Hình vẽ sản phụ sinh con vào đầu thế kỷ 20
Vào thời điểm năm 1900, có đến 95% sản phụ Mỹ sinh con tại nhà. Đến giữa thế kỷ 20, hầu hết sản phụ đều phải đến bệnh viện để sinh con.
Vào thời điểm này, sản phụ khi vào viện thường bị đối xử rất "công nghiệp" với những quy trình giống nhau cho tất cả mọi người. Và nhiều người trong số này, đã phải sinh mổ.
Phong trào tự sinh trao quyền lực cho sản phụ
Phong trào tự sinh bắt đầu từ những năm 1950 do bác sĩ sản khoa người Pháp Fernand Lamaze và bác sĩ Anh Grantly Dick Read khởi xướng với mục đích tái cân bằng quyền lực giữa bác sĩ, bà mụ với sản phụ.
Chất lượng các ca sinh nở cũng bắt đầu được nâng lên trong đó có sự xuất hiện của người chồng trong phòng khi vợ vượt cạn.
Nhưng việc có quá nhiều sản phụ phải sinh mổ chính là lý do khiến phong trào tự sinh mạnh lên.
Năm 2014, tại Mỹ có 30.000 sản phụ tự sinh tại nhà và con số này tiếp tục tăng lên nhưng vẫn chưa bao giờ chiếm hơn 1% tổng số ca sinh.
Năm 2014, sản phụ Jacobs lý giải vì sao tự sinh: "Mang bầu không phải là bệnh còn bệnh viện là nơi người ta cần phải đến khi bị bệnh. Ở đó có nhiều bệnh nhiễm trùng và đặc biệt sản phụ có nguy cơ phải tiến hành rất nhiều xét nghiệm để ca sinh nhanh chóng. Thậm chí tỉ lệ phải tiểu phẫu rạch âm hộ hay đại phẫu, gây mê hoàn toàn, để mổ bắt con cũng cao hơn".
Đáp lại Tạp chí Sản phụ khoa Mỹ đưa ra những con số lạnh lùng để thấy sự bất lợi của tự sinh. Khi tự sinh tỉ lệ chết non cao gấp 10 lần và tỉ lệ gặp vấn đề thần kinh cao gấp 4 lần. Đồng thời, tỉ lệ trẻ sơ sinh không có mạch hoặc không thở chiếm 1,6% so với chỉ 0,16% nếu sinh tại bệnh viện.
Thống kê tại New South Wales, Úc trong năm 2014 có 228 ca tự sinh tại nhà và 30 trong số này phải đem đi viện cấp cứu.
Một bài báo trên Washington Post nói rằng nếu muốn tự sinh tại nhà cần phải đảm bảo những điều kiện sức khỏe của sản phụ cũng như thai nhi.
Belinda Phipps, chủ tịch Liên hiệp tự sinh quốc gia Anh, đưa ra lập luận: "Nếu chúng ta sinh con như vịt đẻ trứng, thì liệu chúng ta có trách nhiệm gì trong suốt 20 năm chăm con tiếp theo. Ca sinh nở đánh dấu bạn trở thành một người mẹ và một người chăm sóc trong thời gian dài sau đó".
Tuy nhiên, nhiều người theo trường phái tự sinh lại không siêu âm, không dùng hỗ trợ y tế. Việc nghĩ rằng trong quá trình tự sinh, vai trò của sản phụ là độc tôn bị cho là hoàn toàn sai lầm.
Tự sinh: vì con hay vì mẹ?
Marian MacDorman, một chuyên gia phân tích với báo cáo trên tạp chí Birth, viết: "Tôi nghĩ có nhiều lý do khiến việc tự sinh ngày càng tăng. Khát khao được sinh con trong môi trường quen thuộc có người thân xung quanh, hạn chế tối đa can thiệp y tế, khó khăn trong di chuyển ở vùng nông thôn, chi phí thấp... là những lý do khiến người ta chọn tự sinh".
Cách đây vài năm, báo chí thế giới đã có nhiều bài báo phân tích tâm lý của phong trào tự sinh trên thế giới. Tờ Guardian có bài viết nhan đề Sự sùng bái tự sinh đã đi quá xa và Washington Post đăng bài viết Công nghiệp tự sinh đã áp tâm lý mặc cảm và tội lỗi lên người mẹ của bác sĩ sản phụ khoa Amy Tuteur.
Tác giả bài viết trên Guardian nói rằng bị dụ vào công nghiệp tự sinh bất chấp nguy hiểm cho đứa con không phải là nữ quyền.
Còn bác sĩ Amy Tuteur với tư cách bà mẹ bốn con đồng thời là bác sĩ sản đã viết rằng so với quá trình nuôi con với đầy ắp cảm xúc và kỷ niệm, cảm xúc tại khoảnh khắc sinh con sẽ nhanh chóng phai mờ. bà Tuteur cũng khẳng định rằng tất cả những đứa con của mình không quan tâm rằng chúng sinh ra bằng cách nào, tự sinh hay sinh mổ.
Đồng thời, bà Tuteur cũng cho rằng hiện nay xu hướng thời thượng là phải tự sinh và nuôi con bằng sữa mẹ.
Bài báo của Washington Post trích đăng lại nghiên cứu mang tên "Kỳ vọng lớn: Cảm xúc là tối thượng của ca sinh nở" của hai tác giả Markella Rutherford và Selina Gallo Cruz.
Trong nghiên cứu này, Rutherford và Cruz nói rằng công nghệ tự sinh cũng giống công nghiệp đám cưới, tạo tâm lý "người phụ nữ sẽ có một ngày rất đặc biệt, đầy cảm xúc cùng với người thân". Nếu như trong ngày cưới, cô dâu là tâm điểm thì giờ đây người phụ nữ sắp làm mẹ sẽ là người đạo diễn, sắp đặt và cũng đóng vai chính trong một buổi lễ đầy cảm xúc này.
Trang ABC của Úc dẫn lời Anne Turner, Ủy viên Nhóm ủn hộ sinh chủ động: "Chúng tôi muốn phụ nữ được tận hưởng, trải nghiệm cảm giác sinh nở hơn là phải sợ hãi hoặc bị dùng thuốc quá nhiều. Có khác biệt rất lớn giữa người được sinh con tại nhà và ở bệnh viện".
Chính vì vậy, rất nhiều sản phụ bị tổn thương nặng khi ca tự sinh không được như mong muốn.
Một bà mẹ có ca sinh tự nhiên bất thành viết trên Ravishly, một trang tôn vinh nữ quyền tại Mỹ: "Sức khỏe của đứa con không bù đắp được cảm giác thất bại của tôi. Sức khỏe của nó không gỡ lại được những gì tôi đã mất".
Còn trên BabyCenter, trang web của các "mẹ bỉm sữa" tại Anh, một sản phụ viết: "Tôi cảm thấy hụt hẫng và thất vọng sau ca sinh mổ. Tôi càng đau lòng hơn khi người ta cứ lặp đi lặp lại sự tuyệt diệu của tự sinh".
Bác sĩ sản khoa Michael Gannon đồng thời là chủ tịch Hiệp hội y khoa Úc nói với news.com.au: "Buồn bã mà nói nhiều phụ nữ ở những nước đang phát triển không có lựa chọn nào ngoài tự sinh. Và ở những nơi đó, chết khi sinh xảy ra khá thường xuyên. Nhưng tại sao những người ở thế giới phát triển lại chọn phương pháp sinh đầy rủi ro này".
Ông Gannon nói rằng phong trào tự sinh là "một sự ngu ngốc ở tầm cao mới".
Trong khi đó một tạp chí tại New York dẫn lời của một bà mụ nói rằng vấn đề quan trọng nhất là đứa bé, có khỏe mạnh hay còn sống không trong khi vấn đề quan trọng nhất với người chọn tự sinh chính là bản thân họ.
Bà mụ lên ngôi
Cho đến thế kỷ 20, nghề bà mụ tại Mỹ không cần giấy phép. Nhưng trước nhu cầu tự sinh, nghề này đang có giá. Năm 1963, chỉ 275 bà mụ có giấy phép và con số này tăng lên 4.000 vào năm 1995 và 11.000 năm 2016. Một bà mụ kiếm khoảng 75.000 đến 99.000 USD/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận