Phóng to |
Tòa đang xét xử vụ các “quí tử” đua xe hơi gây náo loạn đường phố. Phía dưới có rất nhiều “quí tử” khác, quần áo, tóc tai chải chuốt, toàn hàng hiệu, ra vô vẻ sốt ruột, điện thoại di động reo liên tục.
Phần thẩm vấn hơi lâu, vài “quí tử” có vẻ bực bội vì phòng xử thiếu tiện nghi, bèn len lách ra ngoài vào xe mở máy lạnh, nghe nhạc hoặc mở tivi xem đá banh…
Tôi đã được trực tiếp tiếp xúc với các “quí tử” như thế này một lần trong phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ. Hôm ấy, báo đăng một bài về lối sống của những thanh niên tự cho mình là thời thượng với những buổi tối vui thú cùng xe hơi, sàn nhảy, quán bar. Lập tức có chiếc xe hơi trờ đến cổng tòa soạn và mấy cặp nam thanh nữ tú tự nhận mình là nhân vật trong bài kéo đến đập bàn ghế, la lối đòi kiện phóng viên. “Tiền của chúng tôi làm ra, chúng tôi có quyền sử dụng. Ai có quyền xen vào?”.
Dĩ nhiên là chẳng ai có quyền xen vào, các ý kiến của họ được ghi nhận đầy đủ. Bên kia bàn tiếp bạn đọc, những em bé, những người bán hàng rong, đạp xích lô vẫn cần mẫn đếm từng đồng tiền lẻ để đóng góp vào khoản kinh phí xây dựng cầu Nông Sơn.
Cũng chính trong những ngày ấy, mẹ của một “quí tử” trong nhóm bị cáo ra tòa ngày hôm nay đã đến tìm tôi, nước mắt rơi ướt áo. Bà không tiếc lời kể những điều tốt đẹp về con mình, bà mang theo cả một tấm thiệp mà cậu ấm đã tặng mẹ để làm bằng chứng. Tôi biết rằng người mẹ nào cũng thương con vô bờ, tôi vẫn tin bà, tin rằng cậu ấm kia thật sự là một thanh niên ngoan hiền, biết thương mẹ và thật thà.
Ở tòa án ngày hôm ấy các bị cáo bị kết tội gây rối, tội hối lộ. Công luận tuy rất bức xúc, rất phê phán, nhưng cũng chưa có lời nào kết luận về đạo đức của các cậu. Người ta chỉ bức xúc khi biết về lối sống của các cậu, dù rằng ai cũng biết các cậu có lý khi lớn tiếng: “Tiền tôi làm ra, tôi có quyền sử dụng”.
Tôi đã hỏi rất kỹ bà mẹ về điều này mà không sợ bị coi là tọc mạch. Bà bảo chỉ cho cậu khoảng 700 USD (khoảng 11 triệu đồng) mỗi tháng để chi tiêu; “trong nhà không có chiếc xe máy nào, chỉ có hai chiếc Mercedes của hai mẹ con đi mà thôi”; và đêm ấy “nó lấy xe ra chỉ để đi ăn tối”…
Bà còn nói thêm rằng “so với các gia đình khác, bà rất xấu hổ vì sự xập xệ của nhà mình”. Dù đã biết trước nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên, hình như bà không hề biết rằng bằng tuổi con bà là những sinh viên nửa buổi đạp xe đến giảng đường, nửa buổi đổ mồ hôi đi kiếm tiền học phí; là những cô công nhân ép mình trong xưởng máy từ sáng đến đêm, tăng ca liên tục để được lĩnh mức lương vài trăm ngàn một tháng…
Vài ngày sau người mẹ ấy gửi chúng tôi một bức thư: “Tôi rất ân hận vì sai lầm của mình. Quá thương con thiệt thòi vì mất cha mà tôi đã bù đắp cho cháu bằng vật chất, hi vọng nó sẽ vui, sẽ ngoan ngoãn, sẽ thành người từ sự đầy đủ…”.
Đầy đủ và thừa thãi, con trai bà và các bạn của cậu ta chỉ thấy đó là chỗ mình hơn người, cần được khoa trương, cần được bộc lộ. Quả là những chiếc xe hơi đời mới cùng tiếng nhạc xập xình theo bánh xe lăn rất ấn tượng trên đường phố. Quả là cách chi trả bằng đôla rất nổi bật trong đám đông…
Có lẽ các cậu cũng thấy được sự xa lạ trong lối sống của mình giữa những bạn trẻ cùng tuổi đang ngày đêm chịu thương chịu khó để thi đậu đại học, để sinh sống và được đến giảng đường. Những khác biệt trong điều kiện vật chất lẽ ra có thể được sử dụng như một bệ phóng để tiến nhanh, tiến xa hơn thì lại vẫn cứ là những khác biệt vật chất mà thôi. Những rắc rối cũng đã bắt đầu như thế.
Hôm gặp ở tòa soạn, mẹ của cậu ấm đã nước mắt ngắn dài bảo tôi: “Nhốt mấy ngày là nó sợ lắm rồi, nếu bị phạt tù nó sẽ chẳng sống nổi đâu…”. Cuối cùng thì cậu ấm cũng chỉ bị án treo, các ông bố, bà mẹ vui mừng lên xe đến trại tạm giam đón con về.
Các “quí tử” sau khi cởi bộ quần áo bị cáo lại vẫn cứ là “quí tử”. Không biết những ngày vừa qua trong trại tạm giam, mỗi đêm không còn được hưởng cái thú vui khoe xe khắp phố, các cậu có suy nghĩ gì về cuộc sống của mình và của mọi người không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận