26/01/2019 10:21 GMT+7

Trung tâm tác quyền đã đòi được tiền từ Facebook và YouTube

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Năm 2018, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu về gần 104 tỉ đồng tiền tác quyền.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã đàm phán xong với YouTube, Facebook và bắt đầu đòi được tiền bản quyền cho các nghệ sĩ từ các mạng xã hội này.

Hôm 25-1, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 tại Hà Nội. 

Trung tâm này cho biết năm 2018 họ thu được gần 104 tỉ đồng tiền tác quyền (đã trừ thuế VAT), tăng 25% so với năm 2017. 

Thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho thấy nguồn thu của thị trường phía Nam luôn gấp đôi khu vực phía Bắc. Nếu doanh thu phía Nam là hơn 65 tỉ đồng thì doanh thu phía Bắc là 39 tỉ đồng.

Tiền tác quyền thu được nhiều nhất đến từ các website, ứng dụng, lên tới 37 tỉ đồng. Nối tiếp là khu vực kinh doanh karaoke, phòng thu âm với doanh thu hơn 10 tỉ đồng. 

Đứng thứ ba là phát thanh, truyền hình với doanh thu hơn 8 tỉ đồng. Khu vực nhà hàng, quán bar cũng đem về cho trung tâm này hơn 6 tỉ đồng.

Trước đó việc thu tiền tác quyền tại nhà hàng, khách sạn, quán karaoke đã gây nhiều tranh cãi, nhưng tới nay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu được tiền ở các nơi này.

Việc thu tiền tác quyền đang ngày càng mở rộng phạm vi. Sau mấy năm bền bỉ đàm phán, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã kết thúc đàm phán với YouTube và Facebook. 

Năm qua họ đã thu về từ Facebook 1,5 tỉ đồng tiền tác quyền và phát hiện, dỡ bỏ trên 2.000 đường link vi phạm tác quyền. Nhiều doanh nghiệp khi bị phát hiện đã chủ động đóng tiền để giữ được đường link của họ trên Facebook.

YouTube cũng đã gửi về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hơn 21 triệu đường link để trung tâm này xác định đâu là tác giả thuộc quyền bảo vệ của mình, từ đó loại bỏ những link không thanh toán tiền tác quyền, và thu tiền những đơn vị sử dụng tác phẩm do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam quản lý.

"Hiện chúng tôi đã phải tuyển thêm nhân viên IT, làm ngày làm đêm để xử lý 21 triệu đường link này" - tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết.

Các nhạc sĩ bắt đầu cảm nhận rõ những quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng khi việc bảo vệ tác quyền đang được làm ngày càng chuyên nghiệp hơn. 

Có những nhạc sĩ một năm nhận 500 - 700 triệu đồng tiền tác quyền. Trao đổi với nhạc sĩ Giáng Son, chị cho biết nhiều năm nay chị vẫn ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và thấy ổn.

Hàng loạt tác phẩm kinh điển hết thời hạn bảo vệ bản quyền Hàng loạt tác phẩm kinh điển hết thời hạn bảo vệ bản quyền

TTO - Gần một thế kỷ trước, Nhà xuất bản Alfred A. Knopf ra mắt cuốn sách mỏng có tên Nhà tiên tri (The Prophet) của nhà thơ - họa sĩ người Mỹ gốc Lebanon có tên tuổi mờ nhạt thời điểm đó là Kahlil Gibran.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên