05/12/2016 10:43 GMT+7

Tự nghiên cứu trước, làm tiến sĩ sau

NGUYỄN THỊ HỒNG
NGUYỄN THỊ HỒNG

TTO - Nhân chuyện dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến bức xúc về mấy tiến sĩ làm luận án xong chẳng ai đọc, tôi xin kể câu chuyện từ chính bản thân xem như thêm một ý kiến về vấn đề này.

dad

Thực ra sau khi học ĐH rồi thạc sĩ, rất nhiều người yêu thích nghiên cứu đã bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề khoa học xã hội - nhân văn, kỹ thuật - công nghệ, giáo dục y tế... Tùy vào những gì họ đã đặt nền móng khi làm luận văn thạc sĩ, và dĩ nhiên ước muốn học thêm nữa để thi vào nghiên cứu sinh rồi tiến sĩ cũng là điều đáng trân trọng và khuyến khích.

Công khai các bài báo, công trình

Tôi cũng tìm hỏi rất nhiều thầy trong nước lẫn nước ngoài về lĩnh vực mình mong muốn chuyên sâu và nêu ý kiến muốn được theo học chương trình nghiên cứu sinh dạng tự do chứ không theo khuôn khổ các trường có tiêu chuẩn và giảng viên xếp hàng để được xét duyệt. Tôi làm trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Tôi tìm đọc những vấn đề mà các giáo sư nước ngoài đưa vào các công trình nghiên cứu, các bài viết dạng hàn lâm (academic papers) hay các bài đăng báo phổ thông (non-academic papers). Sau đó tôi viết thư cho một số giáo sư danh tiếng nước ngoài hỏi rõ về việc xin học chương trình nghiên cứu sinh, đồng thời trình bày cho họ biết tôi đã có bằng cấp/chứng chỉ theo yêu cầu thường được đăng công khai trên các trang web của trường.

Các giáo sư ở một số trường ĐH danh tiếng của Úc, Mỹ, New Zealand mà tôi tham khảo ở lĩnh vực nào họ cũng công khai rất rõ những bài báo, công trình của họ, đăng tạp chí nào, thời gian nào để sinh viên tiện theo dõi và cập nhật kiến thức nên rất dễ cho người học chọn đúng thầy để “tầm sư học đạo”, nhưng điều này có lẽ khó tìm thấy ở các giáo sư/tiến sĩ tại Việt Nam?

Nhận được email của tôi, một trong số các thầy giáo đã trả lời rất chi tiết về những yêu cầu bắt buộc nếu muốn xin học bổng tại trường của thầy cũng như tôi phải cho thầy biết mình đã làm được gì, cụ thể là đã đăng được bao nhiêu bài báo, đăng ở báo nào, thời gian nào, lĩnh vực nghiên cứu là gì, trình độ ngoại ngữ (IELTS/TOEFL) ra sao, nếu chưa đạt mức yêu cầu thì phải học và thi cho đến khi đạt mức điểm quy định thì mới được chấp thuận theo học...

Tóm lại, tôi phải có bài nghiên cứu giá trị được đánh giá thông qua việc bài báo đó đăng ở tạp chí khoa học nước nào, còn nếu chưa có thì phải làm được những điều đó xong hãy nghĩ đến chuyện theo chương trình nghiên cứu sinh.

Khi trao đổi điều này với các giáo sư, tiến sĩ ở các trường ĐH khác, tôi cũng nhận lại câu hỏi không khác các câu hỏi trên là mấy. Một số thầy ở Mỹ còn yêu cầu phải tự học thêm về toán thống kê, phương pháp nghiên cứu mới và đặc biệt là việc nghiên cứu mà tôi sẽ làm trong tương lai liệu có đem áp dụng ở nơi khác được hay không.

Ví dụ kết quả nghiên cứu liên quan đến những vấn đề như đói nghèo/thất nghiệp ở một nước X có thể áp dụng cho nước Y nào đó trong cùng nhóm (các nước đang phát triển) hay không.

Những yêu cầu rất khắt khe này thật sự là lời nhắc nhở cho những ai muốn đi theo con đường nghiên cứu về việc đừng bận tâm đến cái bằng, mà trước hết người nghiên cứu phải thực lòng yêu mến lĩnh vực mình tin rằng sẽ gắn bó với nó trong thời gian vài năm hay vài chục năm tiếp theo, chứ không phải bảo vệ thành công luận án rồi nhận bằng là xem như đã thành tiến sĩ và thế là những thứ tiếp theo không còn đáng để quan tâm nữa.

Việt Nam công khai ít quá

Nghĩ lại thực trạng này Việt Nam có thể thấy dường như rất ít giảng viên, giáo sư tiến sĩ công khai trên trang web của trường những gì họ nghiên cứu nên thường sinh viên chỉ biết thầy/cô là giáo sư hay tiến sĩ theo lời giới thiệu của chính họ, còn cụ thể là nghiên cứu những gì thì gần như mù tịt thông tin.

Chưa kể đa số thầy/cô thường phải dạy vài môn và ít khi khuyến khích sinh viên nghiên cứu, bởi ngay chính bản thân các thầy/cô cũng cho rằng những người làm nghiên cứu nghèo lắm. Giảng viên ĐH trẻ thì lại bận chạy sô kiếm tiền, nhà trường cũng thường giao họ dạy những môn cơ bản mà các môn này thiệt là không gây hứng thú gì cho sinh viên.

Nếu muốn đi theo con đường nghiên cứu thì trước hết người đó phải bỏ công sức thời gian rất nhiều để đọc các bài báo đã có trong lĩnh vực liên quan, sau đó mới tìm kiếm xem nghiên cứu thêm điều gì mới, hay, lạ và có tính ứng dụng. Ngay cả số lượng các thầy/cô hiện nay học hàm học vị cao khá nhiều nhưng các công trình nghiên cứu của họ trên các tạp chí khoa học quốc tế rất khó thấy tên ở tầm khu vực, huống gì đến tạp chí khoa học thuộc hàng đầu thế giới.

 

Cần phải thay đổi cách tiếp cận trong nghiên cứu khoa học

Điều an ủi là thời gian gần đây các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài luôn có thêm sự xuất hiện của các giáo sư, tiến sĩ nước ngoài đến giảng dạy. Nếu có cơ hội theo học với các thầy từ nước ngoài, bạn sẽ thấy rõ họ ít khi sử dụng giáo trình mà thường sử dụng chính các nghiên cứu của mình và đồng nghiệp để giảng dạy cho sinh viên Việt Nam.

Đó thật sự là một cách tiếp cận không mới, nhưng lại chưa được đưa vào sử dụng nhiều để tạo thói quen đọc bài nghiên cứu khoa học của người đi trước. Học cách viết bài báo một cách hàn lâm, thay vì chỉ viết ra những gì học thuộc trong giáo trình vốn chỉ tập trung vào lý thuyết rất dễ gây nhàm chán cho người học, bởi học xong chỉ để thi cho qua thay vì để áp dụng.

Như vậy các trường ĐH rất cần phải thay đổi cách tiếp cận trong nghiên cứu khoa học theo hướng mà các trường ĐH hay viện nghiên cứu nước ngoài đã áp dụng từ lâu. Đó là từ ngưỡng cửa ĐH sinh viên phải được thực hành việc nghiên cứu một cách bài bản, thay vì cứ chạy theo việc học thuộc lòng để trả bài trong các kỳ thi và như vậy họ sẽ mãi mãi được gọi là học sinh cấp 4 mà thôi!

Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị ban hành để lấy ý kiến đóng góp của xã hội có nhiều thay đổi quan trọng. Trong đó đáng chú ý nhất là tiêu chuẩn yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế, có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo....

Từ số báo này, Tuổi Trẻ xin được trích đăng các ý kiến quanh tiêu chuẩn này. Ở Việt Nam tiêu chuẩn này hiện nay ra sao, trong khi đó ở các nước được áp dụng như thế nào... Ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi về địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn.

 

NGUYỄN THỊ HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên