01/07/2012 07:54 GMT+7

Tù mù đặc sản Đà Lạt

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TT - Gần như toàn bộ các “lò mứt đặc sản” tại các khu du lịch ở Đà Lạt đều không có giấy phép sản xuất. Hàng được nhập về từ nhiều nguồn rồi gắn nhãn mác và bán với giá cao hơn 3-5 lần so với hàng hóa cùng nguồn gốc trong chợ Đà Lạt.

Z9S2MOrx.jpgPhóng to
Mặc dù không được cấp phép sản xuất nhưng lò Toàn Thắng vẫn có mứt đào giòn, atisô túi lọc và nhiều đặc sản khác mang nhãn hiệu của mình - Ảnh: Minh Châu

Đa số các bảng hiệu của các cơ sở kinh doanh mứt đều dùng những chữ: “cơ sở mứt vườn dâu”, “đặc sản mứt vườn dâu”, “lò”... kèm theo những lời chào mời ngọt ngào khiến không ít du khách đến Đà Lạt bị đánh lừa và sau khi hớn hở tay xách nách mang món quà về nhà mới biết mình bị hớ.

Lập lờ “lò mứt”

Trao đổi xung quanh vấn đề quản lý các “lò” mứt tại Đà Lạt, ông Dương Ngọc Đức, trưởng Phòng kinh tế UBND TP Đà Lạt, cho biết: “Chúng tôi đang tích cực kiểm soát hoạt động kinh doanh, sản xuất mứt và các mặt hàng đặc sản trên địa bàn TP, đặc biệt là các điểm nóng mà du khách, dân địa phương đã nhiều lần phản ảnh như khu vực đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực. Những sai phạm về bảng hiệu, nhãn mác, giá, chất lượng sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đây không những là hành vi đánh lừa du khách mà còn bị xem là sản xuất hàng giả”.

Anh Nguyễn Thanh Bình, nhân viên ngân hàng tại TP.HCM, đã rơi vào bẫy của các cơ sở mứt và mua hơn 1 triệu đồng tại cơ sở Thanh Hằng (đường Nguyên Tử Lực). Anh kể rằng hướng dẫn viên nói sẽ đưa đoàn đến một lò truyền thống chuyên sản xuất các đặc sản của Đà Lạt. “Ngoài việc quảng cáo là hàng do chính cơ sở mình làm, các nhân viên còn đưa cho tôi xem nhiều mặt hàng được in nhãn có chữ Thanh Hằng rất trang trọng khiến tôi không thể không tin mình đang ở một lò lớn” - anh Bình cho biết.

Biết chúng tôi đang tìm nguồn hàng để mở cơ sở chuyên mứt đặc sản, chủ một cơ sở chuyên sản xuất mứt dâu, nước ép dâu, nước mác mác (chanh dây) hào hứng: “Ý mấy anh là muốn giới thiệu hàng do cơ sở mình tự sản xuất? Các cơ sở trên đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực cũng lấy hàng theo cách này, nhiều nơi còn gửi nhãn cho chúng tôi dán luôn”.

Để chứng minh, ông đưa chúng tôi đến khu vực nhân viên đang dán nhãn. Trên sàn nhà bày la liệt các hộp mứt dâu loại nhỏ, nước ép dâu chưa dán nhãn và cạnh đó là những thùng nhãn. Trong các nhãn mác đó, thoáng thấy có tên của những cơ sở mứt đặc sản quanh khu vực thung lũng Tình Yêu và đồi Mộng Mơ. Ông còn “hướng dẫn” thêm: “Nếu cần thì nước ép dâu, nước mác mác tôi sẽ bán từng can nhựa rồi các anh tự pha chế theo ý mình, bán vậy lãi đậm hơn”.

Theo chân một đoàn khách đến từ một công ty may mặc tại Bình Dương, chúng tôi ghé cơ sở mứt Mỹ Quyên. Trước khi đến chúng tôi được tài xế quảng cáo rằng đây là nơi sản xuất mứt dâu lớn nhất nhì Đà Lạt, khách sẽ được tham quan vườn dâu, nếu có nhu cầu thì có thể vào lò xem quy trình chế biến mứt.

Khi nghe như vậy, khách trên xe rất thích. Nhưng khi vào đến nơi thì nhân viên bán hàng tránh né: “Anh chị cứ uống trà atisô, dùng thử mứt của nhà em làm, ngon thì mua cho em. Mấy hôm nay hàng tồn kho nhiều nên lò ngưng sản xuất vài bữa”. Chúng tôi tiếp tục yêu cầu tham quan vườn dâu thì cô nhân viên viện lý do “ông anh cầm chìa khóa vườn rồi”.

Theo các tài liệu từ UBND P.8 và Chi cục Thuế TP Đà Lạt, hiện trên hai tuyến đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực (thuộc P.8) có tới 37 cơ sở kinh doanh mứt đặc sản nhưng không hề có cơ sở nào đăng ký sản xuất.

Hàng “lạ”

Giá chợ và giá “lò”

Hòa vào dòng khách du lịch vừa đổ vào lò mứt Thanh Nhu trên bốn chiếc xe loại 45 chỗ, chúng tôi được đưa xuống một tầng hầm rộng khoảng 200m2 bày bán rất nhiều loại mứt đặc sản. Ở đây có gần mười nhân viên cầm phiếu đi theo khách tận tình hướng dẫn và mời chào. Sau khi chọn được hơn mười loại mứt khác nhau, chúng tôi mang toàn bộ số mứt ấy ra chợ Đà Lạt để so giá. Kết quả là tất cả những loại mứt trên đều có giá cao hơn ngoài chợ 2-5 lần. Một hộp mứt đào giòn Thanh Nhu có giá 40.000 đồng, ngoài chợ chỉ bán với giá 20.000 đồng. Tương tự, 100g xí muội ôliu Thanh Nhu bán 45.000 đồng thì tại chợ Đà Lạt nhìn ngon mắt hơn chỉ có giá 20.000 đồng. Hồng sấy dẻo Thanh Nhu bán 600.000 đồng/kg thì tại chợ, loại tương đồng chỉ bán giá 150.000 đồng.

Các cơ sở trên đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực có rất nhiều sản phẩm mứt được quảng cáo là đặc sản Đà Lạt như đào giòn, đào sữa, trần bì. Trên thực tế đây là những loại mứt không hề có đăng ký sản xuất tại Đà Lạt. Ngoài ra, đa số các điểm này đều có bán cả “phấn hoa atisô” mặc dù đây là sản phẩm đã bị các cơ quan chức năng cấm bày bán vì... không có thật!

Ông T., chủ một cơ sở mứt đặc sản đã giải nghệ, cho biết chỉ một vài loại đặc sản được bán quanh thung lũng Tình Yêu, đồi Mộng Mơ như khoai lang dẻo - sấy khô, các sản phẩm từ dâu, rau củ quả sấy là được sản xuất tại Đà Lạt. Theo ông, các cơ sở kinh doanh bày bán kiwi, đào giòn, xí muội ôliu... được dán nhãn là đặc sản Đà Lạt, sản phẩm gia truyền đều là mạo nhận.

“Ngày xưa thì có một số cơ sở sản xuất thật sự nhưng chỉ sản xuất vài món có nguyên liệu tại địa phương. Từ khi rộ lên hàng trôi nổi với giá rẻ kinh ngạc thì tất cả các cơ sở mứt đặc sản tại đây đều nhập hàng về bán” - ông T. nhấn mạnh. Ông bảo sự mạo nhận của các cơ sở phổ biến đến mức du khách đã đến Đà Lạt nhiều lần vẫn đinh ninh rằng Đà Lạt là xứ sở của muôn vàn loại mứt, trong khi đa số là hàng không có nguồn gốc rõ ràng.

“Cò” xuyên tỉnh

Trong thời gian thâm nhập thế giới “cò” tại đây, chúng tôi hiểu tại sao giá mứt lại đội lên một cách bất thường. Trong vai một “cò” mứt tập sự, tôi được Tuấn, một “cò” mứt chuyên nghiệp của cơ sở mứt Thùy Dương, hướng dẫn tận tình các mánh khóe lôi kéo khách. Đưa mắt quét một lượt những chiếc xe chở khách du lịch đậu san sát trên đường như gợi ý mục tiêu, Tuấn vỗ vai tôi nói: “Nếu có khách, mày sẽ được chủ chia 30% hoa hồng, phải khéo léo cưa hoa hồng với tài xế. Mày chịu làm thì mỗi ngày lận túi triệu bạc là bình thường. Không cần bám theo khách để mời chào đâu, chỉ cần móc nối được tài xế và hướng dẫn viên”.

Chiếc xe mang biển số An Giang vừa tấp vào bãi đậu của đồi Mộng Mơ, Tuấn lẹ làng đến trước đầu xe. Đợi khách vừa ra khỏi xe, anh ta xáp lại to nhỏ mức hoa hồng với tài xế. Xong việc, Tuấn quay trở về chỗ tôi, mắt vẫn không rời tài xế, bảo xe này ở xa tới, tài xế chưa biết lệ nên dễ nói chuyện, chi hoa hồng 20% là gật đầu tức khắc. Không chỉ Tuấn, tại khu vực thung lũng Tình Yêu, đồi Mộng Mơ, vườn hoa thành phố có cả trăm “cò” mứt đang sẵn sàng hành động như vậy để phục vụ một ma trận cơ sở mứt đặc sản. Nhưng những “cò” như Tuấn chỉ là “cò” con.

Thấy tôi thương lượng lâu với một tài xế xe mang biển số Đà Nẵng mà không có kết quả, Tuấn kéo tôi ra ngoài phân tích: “Trên xe có hướng dẫn viên, những xe đó HN, TH ở đường Nguyên Tử Lực thầu hết, họ liên lạc với hướng dẫn viên ngay từ khi xe tới chân đèo Prenn. Những chủ cơ sở mứt lớn đều có đường dây móc nối khách từ Đà Lạt vươn ra tận các tỉnh thành lân cận như Nha Trang, Sài Gòn, thậm chí cả Đà Nẵng, Huế... và cắm nhân viên ở đó nhằm thương lượng tỉ lệ chung chi hoa hồng với hướng dẫn viên, tài xế để trong lịch trình khách đoàn phải có chương trình tham quan cơ sở mứt”. Tại sân bay Liên Khương cũng có người của các lò này chờ cơ hội “tiếp thị” với khách. Các cơ sở này còn cử nhân viên, thực chất là “cò”, có hiểu biết về Đà Lạt ra tận chân đèo Prenn (ngõ quốc lộ 20) và đèo 723 (cửa ngõ từ Nha Trang)... để dẫn khách vào “ma trận”.

Một chủ khách sạn lớn ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt cho biết: “Cò mứt vẫn thường tới khách sạn tôi tìm hướng dẫn viên hoặc tài xế để đưa tiền hoa hồng. Chuyện này đã thành lệ. Các lò mứt có hai cách để chi hoa hồng: chi từ 20-30% trên tổng giá trị tiền hàng khách mua hoặc đưa tiền trước cho tài xế và hướng dẫn viên với mức 3 triệu đồng cho xe 45 chỗ, 1,2 triệu cho xe 29 chỗ, chỉ cần đưa khách ghé lò”.

Hàng chợ Đà Lạt bị “dìm”

Trong khi các chủ lò mứt thu lợi nhuận lớn thì cách đó không xa, ngay chợ Đà Lạt, hơn 200 chủ cửa hàng đặc sản lại đang lâm vào tình trạng ế ẩm dù đây là điểm thu hút đông khách viếng thăm và giá các sản phẩm đặc sản cùng loại tại đây rẻ hơn rất nhiều so với các cơ sở quanh khu vực thung lũng Tình Yêu, đồi Mộng Mơ.

Bà T. (tiểu thương bán mứt tại chợ) bức xúc: “Họ không chỉ cho “cò” đi kéo khách mà còn thường xuyên nói với khách là hàng của họ tự sản xuất, chất lượng thượng hạng, còn ở chợ chỉ bán hàng “dạt” trong khi hàng hóa cùng lấy chung một mối”.

Hướng dẫn viên một công ty du lịch lớn tại Đà Lạt cho hay: “Đa số tour đến Đà Lạt cố tình đưa khách đi tham quan, mua mứt đặc sản quanh thung lũng Tình Yêu, đồi Mộng Mơ trước khi đưa khách tham quan chợ Đà Lạt nhằm hạn chế sự lựa chọn, so sánh giá của du khách. Thậm chí nếu khách không yêu cầu thì hướng dẫn viên, tài xế sẽ lờ đi”.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên