Giao lưu với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Phóng to |
“Tôi viết sách là những thể hiện riêng tư và chiêm nghiệm của tôi. Khi mới ra trường, tôi viết cho học trò như người bạn, người anh viết cho bạn mình, em mình. Khi tôi có con, tôi viết cho những bà mẹ sinh con đầu lòng. Đến 50 tuổi, tôi cảm thấy chút heo may già và tôi viết Gió heo may đã về. 60 tuổi về hưu, tôi viết Già ơi chào bạn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ về “nghiệp” viết của mình.
Với cuốn sách Thấp thoáng lời kinh, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bộc bạch: “Đây là những cảm nghiệm riêng tư, rất chủ quan của người thầy thuốc, bấy lâu tìm kiếm, thử nghiệm trên mình rồi mới dám sẻ chia cùng bạn bè tương lân".
Câu chuyện tại buổi giao lưu còn được mở rộng ra chủ đề lo lắng - lạc quan, mạnh - yếu, trẻ - già, sống - chết, sức động viên tiềm ẩn trong những cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc...
Phóng to |
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể: “Chị tôi được con mua cho máy đo huyết áp để thỉnh thoảng đo kiểm tra sức khỏe dù vẫn khỏe mạnh. Nhưng từ khi có máy, chị càng đo càng thấy huyết áp tăng rồi sinh ra lo sợ, sinh bệnh này nọ. Bệnh đó là do tâm không tịnh thì phải chữa bằng tâm. Tôi kêu kệ nó, quẳng máy đi là hết bệnh và thế là hết thật”.
Trong buổi giao lưu, để trả lời cho câu hỏi: “Làm sao để trẻ mãi?”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói: “Tôi xin trích tựa đề một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang tên Đóa hoa vô thường. Cuộc sống là vô thường, ai cũng phải già đi. Muốn trẻ vĩnh viễn thì chỉ có thể sống trong môi trường không có thời gian như Từ Thức tới động tiên. Nhưng già mà vẫn khỏe thì có sao, còn già mà không khỏe, đau khổ thì mới cần chữa trị”.
Chia sẻ trong buổi giao lưu, độc giả Trần Vinh Thắng (TP.HCM) làm nhiều khán giả rơi nước mắt với câu chuyện về đứa con trai lâm trọng bệnh và vừa ra đi vĩnh viễn. Đó là anh Trần Nguyễn Nguyên Khôi - 29 tuổi, cựu sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM, là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
“Đó là đứa con trai hiếu thuận, hiếu học và là niềm tự hào của gia đình, trường lớp. Tiếc rằng cháu ra đi sớm quá. Sau khi cháu mất, trong đau khổ, tôi đọc được những cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với những lời nói từ trái tim. Tôi hiểu ra rằng con trai tôi mất đi nhưng cháu đã kịp để lại rất nhiều những công trình cháu nghiên cứu, tình cảm với gia đình, bạn bè và đặc biệt là hai đứa con sinh đôi sắp chào đời” - bác Trần Vinh Thắng xúc động.
Gia đình bác Trần Vinh Thắng cũng quyết định lấy hai câu trong cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc để đặt lên mộ phần của con trai mong con an nghỉ bình yên: Con trong tất cả/ Tất cả trong con.
Anh Dụng Minh Phương Tâm cũng đến chương trình để gửi lời cảm ơn của cả gia đình mình về những hướng dẫn chữa bệnh, rèn luyện sức khỏe rất dễ nhớ, dễ thực hiện mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thường hướng dẫn bằng những bài báo, website của mình.
Một độc giả đến từ Hà Nội nhận xét: “Tưởng chừng như khó có mối liên hệ nào giữa thầy thuốc và nhà văn. Nhưng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã cho ra lò một cuốn sách ghi lại những cảm xúc chân thành của một người thầy thuốc luôn muốn sẻ chia những điều lợi ích cho đời, cho người”…
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Ông tốt nghiệp tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Sài Gòn năm 1969. Ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm với nhiều chủ đề như viết cho tuổi mới lớn, viết cho các bà mẹ, tùy bút, tạp văn, thơ… Nhiều tác phẩm của ông được công chúng yêu thích như: Già ơi chào bạn, Gió heo may đã về, Thư gửi người bận rộn… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận