định mùng 9 và 10 tháng giêng, tạo một điểm nhấn gắn với du lịch hồ Ba Bể.
Đua thuyền được tổ chức ở hồ một, mỗi thuyền có hai người chèo, thường là một nam, một nữ. Từ bến thuyền Bó Lù, những thuyền đua vòng qua Pò Giả Mải sang bến Chôộc Thẹc.
Khác với sự đua tranh về đích đầu tiên của từng thuyền trong trò đua thuyền, ở trò bắt vịt, các thuyền tham gia trò chơi phải hợp tác với nhau nên phần thưởng là những con vịt thường được người chiến thắng làm thịt và mời các đội chơi cùng ăn.
Những người tham gia trò bắt vịt sẽ phải chèo thuyền độc mộc ra giữa hồ, ban giám khảo sẽ thả vịt cho bơi dưới nước, người ngồi trên thuyền phải lùa vịt để bắt bằng được. Người trên thuyền thì hò nhau bắt vịt, lùa được vịt, tính chộp lấy thì con vịt lặn xuống lại bắt hụt.
Trò bắt vịt thường tạo không khí náo nhiệt trên hồ. Những người đến xem đứng vòng trong vòng ngoài trên bến cổ vũ tạo nên một không khí náo nức mà không hội Lồng tồng nào khác có được.
Đua thuyền trên hồ Ba Bể - Ảnh: Quang Luận |
Trò chơi bắt vịt trên hồ Ba Bể - Ảnh: Quang Luận |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận