01/10/2011 07:18 GMT+7

Câu trả lời thuộc về khán giả

CÁT KHUÊ (từ Singapore)
CÁT KHUÊ (từ Singapore)

TT - Tại Diễn đàn Văn hóa điện ảnh châu Á đang diễn ra ở Singapore, đại diện điện ảnh Malaysia đương đại, đạo diễn Ho Yuhang với bộ phim Phía cuối bình minh đã gây được ấn tượng đặc biệt.

UhbPh4dH.jpgPhóng to

Đạo diễn Ho Yuhang - Ảnh: C.K.

Phía cuối bình minh (đã đoạt giải Netpac ở Liên hoan phim Locarno 2009 và các giải cho diễn viên như: giải Kim Mã, giải thưởng phim châu Á, giải thưởng ở Liên hoan phim Vladivostock) đề cập một chủ đề không hiếm gặp trong cuộc sống thực, đó là tình dục với trẻ vị thành niên. Cậu con trai 23 tuổi - nhân vật chính - yêu một cô bé 16 tuổi, mọi chuyện có vẻ ngọt ngào cho đến khi gia đình phát hiện. Thay vì tìm cách giáo dục con gái, gia đình cô bé lại biến nó thành cơ hội trục lợi. Bi kịch xảy ra khi sự chịu đựng của bà mẹ đơn thân và cậu con trai đã vượt quá giới hạn và trong cơn bột phát, cậu đã giết chết cô bé.

Có mặt tại diễn đàn, đạo diễn Ho Yuhang đã dành cho PV Tuổi Trẻ một cuộc chia sẻ:

- Phía cuối bình minh là một câu chuyện có thật đã xảy ra ở Malaysia và được báo chí khai thác như những thông tin sốc. Tôi nhìn thấy trong câu chuyện này những giá trị gia đình đã rơi vào một sự đổ vỡ lớn. Khi con người không thật sự quan tâm đến nhau thì gia đình không những không còn là điểm tựa của con trẻ mà còn là ngọn nguồn của bi kịch. Khi truyền hình Malaysia đưa tin về vụ án mạng, nhìn thấy gương mặt của bà mẹ hốt hoảng ở đồn cảnh sát, hình ảnh ấy đã như đóng đinh vào trí óc tôi và ngay lập tức tôi quyết định phải làm phim này.

* Dường như ở một đất nước tôn trọng truyền thống như Malaysia, đề tài này không dễ dàng được chấp nhận?

- Khác với hình dung của mọi người, đề tài này không có gì cấm kỵ. Malaysia có ba vấn đề nhạy cảm thường bị cấm kỵ và chính phủ rất quan tâm là chính trị, tôn giáo và sự phân biệt sắc tộc. Nhưng giả sử như bị cấm kỵ thì tôi vẫn sẽ tìm cách để làm phim nếu vấn đề đó làm tôi quan tâm.

* Nhưng lưỡi kéo kiểm duyệt luôn là vấn đề đối với quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ, ở trường hợp của anh, anh có tìm cách lách luật và xác định đối tượng khán giả của mình để làm phim không? Ví dụ như không chiếu ở trong nước được thì đem đến các liên hoan phim hay mang ra nước khác?

- Tôi xác định làm phim là để cho con người, bất kể con người đó là ai. Nếu khi làm phim mà ta phải tự khoanh vùng khán giả thì thật là ngớ ngẩn. Tuy nhiên, tôi không phủ nhận kinh nghiệm tôi đã có: một phim có thể ngay lập tức thích nghi với một cộng đồng này mà không thích ứng với một số cộng đồng khác. Nhưng tôi chắc chắn dù thế nào thì mục đích làm phim của người nghệ sĩ sẽ không vì thế mà thay đổi. Làm phim là mình được đặt ra những câu hỏi chứ không phải tìm ra câu trả lời. Câu trả lời thuộc về khán giả. Và thật thú vị khi với mỗi câu hỏi, cuộc sống lại có vô số những câu trả lời...

* Thân phận con người qua quan hệ gia đình như chủ đề của cuộc hội thảo ở diễn đàn này có phải là điều anh muốn suy ngẫm? Gia đình ở Malaysia đương đại ra sao?

- Xung đột gia đình ở Malaysia cũng không khác các nước châu Á đương đại và xung đột lớn nhất là xung đột giữa các thế hệ. Thế hệ trước chúng ta có vẻ như khó gặp nhau vì không có nhiều phương tiện liên lạc, liên kết với nhau. Nhưng chính vì thế mà các quan hệ lại thường khá ổn định, bền vững bởi muốn gặp nhau thì phải đến tận nơi. Còn ngày nay với điện thoại, máy tính, chúng ta dễ dàng kết nối với nhau, nhưng dường như chính điều này đang làm cho sự liên kết trở nên lỏng lẻo, không thực chất. Mỗi email gửi đi chúng ta thường nói “giữ liên lạc nhé”, nhưng thật ra chúng ta có mấy khi giáp mặt nhau vì nghĩ thế là đủ. Khi đó mỗi người là một tiểu hành tinh, sự tiếp xúc trở nên hời hợt xa vời và bi kịch gia đình cũng từ đó sinh ra...

Nỗi buồn lớn trong phim châu Á

if6CEBp1.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Phía cuối bình minh - Ảnh đạo diễn cung cấp

Diễn đàn mang tên “Khoảng cách con người” lần này tưởng như không liên quan đến những vấn đề thời sự đang làm cả thế giới đau đầu, nhưng nhìn một cách sâu xa hơn thì khủng hoảng gia đình mới là khủng hoảng đáng sợ nhất, gây hậu quả nghiêm trọng nhất đối với đời sống của mỗi cá nhân. Và người làm phim không thể đứng ngoài những câu chuyện ấy.

Vấn đề mà đạo diễn đương đại châu Á đặt ra trong phim của họ cũng không xa lạ với bối cảnh xã hội nước ta và các nước châu Á hiện tại. Tỉ lệ tội phạm trẻ hóa đang tăng lên ở VN (báo Tuổi Trẻ đã có chuyên đề về vấn đề này) và không thể phủ nhận sự đổ vỡ từ cách hành xử, giáo dục trong gia đình chính là một phần không nhỏ của những bi kịch đó. Bộ phim Phía cuối bình minh của đạo diễn Ho Yuhang (Malaysia) đã gây một “dư chấn” không nhỏ ở diễn đàn với câu chuyện đầy đau xót về vấn đề này.

Bà Aruna Vasudev (chủ tịch NETPAC - Mạng lưới quảng bá phim châu Á) chia sẻ: “Trong cơn cuồng say của phát triển kinh tế, dường như các nước châu Á đang đi quá nhanh mà không kịp nhìn thấy những bài học đau đớn các nước phương Tây đã trải qua. Điện ảnh, khi đặt vấn đề này, bên cạnh việc cho thấy những khủng hoảng thầm lặng thì vẫn nhắc nhở người ta về những giá trị căn bản truyền thống của gia đình”.

CÁT KHUÊ (từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên