18/08/2018 09:31 GMT+7

Tự chủ đại học, không thể để các trường tự 'bơi'

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Tự chủ đại học là xu thế tất yếu, nhưng không thể để các trường tự 'bơi' mà cần có hành lang pháp lý tạo điều kiện tốt nhất cho các trường thực hiện tự chủ.

Tự chủ đại học, không thể để các trường tự bơi - Ảnh 1.

Đại biểu GS.TS Nguyễn Ngọc Trân góp ý kiến tại hội thảo - Ảnh: V.D.

Đó là ý kiến của đại biểu tại hội thảo giáo dục "Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế" Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 17-8.

Theo các đại biểu, việc thúc đẩy nhanh tiến trình tự chủ cùng với tự chịu trách nhiệm được xem như chìa khóa để tạo nên sự đột phá về chất lượng cho các trường đại học (ĐH).

Gánh nặng tài chính dồn lên vai ai?

Các trường phải được xác định mức học phí. Vì cùng với tự chủ, họ còn có trách nhiệm giải trình trước xã hội. Với mức học phí như thế, trường cam kết đáp ứng chất lượng như thế nào, điều kiện, môi trường đào tạo ra sao?

Đại diện một trường ĐH

Theo số liệu của Bộ Tài chính thì trong giai đoạn từ năm 2013-2017, ngân sách nhà nước đã chi trên 1,1 triệu tỉ đồng cho GD-ĐT, trong đó chi riêng cho giáo dục ĐH trên 170.000 tỉ đồng.

Nhưng so với nhiều nước phát triển, tỉ lệ đầu tư cho giáo dục ĐH của Việt Nam cũng không cao (chiếm 50% trong số các nguồn đầu tư cho giáo dục ĐH), trong khi ở nhiều nước là trên 90%. Ngân sách nhà nước và học phí là hai nguồn thu chủ yếu của các trường ĐH hiện nay.

Vì thế khi thực hiện tự chủ đại học, rất nhiều người đã hiểu rằng các trường ĐH sẽ phải tự chủ một phần hoặc toàn phần, trước hết là tự chủ nguồn chi thường xuyên. Và để bù đắp cho việc này chỉ trông chờ vào học phí.

Như vậy, tự chủ chưa biết sẽ giải quyết bài toán chất lượng ra sao nhưng có thể hình dung là học phí sẽ tăng. Và tăng đến mức nào thì đủ đảm bảo cho các trường thực hiện mục tiêu chất lượng?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ về hai năm thực hiện tự chủ của trường này: "Năm đầu tiên tự chủ, trường có 45.000 lượt thí sinh đăng ký dự tuyển, nhưng sau khi công khai mức học phí thì số lượng đăng ký giảm xuống chỉ còn 35.000 lượt.

Tuy nhiên năm thứ hai, khi chúng tôi có chiến lược truyền thông, đồng thời đầu tư cho chất lượng thực sự, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao hơn, nên vẫn với mức học phí đó, chúng tôi có 60.000 lượt thí sinh dự tuyển.

Bài học này cho thấy không quá ngại việc tăng học phí và cũng không cần khống chế mức trần học phí chung với các trường mà hãy để thị trường điều chỉnh. Chúng tôi tăng học phí nhưng đồng thời cũng tăng quỹ học bổng từ 12 tỉ đồng lên 36 tỉ đồng/năm".

Ngược lại, PGS.TS Thái Bá Cần, hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cho rằng vẫn cần có khống chế trần học phí. Và nên phân chia ra hai loại.

Với chương trình đại trà vẫn có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước thì phải khống chế trần học phí. Nhưng các chương trình thỏa thuận thì có thể tính giá đủ, thậm chí có thể tính giá cao.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác thì cho rằng đã giao cho các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm mà vẫn phải hạn chế trần học phí theo quy định thì không hợp lý.

Không thể đổ dồn gánh nặng học phí lên vai người học, TS Đặng Thị Thanh Huyền - Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng khi cho phép các trường tự chủ xác định mức học phí cao cũng cần phải có cơ chế đặc thù cho sinh viên vay tiền học.

Cơ chế chưa theo kịp

Nhà nước vẫn cần đầu tư cho các trường ĐH thực hiện tự chủ nhưng theo hướng "đặt hàng, giao nhiệm vụ" - đây là quan điểm của nhiều lãnh đạo các trường ĐH.

"Học phí dù cao đến đâu cũng khó có thể gánh được chi phí cho hoạt động của một trường ĐH, càng khó có thể lấy học phí để chi trả cho việc nghiên cứu khoa học. Vì thế các trường vẫn cần phải có các nguồn tài chính khác, trong đó có đầu tư của Nhà nước" - một đại biểu trao đổi.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng những ngành đào tạo phục vụ mục tiêu hướng tới nền công nghiệp 4.0, các ngành ít người học nhưng cần nhân lực chất lượng cao cho tương lai vẫn cần sự đầu tư của Nhà nước và đây là đầu tư lâu dài.

"Nhà nước có thể đặt hàng các trường trong việc nghiên cứu khoa học, cho các nhóm nghiên cứu công bố quốc tế. Ngoài ra có thể đầu tư cho hạ tầng phát triển nghiên cứu khoa học bằng cách chi cho cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ để sử dụng chung cho các nhóm trường trong các lĩnh vực cần ưu tiên" - ông Hoài bày tỏ quan điểm.

Theo ông Hoài, đó là cách đầu tư không dàn trải, đạt kết quả tốt hơn. Nhưng cùng với hướng đầu tư như thế, các trường cũng phải có sự chuyển biến để thay đổi sức ỳ để đáp ứng khi giao nhiệm vụ.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng trở ngại lớn nhất chính là cơ chế chính sách không chạy kịp thời đại và sự phát triển của giáo dục ĐH, cộng với "sức ỳ và tính bảo thủ của ĐH Việt Nam khá lớn".

Nhiều hiệu trưởng không dám làm vì sợ trách nhiệm. Cơ chế hiện nay không cho phép chúng ta dám làm và dám chịu trách nhiệm. Nhiều hiệu trưởng chỉ thực hiện công tác cho qua nhiệm kỳ, tư duy nhiệm kỳ rất rõ.

"Phải làm sao giải được bài toán để hiệu trưởng dám ra quyết định, dám làm dám chịu trách nhiệm" - ông Dũng nhấn mạnh.

"Tự chủ và giải trình là quan trọng nhất"

Tự chủ đại học, không thể để các trường tự bơi - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo - Ảnh: V.D.

Tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, tự chủ ĐH và giải trình là quan trọng nhất".

Phó thủ tướng phân tích: "Từ khi thành lập hai ĐH quốc gia, Thủ tướng đã không chỉ nói đến mục đích thành lập một trường ĐH lớn. Lúc đó, tất cả ĐH của chúng ta không có quyền gì nhiều mà tập trung hết vào Bộ GD-ĐT (lúc đó là Bộ ĐH).

Sau đó, Hội nghị trung ương lần thứ 7 cũng đã nói về tự chủ. Năm 2005, Bộ GD-ĐT chọn 4 trường để thí điểm tự chủ (Ngoại thương, Kinh tế, Ngoại ngữ, Kinh tế TP.HCM) nhưng đều dừng tại chỗ.

Mãi đến năm 2014, qua những cọ xát mạnh mẽ, chúng ta mới có được 4 trường rồi 6 trường và bây giờ là 23 trường. Tự chủ đó mới là một phần, chưa đúng hết với nghĩa quốc tế.

Lý do thứ nhất trong việc này là do cơ quan quản lý nhà nước (gồm Bộ GD-ĐT và bộ/UBND các tỉnh là cơ quan chủ quản của các trường ĐH). Về cơ bản, chúng ta nói lý thuyết nhưng vẫn không muốn buông quyền của mình.

Sự cọ xát này giống y những năm 1990 khi đất nước thực hiện đổi mới. Lúc ấy chúng ta nói phải xóa cơ chế chủ quản với khoảng 10.000 doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng không có bộ ngành nào muốn làm vậy.

Lý do thứ hai từ chính các trường ĐH. Tương tự như nhiều ban giám đốc các doanh nghiệp đầu những năm 1990, cũng vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp, bình bình như ngày xưa.

Lý do thứ ba, một phần từ người học trong xã hội - là hệ quả của hai lý do trên. Nhiều học sinh học phổ thông rất vất vả, cố thi vào ĐH, vào ĐH coi như xong vì vào ĐH là "nhàn" hơn. Ba lý do đó cộng hưởng lại cho nên vô cùng khó khăn.

Khi đặt ra tự chủ ĐH, chúng ta phải cọ xát rất nhiều và phải giải đáp nhu cầu của xã hội. Trong đó có hai băn khoăn quan trọng.

Thứ nhất, cho tự chủ phải chăng các trường cứ thế tự do nâng học phí, làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao, chất lượng tốt của con nhà nghèo, đối tượng chính sách?

Thứ hai, với tài sản đất đai và cả tri thức của trường ĐH như thế thì Nhà nước, các bộ chủ quản, UBND các tỉnh buông lỏng thì liệu có bị thao túng, bị lãng phí, bị mất?

Tuy nhiên hai băn khoăn này không phải không có hướng giải quyết vì các nước đã giải quyết rồi.

Câu chuyện thứ nhất liên quan đến khái niệm tự chủ ĐH, đặc biệt là tự chủ tài chính. Nhà trường có quyền thu nhiều hơn từ những nguồn lực xã hội có khả năng và mong muốn đóng góp nhiều hơn; đồng thời lập quỹ học bổng giúp đối tượng học sinh giỏi con nhà nghèo.

Thứ hai, về phần chi ngân sách nhà nước cho ĐH, tự chủ ĐH không có nghĩa Nhà nước không cấp ngân sách nữa mà chính là dùng ngân sách nhà nước để tập trung đào tạo ngành nghề nào theo mô hình đặt hàng.

Ví dụ, ngành pháp y không ai muốn học, ngành văn học nghệ thuật truyền thống hay phê bình lý luận văn học, Nhà nước phải đặt hàng cấp tiền cho các trường đào tạo.

Còn cơ chế quản lý tài sản, chúng ta đã có hội đồng trường gắn với trách nhiệm công khai, minh bạch khi giải trình. Lúc ấy cọ xát rất dữ dội, bây giờ kết quả đưa đến chuyển biến có tính chất lịch sử. Hầu như các trường đều mong muốn Luật giáo dục ĐH ban hành thật sớm để chính thức hóa tự chủ ĐH.

Đầu tư cho ĐH của Việt Nam rất lớn nhưng so với quốc tế rất ít. Hiện nay các trường ĐH có tiền rồi nhưng không được chi ra, muốn làm cái gì đều phải xin phép. Ngay cả các trường đang tự chủ hiện nay vẫn chưa được tự chủ hoàn toàn.

Chúng ta phải hiểu đúng nghĩa tự chủ, không phải giao tất cả cho trường mà phải gắn với giải trình. Đây là xu thế tất yếu. Cái này chúng ta phải luật hóa trong Luật giáo dục ĐH cũng như các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật".

Theo bà Đặng Thị Thanh Huyền, tự chủ tài chính không có nghĩa là tự lo nguồn tài chính mà các trường cần có cơ chế để tự chủ trong trả lương cho đội ngũ lao động để có thể khích lệ, tạo động lực cho cán bộ, nhân viên làm việc tốt.

Có rất nhiều vấn đề cần có cơ chế thì các trường mới thực sự tự chủ, bà Huyền cho rằng các hội đồng trường phải có quyền tuyển dụng và sa thải hiệu trưởng, có quyền mời kiểm toán bên ngoài kiểm soát việc sử dụng nguồn tài chính của nhà trường, đánh giá chất lượng đào tạo để từ đó điều chỉnh các chính sách áp dụng với nhà trường.

"Các trường ĐH đang thực hiện tự chủ ở Việt Nam đều mới chỉ đạt mức độ thấp nhất trong thang bậc về tự chủ" - bà Huyền nhận xét. Và vấn đề này không thể để các trường tự bơi mà cần có hành lang pháp lý tạo điều kiện tốt nhất cho các trường thực hiện.

Lại Lại 'nóng' tự chủ đại học

TTO - Phía các trường muốn tự chủ hơn, trong khi phía quản lý nhà nước muốn các trường phải đảm bảo chất lượng đào tạo...

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên