Theo quy định mới, các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình đều được ghi tên trong sổ đỏ. Trong ảnh: người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Mai Văn Phấn, phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm mới trong thông tư 33 của Bộ Tài nguyên môi trường liên quan đến cấp sổ đỏ, áp dụng từ ngày 5-12.
* Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên môi trường quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất. Quy định này hiểu thế nào cho chính xác, thưa ông?
Đây là điểm mới trong quy định của Luật đất đai, nhằm đảm bảo quyền lợi cho từng cá nhân trong hộ gia đình nếu người đó có quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
Theo quy định, với những trường hợp Nhà nước giao đất cho các hộ gia đình không thu tiền như giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cho các thành viên trong hộ gia đình thì đó là tài sản chung của hộ gia đình.
Tuy nhiên, khi cấp sổ đỏ theo quy định trước đây thì chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình trên sổ đỏ. Ví dụ như một gia đình có bốn người được giao đất sản xuất nông nghiệp, tức là cả bốn người đều có quyền sử dụng đất bình đẳng, nhưng trên sổ đỏ ngày trước chỉ ghi tên mỗi chủ hộ, còn những người khác không có tên.
Việc này dẫn tới một thực tế là những người có quyền sử dụng đất đã được Nhà nước giao nhưng không được pháp luật công nhận có quyền trên sổ đỏ.
Vì vậy, Luật Đất đai 2013 mới quy định thành viên nào trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất cũng đều được ghi tên trên sổ đỏ để bảo đảm quyền cho các thành viên.
Ông Mai Văn Phấn - Ảnh: XUÂN LONG
* Thực tế đã có những vướng mắc nào để quyết định phải ghi tên đầy đủ các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong sổ đỏ, thưa ông?
Việc chỉ ghi tên chủ hộ trên sổ đỏ đối với hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất theo quy định cũ có vướng mắc và bất cập. Thời gian qua đã có nhiều trường hợp khiếu nại xảy ra.
Ví dụ như khi giao đất nông nghiệp cho các thành viên trong hộ gia đình, trên sổ đỏ trước đây chỉ ghi hộ ông (hoặc hộ bà) nên có chuyện bố mẹ đứng tên trên sổ đỏ có cả quyền sử dụng đất của con nhưng lại tự ý chuyển nhượng cả quyền sử dụng đất của con cho doanh nghiệp.
Các cơ quan nhà nước, cơ quan công chứng cũng căn cứ vào tên trên sổ đỏ để làm thủ tục cho bố mẹ chuyển nhượng đất, nhưng sau đó mới phát sinh chuyện các con của những người này - những người được Nhà nước giao đất nông nghiệp - đòi lại quyền sử dụng đất của mình dẫn tới khiếu nại.
* Ngoài đất nông nghiệp do Nhà nước giao cho các hộ sản xuất, với các loại đất khác, việc quy định ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất có phải là ghi tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu?
Hiểu như vậy là không chính xác. Thực tế không phải tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu đều là người có quyền sử dụng đất.
Ví dụ trong gia đình có bốn người nhưng chỉ có một người là đối tượng được giao đất sản xuất nông nghiệp nên khi cấp sổ đỏ chỉ ghi tên người được giao đất, không ghi tên những người khác trong hộ gia đình.
* Những trường hợp mua bán nhà đất lâu nay chỉ ghi tên vợ chồng trên sổ đỏ mà không ghi tên con. Theo quy định mới, những trường hợp này tới đây sẽ được ghi như thế nào?
Đây là những trường hợp tạo lập tài sản riêng của vợ và chồng, không phải trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền cho các hộ gia đình, nên vẫn giữ nguyên quy định ghi tên vợ và tên chồng trên sổ đỏ, không phải ghi tên các con, kể cả các con trong cùng hộ khẩu.
* Việc ghi tên đầy đủ các thành viên có chung quyền sử dụng đất trên sổ đỏ liệu có tăng thêm giấy tờ, thủ tục trong quá trình cấp sổ đỏ?
Liên quan đến việc này, thông tư 33 có đưa ra hai phương án cho người dân lựa chọn.
Phương án thứ nhất: các thành viên trong hộ gia đình có thể cử một người đại diện đứng tên trên sổ đỏ. Với phương án này, trên sổ đỏ ghi tên người đại diện cho hộ gia đình, chứ không phải ghi như trước kia là hộ ông (hộ bà).
Việc ghi người đứng tên trên sổ đỏ là đại diện hộ gia đình nhằm ngăn ngừa trường hợp lợi dụng việc được ghi tên riêng trên sổ đỏ để tự ý chuyển nhượng, làm mất quyền lợi của các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất.
Phương án thứ hai: nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình đều muốn ghi tên trên sổ đỏ thì sẽ ghi tên tất cả trên sổ đỏ. Tuy nhiên, với phương án này, thông tư đã quy định cụ thể về cách thức thực hiện để không phát sinh thủ tục.
Ví dụ như ghi tên bốn thành viên trong gia đình trên sổ đỏ thì không phải cả bốn người đều phải cùng đi làm thủ tục, mà chỉ cần một người đi mang theo giấy tờ của những người khác là được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận