Tùng Dương và Bộ tứ sông Hồng
Đêm nhạc Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng vào tối 5-6 tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội gây tò mò từ khi được công bố.
Rõ ràng cái tên này cho thấy chương trình không đi theo chủ đề hay chất nhạc riêng biệt, xuyên suốt nào. Giọng hát, cách hát của Tùng Dương và lời ca, điệu nhạc của bốn vị nhạc sĩ gạo cội là nguyên liệu chính nhằm chinh phục khán giả.
Tùng Dương - Hà Trần hát Mẹ tôi (Trần Tiến)
Trước Tùng Dương, đã có vài ca sĩ, nhà tổ chức đặt lên bàn cân ý định thực hiện ý tưởng âm nhạc thú vị này. Bốn nhạc sĩ Bộ tứ sông Hồng cũng từng có kế hoạch thực hiện một chương trình chung.
Nhưng với lửa nghề bốc cao, dường như chỉ có Tùng Dương mới kịp "đóng gói" được không chỉ một, mà là hai đêm diễn liên tục.
Gặp "nhân hòa", tức sự hợp tác của bốn cá tính âm nhạc, những tưởng đêm Bộ tứ sông Hồng sẽ bùng nổ từ đầu tới cuối, nam ca sĩ sinh năm 1983 cứ thế "thừa thắng xông lên" thôi. Nhưng hóa ra, khi tiếng nhạc cất lên, khán giả không khỏi phấp phỏng lo cho người hát…
Tùng Dương bước ra, "mồi lửa" bằng liên khúc ghép nối Bay vào ngày xanh (Dương Thụ), Trên quê hương quan họ (Phó Đức Phương), Sắc màu (Trần Tiến) và Ly cà phê Ban Mê (Nguyễn Cường), người nghe có cảm giác có gì đó hơi… sai sai.
Bốn bài hát với bốn nội dung cùng chất nhạc không liên quan đến nhau, như điệu í a khó ghép nối với điệu gằn của rock, phải chăng vì thế, lời chào mở màn của Tùng Dương chưa khiến khán giả yên tâm thưởng thức.
Thay vào đó, người ta lo cho ca sĩ: Ồ, thực đơn cho "bữa tiệc nhạc" nghe hay đấy, nhưng "bốn ông", mỗi ông mỗi kiểu mỗi màu thế này thì nghe hơi "căng" trong thời lượng dài!
Tùng Dương trong đêm nhạc lớn nhất sự nghiệp ca hát - Ảnh: Hòa Nguyễn
Những tiếng vỗ tay ban đầu khá rụt rè cả ở mỗi phần thể hiện sau đó, khi Tùng Dương tiếp tục hát 4 bài riêng, xem kẽ từng nhạc sĩ, từ Trở về, Tóc gió thôi bay, Thềnh thềnh Ook ơi, Giấc mơ Chapi.
Đây đều là những bài hát quen, nhưng là quen với những giọng ca khác, trong đó có cả giọng nữ, chứ với giọng hát Tùng Dương thì chưa.
Điều này cho thấy, trong sự nghiệp ca hát hơn 10 năm qua, cả bốn nhạc sĩ tới từ sông Hồng chưa thuộc miền âm nhạc của Tùng Dương.
Tùng Dương kết hợp với khách mời Hà Trần trong những ca khúc của Trần Tiến được phối với nhạc điện tử - Ảnh: Hòa Nguyễn
Thông thường ở phần đầu của những đêm nhạc, các ca sĩ thường hát bài quen, bài là "hit" của mình để khán giả nhanh chóng được kết nối thì ở đây Tùng Dương làm ngược lại. Chính điều này gây khó cho anh khi "ôm" cả "bộ tứ" và khiến màn khởi động chưa cuốn khán giả theo.
Nhưng may sao, sự thay đổi không khí kể từ khi khách mời Bằng Kiều bước ra song ca với Tùng Dương bài Sao em nỡ vội lấy chồng, rồi "ghi điểm" nhờ bản phối Chị tôi (đều của Trần Tiến).
Tùng Dương cùng Bằng Kiều - Ảnh: Hòa Nguyễn
Đến bài song ca thứ hai của hai giọng nam có chiều cao như Tùng Dương tếu táo là "một chín một mười" - Cho em một ngày (Dương Thụ) thì không khí có phần trầm lắng trước đó dần thay đổi.
Một lần nữa Tùng Dương bộc lộ sở thích biến những bài hát vốn dành cho giọng nữ, ngôi nữ là "em", trở thành "anh" và được anh chinh phục khá khéo léo.
Dù vậy, đến cả màn độc diễn tiếp đó, người nghe vẫn có cảm giác về sự dàn trải và Tùng Dương chỉ thực sự "kích nổ" được đêm nhạc kể từ nửa sau của chương trình.
Những tràng vỗ tay dài bắt đầu xuất hiện và đêm nhạc ngày càng hấp dẫn, níu chân khán phòng đầy ắp khán giả đến phút cuối, dù đã sát 12h đêm.
Nếu ở phần đầu Tùng Dương vẽ lên đêm nhạc của mình gam màu trung tính, thì ở phần tiếp sau nam ca sĩ giàu nội lực bộc lộ rõ hai thái cực khác biệt, đối lập, bổ trợ nhau cho cả "tính nhạc" và "tính cách" của mình, như thể "âm" với "dương".
Từ nỗi cô đơn lặng thinh trong Bóng tối ly cà phê (Dương Thụ) và Một mình (Trần Tiến) ở đúng sở trường về âm nhạc là blue jazz, Tùng Dương dần đẩy lên cực điểm với sự náo động trong âm nhạc của Nguyễn Cường, Phó Đức Phương.
Khi bắt đầu được "lên đồng", Tùng Dương mới thực là Tùng Dương.
Một loạt ca khúc sau đó, có cả những bài mới tinh của Nguyễn Cường không khỏi khiến khán giả trầm trồ, thán phục, ít nhất cũng về sức hát càng ngày càng sung của ca sĩ.
Cùng sự phấn khích của khán giả thì cũng thấy được sự hãnh diện khó che giấu của nam ca sĩ khi chinh phục thành công những tác phẩm khó, đòi hỏi nội lực mạnh khác như Mái đình làng biển, Hò biển, Bên dòng sông Cái…
Chuỗi tác phẩm này cũng cho thấy rõ dụng ý của Tùng Dương cùng ê-kíp thực hiện chương trình khi gắn chất âm nhạc dân gian với lối thể hiện theo phong cách trình diễn nghệ thuật đương đại, từ bản phối đến lối bài trí sân khấu, trang phục.
Tuy vậy, nếu xét tổng thể đêm nhạc như một "liveshow" thì phần "nghe" trội hơn phần "nhìn" - yếu tố được đảm bảo tốt hơn ở đêm Trời và đất vào năm 2017 của Tùng Dương.
Những màn hình lớn trên sân khấu dù đã được nâng cấp lên mức hiển thị 3D thì nhiều khi vẫn bị lạm dụng, khiến khán giả dễ mất tập trung.
Sự nghiệp của Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ trở nên rõ nét, vững chãi là nhờ họ đã mang đúng con người họ vào âm nhạc, với vốn văn hóa và sự riêng biệt của từng nhạc sĩ được bộc lộ.
Thẩm thấu, tiếp biến và đủ sức đưa những mảng màu, mảng tình ấy lên một sân khấu, cộng gộp và chưng cất trong một đêm nhạc, riêng điều ấy đã cho thấy tinh thần "độc đạo" và ý thức làm nghề như con cò ăn đêm, con nhện giăng tơ của một đại diện của thế hệ nghệ sĩ trẻ là Tùng Dương.
Những hình ảnh trong đêm nhạc - Ảnh: Hòa Nguyễn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận